Tết vùng cao: Tết sớm của người Mông
Bà Thào Thị Sú (50 tuổi, thôn Lý, xã Lao Chải, Sa Pa) cùng con cháu may vá quần áo để mặc tết và bán cho khách du lịch – Ảnh: QUANG THẾ
“Lịch riêng của người Mông mỗi tháng có 30 ngày. Không có tháng thiếu tháng đủ, tháng nhuận, mỗi năm có 12 tháng, cứ đủ 360 ngày là tròn một năm. Vì thế, theo cách tính này thì người Mông thường ăn tết sớm
Khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã đóng cẩn thận vào bồ cũng là lúc người Mông bắt đầu ăn tết.
Với người Mông, để quyết định ăn tết hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình. Người Mông ăn tết thường vào dịp lạnh nhất trong năm, kéo dài gần một tháng. Nếu nhà nhà cùng đi chơi tết thì năm đó mùa màng bội thu…
Nghi lễ “lạy tết”
Để hiểu hơn về tết sớm của người Mông, chúng tôi tìm gặp ông Giàng Seo Gà – nghệ nhân người dân tộc Mông, giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Sa Pa, Lào Cai. Ông Gà bảo rằng dân tộc Mông có cách tính lịch riêng nên ăn tết truyền thống sớm hơn người Kinh và những dân tộc khác khoảng một tháng.
Tết diễn ra vào lúc thời điểm mùa màng đã kết thúc, mọi người có thời gian vui chơi, hội hè. Theo tục lệ, từ ngày 25 tháng chạp (theo lịch người Mông) là thời điểm mọi người đem lễ đến “trả ơn” cho thầy thuốc, thầy dạy khèn, thầy cúng để tỏ lòng biết ơn.
Ngày 30 tết, sau khi làm bánh giầy xong, người Mông “treo niêu”, không ăn uống một ngày và tin rằng nếu ai ăn uống sẽ bị cháy nhà!
Đêm giao thừa mỗi nhà tự làm mâm lễ cúng tổ tiên đón giao thừa. Sáng mùng 1, mọi người được ngủ thẳng giấc mà không ai được đánh thức. Người Mông quan niệm rằng đây là giấc ngủ đầu năm, nếu đang ngủ mà bị gọi dậy tức là gọi sâu bọ về, cả năm mùa màng sẽ thất bát.
Ngày mùng 2 là ngày đồng bào dân tộc Mông thực hiện nghi lễ “lạy tết”. Người con gái Mông khi lấy chồng được xem như đã “cắt linh hồn về với nhà chồng”, nên ngày tết là dịp để trả ơn cha mẹ đẻ.
Trong ba năm đầu khi về nhà chồng, mỗi năm vào ngày mùng 2 tết, người con gái sẽ được cha mẹ chồng đưa về để “lạy tết” cha mẹ ruột.
Ông Giàng Seo Gà nói: “Đây là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày tết của người Mông. Người Mông có niềm tin rằng nếu con gái không lạy tết thì không đúng thủ tục, khi sinh con đẻ cái sẽ không thuận lợi…”.
Không chỉ có con gái “lạy tết” cha mẹ, người Mông cũng có tục lệ “lạy tết” đối với thầy cúng. Vì ngày thường thầy cúng dành thời gian để cúng lễ cho người dân trong bản.
Ngày tết thầy cúng sẽ ấn định một số ngày nghỉ ngơi và đây là dịp để người trong bản đến lạy trả ơn thầy cúng.
Ngoài ra, người Mông nào khi sinh ra khó nuôi được đổi họ, cho làm con nuôi thì cũng nhân dịp tết để lạy trả hiếu cho cha mẹ nuôi.
