Tết Nguyên đán và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt
Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Tết là dịp để chúng ta mời ông bà tổ tiên về chung vui với cháu con dịp đầu năm mới.
Người Việt tin rằng ông bà tổ tiên tuy mất đi nhưng vẫn sinh hoạt như ở dương gian: “trần sao âm vậy”. Linh hồn tổ tiên, ông bà như thần hộ mệnh luôn phù hộ, chở che cho con cháu.
Hướng về nguồn cội, gắn kết gia đình, dòng họ
Thờ cúng tổ tiên không chỉ là tín ngưỡng phổ biến của người Kinh – tộc người chiếm đa số trên dải đất hình chữ S – mà nhiều dân tộc như Mường, Thái… cũng lưu giữ phong tục này. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt.
GS. TS Nguyễn Xuân Kính
Theo GS. TS Nguyễn Xuân Kính, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, mỗi người sinh ra đều có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ý thức “con người có tổ, có tông” đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, thể hiện lòng thành kính của những người đang sống đối với tổ tiên, những người đã mang đến cho mình cuộc sống như ngày hôm nay.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính, ở Việt Nam, mặc dù mỗi dân tộc đều có quan niệm tổ tiên, nhưng các hình thức tôn thờ của một số dân tộc lại không đồng nhất với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của người Kinh. Chẳng hạn như lễ Bỏ mả của người Tây Nguyên là để chấm dứt mối quan hệ giữa người sống và người chết, thì đối với người Kinh, thờ cúng tổ tiên là để hướng về nguồn cội. GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho rằng tục thờ cúng tổ tiên của người Kinh tương đồng với văn hóa Trung Quốc, chung cho cả vùng văn hóa Đông Á.
Tết Nguyên đán là dịp gặp gỡ của các thế hệ từ vị tiên tổ tới các con cháu. Với quan niệm vong hồn gia tiên luôn ở gần mình, người sống như được tiếp xúc với tổ tiên qua việc thờ cúng.
“Phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết cho thấy một mối liên hệ giữa người đã khuất và người còn sống, là dịp báo với tổ tiên năm qua đã và chưa làm được những gì, xin tổ tiên phù hộ mạnh khỏe để sang năm có nhiều thành công mới. Không chỉ trong dịp Tết mà ngay cả khi có việc hệ trọng, người ta đều thắp hương báo với gia tiên, chẳng hạn cưới hỏi, chuẩn bị làm nhà, thi cử… để được phù hộ. Thờ cúng tổ tiên giúp cho con người ta không quên cội nguồn, mà luôn phải nghĩ về trách nhiệm đối với người khác, làm cho người ta biết sợ, biết tôn kính. Mình là con cháu, phải làm sao để không hổ danh ông bà, không làm điều gì xấu ảnh hưởng đến dòng họ, đến những người đã khuất”, GS.TS Nguyễn Xuân Kính giải thích.
Nhà nhà, dù ít dù nhiều cũng phải chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà Tổ tiên đầy đủ, tươm tất. Ảnh: Kim Anh
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính, việc thờ cúng tổ tiên thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. Là dịp trò chuyện, hỏi thăm, quan tâm đến nhau. Khi thờ cúng tổ tiên, làm cho mối dây liên hệ giữa các thành viên chặt chẽ hơn, gắn bó hơn.
Gìn giữ tục thờ cúng tổ tiên như một nét đẹp văn hóa
Ngày Tết, con cháu khấn mời tổ tiên ông bà về ăn Tết với gia đình, tạo nên một không khí thiêng liêng, đầm ấm. Suốt ba ngày Tết con cháu đều dâng lễ, thờ cúng tổ tiên rất chu đáo. Trên bàn thờ cúng tổ tiên của người Việt không thể thiếu đèn dầu, hay cây nến, nén hương, trầu cau, chén nước trắng, mâm ngũ quả. Đặc biệt là mâm cơm cúng ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bày biện công phu. Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ.
Cúng lễ xong xuôi, mọi người trong gia đình, dòng họ quây quần bên nhau thụ lộc của tiên tổ và chúc nhau một năm mới vạn sự tốt lành.
Chính lòng tin vào sự hiện diện của linh hồn người thân đã một phần giúp người sống sống tốt hơn. Tuy vậy, theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính, trong nhịp sống hiện đại, gấp gáp, tục thờ cúng tổ tiên dịp Tết đã khác xưa.
“Ngày xưa, người ta tin rằng ông bà tổ tiên, hay một đấng thiêng liêng còn hiện diện trên bàn thờ, nghe được những ước nguyện của mình, nên việc thờ cúng được chú trọng hơn, trang nghiêm hơn. Còn bây giờ, càng ngày con người càng văn minh, tiến bộ, việc chắp tay, cúng bái không hẳn tin là có sẽ có sự giúp đỡ, mà đơn giản thể hiện lòng thành kính, biết ơn của những người đang sống đối với thế hệ cha ông”, GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho biết.
Ông cũng cho rằng đó là cử chỉ văn hóa, là giây phút con người lắng mình lại, gạt đi những háo hức, những say sưa, những hoạt động của cuộc sống bộn bề mà suy ngẫm xem mình sinh ra từ đâu. Thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa nhìn quá khứ, là dịp để hướng về cội nguồn, nhưng đồng thời cũng hướng đến tương lai.
Mặc dù vậy, phong tục thờ cúng trong ngày Tết Nguyên đán trải qua hàng ngàn năm tồn tại là cái còn lại trong khi nhiều giá trị đang mất dần đi. Đó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống, và là nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về./.