Tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)
Thiếu nữ người Hà Nhì trong trang phục truyền thống khi đi chơi lễ trong dịp Tết cổ truyền Hồ Sự Chà. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một phong tục, nghi lễ, trang phục đón Tết khác nhau, với những nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.
Bài 1: Bức tranh văn hóa đa sắc màu
Tết đến, Xuân về, trên khắp các vùng quê Việt Nam đều rộn ràng không khí đón mừng năm mới. Tết đón mừng năm mới thường sẽ gồm chuỗi các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa đặc sắc diễn ra vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch pháp của từng tộc người.
Mỗi tộc người lại có cách đón năm mới khác nhau cả về thời điểm, nghi lễ, phong tục, ẩm thực… tạo nên một bức tranh ngày Tết đa sắc màu và đậm đà bản sắc văn hóa.
Những sắc màu Tết đón mừng năm mới
Trong ký ức của nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày Tết của đồng bào Thái, ngoài các nghi thức cúng mừng năm mới, cúng tổ tiên theo truyền thống cha ông, trong những ngày Tết không thể thiếu được dàn trống chiêng của làng bản.
Ở Nghĩa Lộ, mỗi bản người Thái đều có một dàn trống chiêng, Tết đến, dàn trống chiêng sẽ được treo ở một khoảng sân rộng, đã được lựa chọn để làm điểm vui chơi cho người dân trong bản. Đêm giao thừa, từ thời khắc đầu tiên của năm mới, tiếng trống chiêng vang lên rộn rã, khắp các bản làng để mừng đón mùa Xuân về. Trong những ngày đầu năm mới, ban ngày bà con đi chúc Tết, buổi tối mang trống chiêng xuống sân, quây quần cùng nhau vui chơi, hát giao duyên, đánh trống chiêng…
Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng kể ở xã Nghĩa An, hơn chục năm nay, mùa Xuân nào bà con cũng tổ chức chơi Hạn Khuống, tổ chức hội ném còn. Hạn Khuống là nơi giao duyên và là sân chơi cho các nam thanh, nữ tú trong bản, cũng là nơi để những người lớn tuổi hồi tưởng về những ngày thanh xuân tươi đẹp ngày xưa của mình.
[Vui Tết cổ truyền của cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc]
Hội ném còn là nơi để bà con trong bản vui chơi trong ngày đầu Xuân, trước khi bước vào vụ mùa mới. Trong lễ hội có nhiều trò chơi truyền thống của người Thái như ném còn, leo cột mỡ, chơi tó mắc lẹ, kéo co, cuối cùng là cùng nắm tay nhau múa Xòe đoàn kết…
“Hai năm vừa rồi do COVID-19 nên không tổ chức được, mùa Xuân này, chắc chắn chúng tôi sẽ lại tổ chức để bà con trong bản có chỗ vui chơi,” nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng nói.
Với đồng bào Hà Nhì, Tết Hồ Sự Chà là Tết mừng năm mới và là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nghệ nhân Pờ Dần Xinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chia sẻ người Hà Nhì đón Tết Hồ Sự Chà, cũng giống như người Việt đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Tết Hồ Sự Chà được tổ chức sớm hơn Tết Nguyên đán của người miền xuôi. Thường là vào khoảng tháng 12 dương lịch, khi mùa màng đã xong xuôi, người Hà Nhì lựa chọn ngày Thìn (ngày con Rồng) đẹp nhất trong tháng để làm lễ mừng năm mới, mừng mùa màng bội thu và cầu mong cho một năm mới mọi điều tốt lành, may mắn.
Lễ đón năm mới của người Hà Nhì được bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên, những người phụ nữ trong bản tiến hành làm bánh trôi dâng cúng thần linh, xin phép cho gia đình mổ lợn ăn Tết. Với người Hà Nhì, ngày Tết nhà nào cũng phải mổ lợn. Bởi giống như người Việt cúng gà, rồi dùng chân gà để “xem” vận hạn trong năm mới, đồng bào Hà Nhì mổ lợn và dùng bộ gan lợn để xem điều tốt-xấu trong năm.
Nghệ nhân Pờ Dần Xinh cho biết người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn, sẽ biết được năm nay gia đình mình tốt hay xấu, sức khỏe người trong nhà như thế nào, trâu bò lợn gà có béo tốt không, lúa gạo có được mùa không…
Sau khi mổ lợn, xem lá gan xong, chủ nhà lấy ở mỗi bộ phận trên người con lợn một phần nhỏ, đem nấu cháo dâng cúng tổ tiên, thần linh, cầu mong mùa màng tốt tươi, trâu bò mạnh khỏe, gia đình gặp nhiều may mắn. Sau đó, các thành viên trong gia đình tập trung ăn cơm mừng năm mới, rồi đi chúc Tết anh em, bà con trong bản… Khi màn đêm buông xuống, trong tiếng chiêng, trống rộn ràng, bà con trong bản cùng nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cho đến khuya… Tết của đồng bào Hà Nhì diễn ra trong 3 ngày.
