Tết Quý Mão xem tranh “Đám cưới Chuột” theo lăng kính mới: Chú mèo không hẳn là một hình tượng xấu!
Bức tranh dân gian “Đám cưới Chuột” (còn có tên gọi “Trạng Chuột vinh quy”) là một trong những tranh nổi tiếng và độc đáo của làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Theo các nhà nghiên cứu, bức tranh có tuổi đời khoảng 600 năm, phản ánh sâu sắc đời sống xã hội không chỉ thời bấy giờ mà còn cả hôm nay.
Những cách nhìn truyền thống
Mới nhìn thoáng qua, người xem thấy bức tranh diễn tả một đám cưới “quan Trạng Chuột” khá long trọng, đông vui. Giữa không khí kèn trống, cờ quạt, mũ mão cân đai, “Chuột anh” cưỡi ngựa đi trước, “Chuột nàng” ngồi kiệu theo sau. Lũ lượt theo hầu hạ, đón rước là đông đảo họ hàng nhà Chuột. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ bức tranh, người xem tranh sẽ thấy ngay vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét, ngó trước, nhìn sau của họ nhà Chuột. Tinh ý hơn chút nữa, người xem sẽ thấy một con Mèo già nằm ở góc trên, bên phải bức tranh. Dáng điệu của con Mèo già như đang gầm gừ, ra oai, vểnh râu, giơ tay lên như đang dọa dẫm… Đối diện trước mặt Mèo già là đại diện họ nhà Chuột đang cống nộp phẩm vật là những “đặc sản cao lương mỹ vị” mà họ nhà Mèo cực kỳ ưa thích, như: Chim câu, cá chép…
Có thể nói, tùy từng góc nhìn mà ý nghĩa tranh “Đám cưới Chuột” có thể được hiểu dưới những góc độ khác nhau. Với hai tuyến nhân vật Chuột và Mèo cùng được xây dựng chung trong một bức tranh như thế, ý nghĩa bao trùm hay cách nhìn truyền thống từ xưa đến nay ai cũng thấy: “Đám cưới Chuột” là một bức tranh vừa châm biếm, vừa hài hước sâu xa. Người dân quê Việt Nam xưa sống trong xã hội phong kiến không dám công khai công kích, phản kháng lại bọn quan tham nhũng, ức hiếp dân lành. Qua bức tranh “Đám cưới Chuột”, họ muốn gián tiếp lên án tệ nạn xã hội này: Đó là Chuột vốn sợ Mèo. Muốn thoát khỏi nanh vuốt của Mèo già, muốn tổ chức ngày vui của mình được trọn vẹn, họ nhà Chuột phải bày đặt đủ thứ lễ vật để “kính biếu” lão Mèo già.
Ý tưởng sâu xa của tranh “Đám cưới Chuột” là chất châm biếm, đả kích sâu cay, lên án, tố cáo tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến thống trị. Cụ thể, nhận vật Mèo được thể hiện bằng hình tượng béo tốt, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ như khó chịu, song tay vẫn chìa ra để nhận hối lộ. Còn những chú Chuột bé nhỏ, vừa phải kèn trống đi cống nạp, vừa phải khép nép dò xét tình hình để ứng biến linh hoạt… Toàn cảnh bức tranh cho ta thấy, kẻ yếu hèn thì luôn phải chịu bất công và thiệt thòi. Đồng thời, bức tranh cũng toát lên tiếng cười hóm hỉnh, lời mỉa mai chua chát của những người “dân đen” đối với những kẻ tự xưng là “phụ mẫu chi dân”!
Mục lục bài viết
Bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới Chuột”
Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật, dùng hình tượng Chuột – Mèo để ám chỉ, đả kích, tố cáo bọn quan lại thống trị không chỉ có ở tranh dân gian Việt Nam mà còn có ở tranh dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới. Đức có tranh “Mèo và chú Chuột”, Nga có tranh “Chuột làm ma cho Mèo”… Hoặc như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… cũng có những tranh khắc gỗ dân gian với nội dung Chuột – Mèo tương tự. Tuy nhiên, tranh dân gian “Đám cưới Chuột” của làng tranh Đông Hồ – Việt Nam vẫn là một trong số những bức tranh đẹp, có nét độc đáo riêng và mang nhiều hàm ý sâu sắc hơn. Đó là, ngoài ý nghĩa gián tiếp lên án tệ nạn xã hội như trên, hình ảnh Chuột mang lễ vật đến dâng tặng cho Mèo trong bức tranh này còn có ý nghĩa: Chuột muốn tồn tại thì Mèo cũng cần phải tồn tại và chuột hạnh phúc thì Mèo cũng phải được hưởng niềm vui ấy. Đây như một bản thỏa thuận ngầm về sự sinh tồn giữa hai mặt đối lập mà ở đó đích đến cuối cùng của nó đều là sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển. Suy ngẫm rộng hơn thì đó có lẽ cũng chính là bản tính thân thiện của người Việt – những con người mềm dẻo, dễ thích ứng với xã hội, ưa chuộng lối sống hòa bình, hợp tác để cùng nhau đi lên.
