Tết bản, Tết làng | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Tết bản, Tết làng
Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, mỗi dân tộc lại có những nghi thức, phong tục riêng tạo nên bức tranh Tết nhiều sắc màu…
Trò chơi ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Phạm Quang Vinh
Tết là thời điểm đánh dấu kết thúc một năm lao động sản xuất và đón một năm mới. Tết Nguyên đán thực chất là của dân tộc Kinh và một số dân tộc ở miền Bắc. Các dân tộc vùng Tây Nguyên thì không ăn Tết mà lại có cả một mùa lễ hội từ khoảng tháng 10, 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Dân tộc Khmer ăn Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Tục ăn Tết hay lễ hội của các dân tộc đều phù hợp với tập quán lao động sản xuất của từng vùng, miền và đều nhằm mục đích nghỉ ngơi, vui chơi, chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất mới.
Để chào đón năm mới, người Bahnar ở Tây Nguyên thường tổ chức lễ mừng lúa mới để cảm tạ Yang Sri (Thần Lúa). Ảnh: Hồng Điệp
Người Tày, Nùng đi lấy nước đầu nguồn ngay sau thời khắc giao thừa về nhà đặt lên bàn thờ với mong ước mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Ảnh: Chu Hiệu
Để đón Tết, đồng bào dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc cố gắng hoàn tất việc ruộng nương, tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trang trí nhà cửa, chuẩn bị nồi bánh chưng… Vào đêm 30 Tết, mọi người không ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không tàn. Thời khắc chuyển giao sang năm mới, chủ nhà đặt mâm cỗ lên bàn thờ, cúng ông bà, tổ tiên. Trong kí ức của nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), ngoài các nghi thức cúng mừng năm mới, vào những ngày Tết, bản làng không thể thiếu tiếng trống, chiêng. Để không khí Tết thêm rộn rã, đồng bào còn tổ chức hội ném còn, múa xòe, hát giao duyên hay chơi các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, kéo co, leo cột mỡ… “Do dịch bệnh nên 2 năm qua không tổ chức được. Xuân này, chắc chắn chúng tôi sẽ tổ chức lại để bà con trong bản có chỗ vui chơi”, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng nói.
Người Xê-đăng làm lễ sửa máng nước trước khi buôn làng tổ chức ăn mừng lúa mới, cầu mong nguồn nước dồi dào, mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy kho, trâu bò đầy chuồng, cuộc sống bình an…. Ảnh: Dương Giang
Khi những vườn đào, vườn mận trên đồi bắt đầu chớm nở báo hiệu mùa xuân sang cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông trên khắp mọi miền đất nước lại háo hức đón Tết Nào Pê Chầu (Tết cổ truyền). Vào những ngày cận Tết, đồng bào Mông mổ lợn, chuẩn bị mâm lễ, làm bánh giầy cúng mời tổ tiên… Tết Nào Pê Chầu thường diễn ra với các nghi lễ như: quét bồ hóng, cúng bàn thờ “Xử Ca”, cúng tất niên, lấy nước lộc năm mới, lễ hạ mâm. Trong những ngày Tết, đồng bào Mông cùng thưởng thức rượu, cùng vui và chúc nhau những điều ý nghĩa, trai gái có dịp vui xuân, thổi khèn, ném pao tìm kiếm bạn đời.
Chuẩn bị bánh trôi để cúng tổ tiên, thần linh vào dịp Tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Phan Tuấn Anh
Với đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở khu vực Đông Bắc, năm hết Tết đến có ý nghĩa quan trọng, là dịp tổng kết, đánh giá kết quả lao động sản xuất trong năm cũ và đề ra những dự định, kế hoạch trong năm mới. Để chuẩn bị Tết, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, đồng bào Tày, Nùng lại chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ… Chiều 30 Tết, các gia đình tất bật chuẩn bị đồ ăn, dựng cây nêu, trang trí và dọn dẹp bàn thờ. Trên bát hương ở bàn thờ chính, ở cửa nhà, cửa chuồng trâu, bò đều được cắm cành mận non, cành lá cây báng rừng… Vào thời khắc giao thừa, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang ống tre đi lấy nước đem về nhà đặt lên bàn thờ với mong ước mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Trong những ngày Tết, đồng bào Tày, Nùng có tục xông nhà, chúc Tết nhau, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian như: đánh quay, đánh yến, tung còn…
Vào những ngày Tết, nam thanh nữ tú người Thái tìm hiểu nhau trên sàn Hạn khuống qua những lời hát giao duyên xốn xang tình tứ. Ảnh: Việt Dũng
Đến Tây Nguyên vào những ngày đầu xuân, hòa mình vào tiếng cồng chiêng trầm hùng, có thể cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của cả vùng đất đại ngàn. Theo tục lệ, hằng năm vào dịp kết thúc một mùa rẫy là đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar, Ê đê, K’ho, M’nông, Xê-đăng lại tổ chức lễ đón năm mới (gọi là mùa ăn năm, uống tháng). Mỗi tộc người tổ chức Tết với những bản sắc văn hóa riêng. Người Xê đăng làm lễ sửa máng nước và tổ chức lễ cúng giọt nước, người Bahnar tổ chức lễ cầu an, người Brâu tổ chức lễ cúng trỉa lúa… Dù cách thức tổ chức Tết có khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới điểm chung, đó là mong ước một năm mới nhiều bình an, may mắn, thóc lúa đầy kho, đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer Chol Chnam Thmay diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng như: rước Đại Nông lịch quanh chánh điện; làm lễ dâng cơm và đắp núi cát cầu mưa, cầu phúc; làm lễ tắm tượng Phật, tắm cho sư và tắm cho mình. Trong những ngày Tết, người Khmer lớn tuổi nghe thuyết pháp trong chùa, nam nữ thanh niên tổ chức nhiều trò chơi tập thể như: đá cầu, bịt mắt bắt dê, hát đối, kéo co…
Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tết còn là dịp để đồng bào các dân tộc thể hiện mối quan hệ với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh… Tết làm cho không khí các làng, bản, phum, sóc tưng bừng, sống động. Tết vui vẻ báo hiệu năm mới tốt đẹp sẽ tới, mang theo niềm tin, sự lạc quan và hy vọng cho đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.
Lộc Phương Lan