Trong khi đó, người Khơ Mú cũng như một số tộc người làm nương rẫy thường đón Tết năm mới vào tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch. Tết đón mừng năm mới của đồng bào Khơ Mú chính là Tết cơm mới. Sau này, một số nơi ăn Tết Nguyên đán, nhưng Tết cơm mới vẫn quan trọng nhất, có nhiều nghi lễ, đồ cúng mang tính biểu tượng của ngày Tết.
Đa dạng hình thức đón Tết
Không chỉ đồng bào người Thái, người Hà Nhì, hay đồng bào Khơ Mú, mà các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S đều có những tục lệ đón Tết cổ truyền độc đáo.
Để chào đón năm mới, người Bahnar ở Tây Nguyên thường tổ chức lễ mừng lúa mới để cảm tạ Yang Sri-Thần Lúa. (Ảnh: Hồng Điệp/Báo ảnh dân tộc và Miền núi)
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có ba hình thức đón Tết theo thời gian cụ thể, theo lịch cổ truyền của các dân tộc.
Trong đó, hình thức thứ nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số đón Tết năm mới là Tết Nguyên đán. Đó là các dân tộc Mường, Thổ, Chứt, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú (vùng Tây Bắc), dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An; các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Cao Lan-Sán Chỉ, Giáy, Lự, Bố Y, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo, Dao, Pà Thẻn, Hmông (vùng Đông Bắc); các dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu, Phù Lá, Hà Nhì ở Lào Cai… Những dân tộc này vẫn giữ gìn được các phong tục cổ truyền nhưng thời gian đón Tết thống nhất với Tết Nguyên đán của người Kinh.
Hình thức thứ hai là các dân tộc đón Tết năm mới cổ truyền theo lịch riêng của từng dân tộc. Đó là các dân tộc Mông ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với Tết Nào Pồ Trầu; người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Hồ Sự Chà; người Cống ở Điện Biên với Tết Ủy La Lóng; người La Hủ ở Lai Châu với Tết Khộ Xớ; người Si La ở Lai Châu và Điện Biên với Tết Ồ Xị Già; người Chăm đón Tết Rija Nưgar; người Khmer Nam Bộ đón Tết Bon Chôl Chnam Thmây…
Hình thức thứ ba là các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Gia Lai, ÊĐê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Hrê, Mnông, Raglai, Xtiêng, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Co, Chơ Ro, Chu Ru, Brâu, Rơ Măm ở Tây Nguyên không quan niệm ngày Tết mà đón Tết cả một thời gian dài từ tháng Giêng đến tháng Ba hàng năm.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, ở Tây Nguyên, hầu hết tộc người bản địa theo nông lịch. Hằng năm, qua mùa khô hanh, khi có hạt mưa kèm theo những tiếng sấm đầu tiên trong năm báo hiệu mùa mưa (mùa làm rẫy) sắp đến (khoảng cuối tháng Hai, đầu tháng Ba Âm lịch), họ đều coi đó là thời điểm khởi đầu năm mới.
Vào dịp này, mỗi tộc người đều tổ chức Tết đón năm mới mang đậm bản sắc riêng. Người Xơ Đăng làm lễ sửa máng nước và tổ chức Tết giọt nước (On Đtrô KnengTea), người Mnông tổ chức Tết cầu an cho cả buôn làng (Tăm blang m’prang), người Mạ tổ chức Tết cúng thần lúa (Yang Koi), người Brâu tổ chức Tết cúng trỉa lúa (Jamuchuôi), người ÊĐê tổ chức Tết Mnăm thun, người Hrê tổ chức Tết Htend…
Bên cạnh 3 hình thức đón Tết riêng như trên, một nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như người Tà Ôi, người Bru-Vân Kiều trước kia ăn Tết vào mùa khô như các tộc người ở Tây Nguyên, nhưng từ vài chục năm gần đây đã chuyển sang ăn hai Tết, cả Tết Nguyên đán theo lịch chung và Tết cổ truyền của riêng họ.
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn cho rằng Tết đón mừng năm mới là một chuỗi các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa đặc sắc diễn ra vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch pháp của từng tộc người. Đây là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt, phản ánh tính đa dạng văn hóa tộc người, thể hiện ở cả thời điểm, không gian tổ chức cũng như các nghi lễ, phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục… Bên cạnh đó, ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa khó có thể bỏ qua./.
Đón đọc bài 2: Nhìn từ góc độ di sản văn hóa