Nghệ nhân Giàng Seo Gà cho biết món thổi khèn không thể thiếu được trong ngày tết của người Mông – Ảnh: QUANG THẾ
“Luật” của ngày mùng 1
Ngoài tết riêng thì người Mông còn chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, thức uống đón Tết Nguyên đán cùng dân tộc Kinh. Trong đó không thể thiếu món truyền thống là thịt gác bếp, mèn mén, cải xanh, ớt nướng làm muối chấm trong bữa ăn…
Bà Thào Thị Sú (50 tuổi, thôn Lý, xã Lao Chải, Sa Pa) cười tươi nói: “Nhà mình chuẩn bị một con lợn to từ đầu năm rồi. Năm nay buôn bán được hơn năm ngoái nên gia đình ăn tết vui hơn. Tết cổ truyền của cả dân tộc Nhà nước cho ăn bao nhiêu ngày thì bọn mình ăn như vậy thôi. Chứ người Mông muốn ăn tết lâu hơn mới vui”.
Gia đình bà Sú ngoài làm nương thì có một cửa hàng thổ cẩm nhỏ, dệt tay bán cho khách du lịch kiếm sống. Những ngày này cửa hàng cũng tất bật hơn vì vừa may váy bán cho khách, vừa may cho người thân trong gia đình mặc tết.
Bà Sú bảo dù làm quần quật cả năm nhưng từ người già đến trẻ nhỏ chỉ ngày tết mới có quần áo mới mặc.
“Nhà nào khó khăn cũng phải mua bằng được quần áo mặc vì có quần áo đẹp thì năm mới cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc được. Các cụ nhà mình bảo con cháu như vậy thì bọn mình phải làm theo” – bà nói.
Cho đến nay, ở nước ta chỉ dân tộc Mông có tục kéo vợ. Chị Vàng Thị Mỹ (22 tuổi, xã Sử Pán, Sa Pa) cho biết: Từ mùng 2 tết, trai gái yêu nhau sẽ hẹn hò đi chơi với nhau, thấy thích nhau thì trai sẽ bắt gái về nhà mình rồi tặng cho cô gái vòng cổ, vòng tay để thể hiện tình cảm.
“Cách đây sáu năm mình cũng bị “bắt” về nhà chồng bây giờ. Năm đó ra ngoài tết đám cưới của mình được tổ chức luôn. Giờ có hai đứa con rồi, đứa lớn đã được 4 tuổi, đứa bé 2 tuổi. Vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, chồng mình cũng chăm làm, yêu vợ con” – chị Mỹ nói.
Theo tục lệ người Mông, ngày mùng 1 tết người vợ sẽ được nghỉ ngơi, còn chồng phải vào bếp nấu ăn. Nấu ăn phải cẩn thận, không để cho lửa bén vào người. Không tắm rửa, không phủi bụi và không đi đâu hết trong ngày mùng 1. Mùng 2, mùng 3 mới được rủ nhau đi chơi.
Trong ngày mùng 1 tết, người Mông tuyệt đối không dùng nồi chảo đựng nước, ăn cơm không nấu món canh, không được chải đầu và giặt quần áo. Nếu vi phạm, xong tết lúa cấy sẽ không mọc và cả năm sẽ bị ngập lụt, lũ quét…
Lễ hội đầu năm
Một trò chơi ngày tết của người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) – Ảnh: DƯƠNG TOẢN
Mỗi năm, một gia đình trong bản sẽ được giao làm chủ lễ để tổ chức lễ hội vui chơi tết cho cả bản.
Ngày 26 tháng chạp, chủ lễ sẽ đốn một cây mai to (một loại tre), chặt nhánh, chỉ chừa nhánh ở chín đốt trên ngọn rồi đem ra bãi đất chọn sẵn cắm xuống làm cây nêu báo hiệu cho mọi người biết nơi này sẽ diễn ra lễ hội đầu năm mới.
Lễ hội đầu năm của người Mông ngoài phần nghi lễ là các trò chơi dân gian như đua ngựa, thi dệt lanh dệt vải, thổi múa khèn… thì còn thi nấu miến, thi hát hò những bài truyền thống bằng tiếng Mông.
Kỳ tới: Lễ cúng “Hòn đá thần” của người Hà Nhì