Tết Việt Nam của giáo viên, sinh viên quốc tế – VnExpress

Elina thích ăn bánh chưng và mặc áo dài, còn cô Sophia nói ngày Tết ở Việt Nam “khác biệt và tuyệt vời hơn so với những ngày lễ khác”.

Elina Chan Lamovna, 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh, trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm nay là năm đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, nữ sinh người Nga gốc Việt lạ lẫm với quang cảnh Hà Nội những ngày giáp Tết.

“Đường phố, nhà cửa trang hoàng rất đẹp. Những cây quất, lọ hoa và chậu hoa được bày bán khắp nơi, không khí vui tươi, nhộn nhịp”, Elina nói, cho biết ngạc nhiên khi trông thấy cảnh mọi người chở đào, quất và những chậu cây cảnh lớn bằng xe máy mà không hiểu họ có thể giữ thăng bằng bằng cách nào.

Có bố là người Việt, Elina thường được nghe kể về Tết Việt Nam mỗi dịp năm mới. Qua lời kể của bố, Elina biết Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Trong ngày Tết, trẻ em được người lớn mừng tuổi để mong năm mới gặp nhiều may mắn. “Em thích nhất Tết được ăn bánh chưng và mặc áo dài”, nữ sinh chia sẻ.

Elina trong một sự kiện của trường

Elina tham dự một sự kiện của trường hôm 13/1. Ảnh: NVCC

Elina cho hay ở Nga, vào ngày Tết Việt Nam, bố mẹ em thường nấu món ăn Việt và mua bánh chưng từ những người bạn của bố. Cả nhà cũng gọi điện về cho người thân ở Việt Nam để chúc mừng năm mới.

Năm nay bố mẹ ở Nga không về được, Elina một mình về quê ở Hải Phòng thăm ông bà nội. Em đã chuẩn bị lì xì và bánh kẹo để mừng tuổi các em nhỏ. “Em không biết nấu món ăn Việt nhưng Tết này em sẽ học nấu một vài món”, Elina cho hay.

Khác với Elina, Adamu Mahdi Mamani, 31 tuổi, sinh viên năm thứ nhất ngành Hệ thống thông tin quản lý, trường Quốc tế, đã có trải nghiệm đón Tết ở Việt Nam. Adamu theo gia đình từ Nigeria sang hồi năm ngoái sau khi bố em nhận công tác Việt Nam. “Em được mời trầu cau, bánh chưng và dưa hành. Mọi thứ thật lạ lẫm. Tết đầu tiên ở đây thực sự đã giúp em mở rộng tầm mắt”, Adamu kể.

Khamla Intaphom, 32 tuổi, học viên lớp cao học ngành Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm nay lần thứ ba đón Tết ở Việt Nam. Được nghỉ Tết hai tuần nhưng chàng sinh viên Lào chọn ở lại vì thời gian di chuyển cả đi và về đã mất tới 6 ngày.

Sang Việt Nam năm 2020, Khamla có một năm học tiếng Việt tại trường Hữu nghị T78 ở Sơn Tây. Tết đầu tiên ở đây, Khamla được các thầy cô hướng dẫn gói bánh chưng. Khamla cho biết bánh chưng của người Việt gần giống một loại bánh ở Lào nhưng được gói hình vuông và to hơn.

Năm nay, Khamla tích trữ đồ uống và thực phẩm từ sớm vì các cửa hàng sẽ đóng cửa trong những ngày Tết. Sát Tết, cậu định cùng các bạn người Lào đi chợ hoa quanh trường và sắm sửa quần áo mới. “Em có kế hoạch đi chúc Tết các thầy cô và tới ăn Tết ở nhà các bạn cùng lớp”, Khamla chia sẻ.

Cô Sophia tham dự sự kiện đón Tết tại trường

Cô Sophia từng có hai năm đón Tết ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Với nhiều sinh viên và giáo viên nước ngoài ở Việt Nam, Tết là cơ hội để tìm hiểu văn hóa của người Việt. Sang Việt Nam hồi tháng 8/2022 và hiện hỗ trợ trường Đại học Sư phạm 2, Vĩnh Phúc, thiết kế chương trình giảng dạy tiếng Anh, giáo sư Patricia Sutherland, khoa Giáo dục của Đại học North Texas chọn tham gia một lớp nấu món ăn Việt. Cộng đồng người Việt ở bang Texas đông đảo nên trước khi tới Việt Nam, cô đã biết đến Tết. Nhưng khi đến Việt Nam, vị giáo sư mới thực sự được hòa mình vào không khí Tết. Căn hộ của cô ở Hà Nội những ngày này được trang trí với tông chủ đạo là màu vàng và đỏ. Cô đặt cây quất, món quà của một người bạn gửi tặng, ở phòng khách.

Tết Quý Mão 2023 cũng là năm đầu tiên cô Suvi Miekk-Oja, 50 tuổi, đón Tết Việt. Cô giáo Phần Lan, hiện dạy trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan tại TP HCM, nói hiểu hơn về người dân, văn hóa Việt Nam rất có ích cho cô khi dạy học sinh.

Trường của cô Suvi nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 13/1. Tuần đầu của kỳ nghỉ, vợ chồng cô du lịch Phú Quốc. Sát Tết, cô và gia đình quay về TP HCM để đón năm mới cùng bạn bè, người thân. Nữ giáo viên kể đã mua hoa để trang trí ban công nhà và chuẩn bị sẵn lì xì để mang niềm vui cho bạn bè. “Tôi hứng thú với đường hoa ở trung tâm TP HCM cũng như tiết mục bắn pháo hoa mừng năm mới. Thật tuyệt vời khi thấy cách các gia đình quây quần bên nhau”, cô Suvi chia sẻ.

Cô Sophia Laroma, 48 tuổi, người Phần Lan, nhận thấy ngày Tết ở Việt Nam “khác biệt và tuyệt vời hơn so với những ngày lễ khác”. Nữ giáo viên từng bối rối khi Sài Gòn bỗng vắng vẻ lạ thường vào dịp Tết. “Sau đó, tôi nhận ra Tết là lễ hội của gia đình, quan trọng như lễ Giáng sinh ở châu Âu. Hầu hết mọi người rời thành phố vì các thành viên lớn tuổi trong gia đình họ sống ở các vùng quê”, cô Shophia kể.

Tết cũng là khoảng thời gian yêu thích của thầy Anthony Hickey, giáo viên tiếng Anh tại TP HCM. Thầy giáo người Ireland thích cách đón Tết quây quần, hướng về gia đình của người Việt, bởi với thầy, gia đình rất quan trọng. Anthony thường đi du lịch các tỉnh, thành của Việt Nam vào dịp Tết. “Tôi thích cách mọi người trang trí, thực hiện các lễ nghi phong tục, âm nhạc, các món ăn truyền thống, nhất là bánh tét và quan trọng là bầu không khí tích cực”, thầy cho hay.

Những ngày cận Tết, thầy Anthony diện áo dài tham gia hoạt động vui Tết ở trường. Năm nay, thầy định đi ngắm đường hoa, linh vật mèo và xem múa rồng, múa lân ở Sài Gòn.

Thầy Anthony Hickey tham gia hoạt động ở trường trước khi nghỉ Tết. Ảnh: NVCC

Thầy Anthony Hickey tham gia hoạt động ở trường trước khi nghỉ Tết. Ảnh: NVCC

Bình Minh – Nhật Lệ