Tết sum vầy trong văn hóa Việt

Tết Nguyên đán là ngày lễ có ý nghĩa sâu sắc, là dịp để mọi người đoàn tụ gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên. Trải qua bao biến động của lịch sử và cho dù Tết hôm nay có thay đổi thế nào thì truyền thống tốt đẹp này vẫn còn mãi với thời gian trong đời sống của người Việt…

Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tết là thời điểm kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, tống tiễn những điều xấu và chào đón một chu kỳ mới. Tiết xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, hòa quyện với quy luật tự nhiên. Và trên hết, Tết là dịp của sự đoàn tụ. Dù cuộc sống vạn biến như thế nào thì trong tâm khảm của mỗi người dân Việt luôn hiện hữu những giá trị đẹp nhất của ngày Tết sum vầy, bởi đó chính là một phần văn hóa Việt, là hồn Việt và nhân cách người Việt.

Không khí dịp Tết Nguyên đán của người Việt thường bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp (hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo). Vào ngày này, nhà nào cũng sửa soạn một mâm cỗ tươm tất, cá chép, hương hoa để cúng ông Táo lên chầu trời. Từ lúc đó, mọi người đều cố gắng hoàn tất mọi việc, trở về trang hoàng nhà cửa, sắm sửa bày biện, đón người thân trở về quây quần, đoàn tụ bên nhau, đón không khí mùa xuân sau một năm làm việc vất vả.

“Về quê ăn Tết”, đó không phải là khái niệm thông thường đi hay về, mà là một hành trình về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Chỉ những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong những ngày Tết – phút giây cả nhà quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng và đếm ngược để tiễn năm cũ, chào năm mới.

Quây quần gói bánh chưng Tết

Quây quần gói bánh chưng Tết

banh chung Tet

Ở làng quê Việt, sự quây quần, sum tụ đông vui khi “đụng lợn” như khúc nhạc dạo đầu cho Tết, bởi không khí tưng bừng và háo hức. Cũng ở đây, nét đặc trưng văn hóa của người Việt được thể hiện rất rõ: Văn hóa làng xã. Nói như GS, Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa học hàng đầu Việt Nam, “đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng. Tết đến, người ta lại tìm hàng xóm, bạn bè, họ hàng… để chung nhau mổ lợn”.  Điều này xuất phát từ đời sống của vùng đồng bằng chiêm trũng, gắn với mùa màng lúa nước, cần nhiều nhân lực và bội thu hay thất bát đều phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, đã kéo người ta xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “cả bè hơn cây nứa”; “tướng chuộng nhiều quân, dân chuộng nhiều người”…

Thời khắc Giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng liêng ấy được thể hiện qua việc thực hành nghi lễ trang trọng trước bàn thờ tổ tiên và các thần linh để cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên, may mắn và thành đạt. Lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống hướng về cội nguồn, đạo lý của dân tộc.

Tết cổ truyền cũng là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Hiếm có dân tộc nào lại cô đọng thế ứng xử của mình trong 3 ngày đầu năm mới một cách cụ thể và hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Đó là sự kết hợp đậm đà giữa lối sống hiếu lễ với đạo đức “tôn sư trọng đạo” của các thế hệ người dân Việt. Đó đồng thời cũng là sự tiếp nối của lối sống theo đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Cũng từ lối sống trọng thầy, đạo đức “tôn sư trọng đạo”, tục xin chữ đầu xuân năm mới đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc từ xưa đến nay.

Mâm ngũ quả và mâm cơm cúng ngày Tết

Mâm ngũ quả và mâm cơm cúng ngày Tết

Tet 2

Giá trị văn hóa của Tết Việt là vĩnh hằng

Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cổ truyền cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhịp sống. Xã hội cũng đã dần chấp nhận những thay đổi tưởng như bất di bất dịch. Tuy nhiên, giữa những biến chuyển không ngừng vẫn còn đó những giá trị bất biến về văn hóa và tinh thần, mà bất cứ người con đất Việt dù sống ở đâu, hoàn cảnh nào vẫn nhận ra và trân trọng, đúng như quan điểm của nhà nghiên cứu Phạm Tứ: “Bây giờ có ý kiến là bỏ ăn Tết ta. Bỏ sao được khi Tết đã là mang hồn Việt rồi. Trong một thế giới phẳng như hiện nay có những tiếp thu từ nước ngoài, có những biến diễn và cũng có cái hay nhưng hãy quay lại nói về những gì ta đang có và duy trì nó. Nhưng ngược lại cũng nên để cái Tết nhẹ nhàng, đừng làm nên gánh nặng cho cả xã hội”.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, dù trải qua thời gian và cả sự thay đổi, biến động về mặt kinh tế – xã hội nhưng những giá trị của Tết xưa thì ngày nay vẫn được gìn giữ, đặc biệt là những nét đặc trưng vốn có. Tết xưa và Tết nay có thể khác nhau ở chỗ, trước đây, gia đình nào cũng nấu một nồi bánh chưng, nhưng bây giờ, cuộc sống thay đổi, không phải gia đình nào cũng có thể nấu bánh chưng ngày Tết. Tuy nhiên, điều đó cũng không ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của ngày Tết. Nét đặc sắc nhất của ngày Tết đó là mọi người đều hướng về nguồn cội, về tổ tiên. Trong gia đình, các con dù đi đâu xa vẫn luôn cố gắng về đón Tết cùng người thân; thắp hương tưởng nhớ đến những người đã khuất. Đó chính là giá trị của văn hóa Tết mà mỗi người trong một gia đình luôn luôn nhớ. Nhớ đến công ơn sinh thành, những người sinh ra mình và sự tưởng nhớ đó là lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn. Đó là giá trị đạo đức xuyên suốt nhiều thời kỳ của dân tộc, nhưng thể hiện rất rõ vào những ngày Tết và đến nay chưa từng thay đổi.

Xin chữ đầu năm - nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo

Xin chữ đầu năm – nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo

“Tôi khẳng định rằng, dù xã hội có thay đổi thế nào thì Tết vẫn luôn tồn tại, bởi dân tộc Việt Nam có nền văn hóa tiêu biểu, với bề dày từ hàng nghìn đời nay. Để những phong tục Tết tồn tại mãi trong mỗi người thì phải biết giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Chúng ta không nên lo Tết hiện đại làm mất đi nét truyền thống, bởi những giá trị văn hóa của Tết Việt là vĩnh hằng, sẽ truyền từ đời này sang đời khác và được các thế hệ gìn giữ, phát triển”, PGS, TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mỗi phong tục Tết đều gắn liền với những bài học quý giá, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ví như chiếc bánh chưng nhắc trẻ về lòng thờ kính tổ tiên, sự chăm chỉ và hiền lành của chàng Lang Liêu; khai bút đầu năm khiến trẻ yêu hơn việc học… “Vì lẽ ấy mà dù “Tết xưa” hay “Tết nay”, dù thời nào đi nữa thì việc “kéo” con trẻ cùng phụ giúp cha mẹ chuẩn bị Tết đều cần thiết. Qua những “giáo cụ trực quan” là những phong tục Tết, trẻ con không chỉ có cái Tết ý nghĩa và đáng nhớ với tuổi thơ, mà còn học được nhiều bài học đầu đời rất dễ nhớ về việc đối nhân xử thế mà ông cha ta lồng ghép khéo léo trong mỗi phong tục”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.