Tết Thanh minh 2019 với các tập tục nên làm để đem lại may mắn
Thanh minh tuy không phải là cái Tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm. Tiết Thanh minh có ngĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Nó thường rơi vào khoảng thời gian sau lập Xuân 45 ngày, hoặc sau Đông chí 105 ngày và ngày đầu tiên của tiết khí cọi là Tết Thanh minh.
Tiết Thanh minh của năm 2019 rơi vào ngày mùng 5/4 Dương lịch, tức ngày mùng 1/3 Âm lịch, tức ngày Nhâm Thân, tháng Mậu Thìn, năm Kỷ Hợi. Ngày hôm đó có các giờ tốt là giờ Tý (23h-1h), Sửu (1h-3h), Thìn (7h-9h), Tỵ (9h-11h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
Tiết Thanh minh năm 2019 kết thúc vào khoảng ngày 20/4 khi Tiết Cốc vũ bắt đầu.
Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Ngày nay, nhắc tới tiết Thanh Minh, người ta thường nhắc tới phong tục tảo mộ, thăm hỏi ông bà tổ tiên mà ít người biết rằng, tiết Thanh Minh truyền thống có các tập tục quan trọng.
Lễ hội trồng dâu nuôi tằm
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã từng rất phát triển ở Việt Nam thời phong kiến. Trong tiết Thanh Minh, người ta mở hội thi trồng dâu nuôi tằm, nhằm khuyến khích nông nghiệp và các nghề thủ công. Khuôn khổ lễ hội có các hoạt động tế thần tằm, thi dệt vải, thi nuôi tằm và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Kéo co
Trò chơi dân gian này xuất phát từ lễ hội mùa xuân vào tiết Thanh Minh. Ngày nay, kéo co trở nên phổ biến và xuất hiện trong nhiều lễ hội quanh năm.
Kéo co là một trong những phong tục trong ngày tết thanh minh. Ảnh minh họa
Tế tổ tảo mộ
Tiết Thanh Minh truyền thống không thể không nhắc tới tục tảo mộ – hoạt động thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn và trân trọng quá khứ. Đây được coi là tục lệ tiêu biểu nhất, quan trọng nhất trong tiết Thanh Minh. Ngày này, mọi người đều sắm đồ lễ tới thăm mộ ông bà tổ tiên, diệt trừ cỏ dại, dâng đồ cúng, thắp hương khấn vái và đốt vàng mã gửi tới người thân đã khuất.
Thả diều
Thả diều cũng là một trong những phong tục trong tiết Thanh Minh, có từ rất lâu đời. Mùa xuân, dương khí thịnh, thời tiết ấm lên và nhiều ánh nắng mặt trời, hoạt động giải trí như thả diều không chỉ vui vẻ mà còn có tác dụng dưỡng sinh, thanh tẩy uế khí, có lợi cho thân thể. Người ta còn tin rằng, nếu đem những tai bệnh của mình viết lên con diều và thả cho nó bay thật cao thì sẽ giúp cho bệnh tật tiêu biến theo gió. Ngày nay, các lễ hội thả diều tuy không còn nhiều nhưng vẫn được duy trì.
Đạp thanh
Nguyễn Du trong truyện Kiều đã viết “Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Đạp thanh (giẫm lên cỏ) là tục lệ gắn liền với tục tảo mộ. Mùa xuân thanh mát, cỏ mọc xanh tốt, không khí trong lành, người ta rủ nhau ra ngoại ô tổ chức lễ hội đạp thanh, coi như một dịp dạo chơi, hít thở không khí và thưởng ngoạn cảnh sắc.
Hòa Lê (T/h)