Một cách nhìn mới về bức tranh cũ
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giới nghiên cứu cũng như những người thích “ngắm ngày xưa để liên tưởng hôm nay” còn có một cách nhìn khác về bức tranh dân gian nổi tiếng này. Đó là bức tranh đã phản ánh một căn bệnh cố hữu từ xưa đến nay của xã hội loài người: Chuyện đưa và nhận hối lộ!
Những người nhìn bức tranh “Đám cưới Chuột” theo lăng kính này lập luận rằng: Trong số các con vật được nuôi nấng trong nhà, Mèo là con vật hiền lành, nhỏ nhoi, được con người tin cẩn giao cho nhiệm vụ diệt Chuột. Suốt bao nhiêu đời nay, Mèo đã thực thi nghiêm cẩn, thầm lặng nhiệm vụ đó, đến nỗi lũ Chuột hễ nghe tiếng Mèo là ba hồn bảy vía lủi mất. Một con vật mẫn cán với nhiệm vụ như thế, làm sao các nghệ nhân Đông Hồ lại gán cho cái tội chỉ biết tham ăn của đút mà từ bỏ nhiệm vụ của mình, trong khi kẻ hối lộ lại là lũ chuột? Nếu chỉ thích ăn hối lộ mà quên nhiệm vụ thì làm sao cho đến tận giờ, Mèo vẫn là nỗi kinh hoàng của phường đục khoét?
Nhìn tranh, ta thấy bố cục được cắt thành hai tuyến. Tuyến phía trên là bốn con Chuột vừa mang đồ hối lộ như chim, cá vừa thổi kèn inh ỏi tiến đến gặp Mèo. Tuyến phía dưới là đám rước kiệu cùng với ngựa hồng, lọng ô, biển hiệu vinh quy. Chính sự mô tả hai tuyến càng làm cho nội dung chủ đề bật lên rõ rệt. Tính cách lũ Chuột láu lỉnh, vụng trộm được khắc họa thật điển hình: Đám rước kiệu lặng lẽ luồn lách đi bên dưới, trong khi đám mang đồ hối lộ ầm ĩ trống kèn bên trên để đánh lạc hướng.
Quan sát kỹ lũ Chuột trong tranh ta thấy, trong bốn con Chuột khiêng kiệu, có hai con ngoái lại phía sau, con Chuột mang biển hiệu và cả “Chuột anh” mũ mãng cân đai ngồi trên ngựa hồng cũng phải ngoảnh đầu nhìn lại. Động tác ngoái lại của mấy con Chuột trong đám rước chỉ có thể phản ánh sự lo lắng phấp phỏng cho an toàn của chúng khi thấy phía xa, đoàn Chuột mang đồ hối lộ đang tiến đến gần Mèo.
Nếu để ý kỹ ta thấy con Mèo trong tư thế ngồi, đuôi quật ra phía trước, hai mắt long lên như cảm thấy mình đang bị xúc phạm khi nhìn lũ Chuột hối lộ. Không phải vô cớ mà các nghệ nhân Đông Hồ để một khoảng hở ngăn cách giữa con Chuột đầu đàn với Mèo. Một bàn chân trước của Mèo giơ lên tựa hồ bàn tay đang giảng giải, phân tích, răn đe lũ Chuột rằng: “Ta biết hết sự ranh mãnh của các ngươi! Các ngươi đừng hòng mua chuộc được ta”; rằng: “Lũ đục khoét chúng mày chớ mong thoát tội! Trong ngày vui hôm nay, ta tạm để yên, nhưng chúng mày hãy dẹp ngay trò hối lộ này đi!”… Hình như đúng thế thật vì bàn chân Mèo giơ ra như vậy không phải để nhận của hối lộ mà là ngăn lại một việc làm khuất tất. Còn nếu chỉ nhằm ý đồ phê phán Mèo thì hẳn các nghệ nhân sẽ vẽ khác, như có thể vẽ Mèo giơ chân trước giằng lấy chú chim kia cho ngay vào miệng!
Có lẽ đây cũng là một ý đồ của các nghệ nhân Đông Hồ gửi gắm qua bức tranh mà bấy lâu nay ít người để ý đến? Như thế, chúng ta sẽ thấy chú Mèo trong bức tranh dân gian “Đám cưới Chuột” nổi tiếng không hẳn là một hình tượng xấu! Và chú Mèo mãi vẫn là con vật đáng yêu, luôn là nỗi kinh hoàng của loài Chuột chuyên gậm nhấm, đục khoét!
Và như thế, bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” ra đời từ khoảng 600 năm trước vẫn mang hơi thở nóng hổi của đời sống xã hội hôm nay!