‘Thấm đòn’ chứng khoán
Chứng kiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng loạn, bán tháo khi thị trường chứng khoán lao dốc, tôi lại thấy hình ảnh của mình cách đây bốn năm.
Nhân việc thị trường chứng khoán biến động mạnh, tôi cũng muốn chia sẻ một chút quan điểm của mình tới những nhà đầu tư trẻ bây giờ – những người đang hoang mang, mất phương hướng giống như tôi giai đoạn năm 2018. Hy vọng những điều này có thể giúp các bạn bình tâm lại và có những quyết định sáng suốt nhất.
Khi tôi viết những dòng này, VN-Index vừa trải qua một hành trình rất xa từ thời điểm trước dịch Covid (tháng 3/2019) đến đỉnh 1.527 điểm (ngày 2/1/2022). Để rồi mới đây, VN-Index thủng mốc 1.000 điểm hôm 24/10. Tới lúc này, mọi suy đoán về đáy của thị trường đều trở nên vô nghĩa khi quán tính giảm điểm tiếp tục tăng, dẫn đến tình trạng hoảng loạn và bán tháo trên thị trường. Tất cả nhà đầu tư nhỏ lẻ có lẽ cùng chung quan điểm rằng thị trường chưa bao giờ khốc liệt đến vậy.
Tuy nhiên, chắc hẳn chúng ta đã quên hoặc chưa từng được nếm trải những phiên bán tháo khác trong lịch sử của VN-Index. Bản thân tôi đã có giai đoạn 10 năm theo dõi thị trường để chứng kiến những sự kiện có tác động tương đương những gì xảy ra gần đây, xin liệt kê để mọi người cùng suy ngẫm:
Đầu tiên là các sự kiện thanh lọc thị trường khi hàng loạt cái tên lớn bị bắt giữ … điều này có thể so sánh với một chuỗi sự kiện gần đây.
Thứ hai, “cục máu đông” mang tên nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2011-2012 có thể so sánh với tình trạng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Tất nhiên, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp phức tạp và cấp tính hơn nhiều, gây ra những cơn đau đầu cho cả các nhà quản lý lẫn những nhà đầu tư (kể cả tổ chức cho tới nhỏ lẻ), đòi hỏi phải có phương cách xử lý khéo léo đến từ cơ quan quản lý.
Thứ ba, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED, so với năm 2018, lần này có sự tác động cộng hưởng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng (Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid) và căng thẳng địa chính trị kéo theo khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, không phải là chúng ta không lường trước được và theo tôi, thị trường đã có mức chiết khấu phù hợp với yếu tố này.
Sau mỗi lần biến động mạnh như vậy, thị trường chứng khoán lại tìm được điểm cân bằng và tiếp tục đi lên. Nhưng bên cạnh đó, có một lớp nhà đầu tư nhỏ lẻ ngã xuống và không bao giờ có thể quay trở lại. Vậy, chúng ta sai ở đâu để rồi phải ngậm ngùi cắt lỗ và rời bỏ thị trường một cách tức tưởi như vậy?
>> Vỡ nợ tuổi 29 vì nghiện Forex
Theo quan điểm của tôi, có hai thứ trên thị trường đang “giết chết” những nhà đầu tư nhỏ lẻ, đó là thanh khoản và thời gian. Chúng ta thường sai ngay khi đặt mục tiêu tham gia thị trường. Để minh họa cho luận điểm này, tôi xin kể hai câu chuyện mà chính tôi là người trong cuộc để mọi người tự rút ra kết luận cho bản thân:
Câu chuyện số 1: Chúng ta đều là những “nhà đầu cơ”
Tôi từng thành công với cổ phiếu giai đoạn 2017, nó đã giúp tôi tạo nên bước nhảy về tài chính để sau này (mặc dù vẫn phải vay thêm ngân hàng) tôi đã có một món tiền để bắt đầu gây dựng một gia đình nhỏ và hạnh phúc của mình. Tỷ suất lợi nhuận trong vòng nửa năm của tôi là hơn 50%.
Nhưng ngay giai đoạn sau đó, tôi đã sai lầm với cổ phiếu ngân hàng khác, giai đoạn tháng 4-10/2018, để rồi cuối cùng phải ngậm ngùi cắt lỗ, tạm thời rút lui khỏi thị trường với số vốn đầu tư ban đầu gần gấp đôi giai đoạn thành công trước đó (bao gồm cả nợ vay) và bị lỗ 20%.
Có ba nguyên nhân dẫn tới thất bại của tôi là: không biết đọc thị trường, ít nhất là những yếu tố vĩ mô không thuận lợi; cố chấp; bình quân giá một cách mù quáng và không có điểm dừng (stop loss).
Nhìn ở góc độ lớn hơn, sai lầm của tôi đến từ hai việc. Thứ nhất, ngay từ đầu tôi đã không xác định rõ mục tiêu, chỉ là đầu cơ nên không có chiến thuật hợp lý, bao gồm việc cắt lỗ sớm. Thứ hai, tôi không quan tâm tới nhu cầu thanh khoản và thời gian đầu tư: có kế hoạch mua nhà cưới vợ vào đầu năm 2019 nhưng không đánh giá đúng mức kế hoạch này trong chiến lược sử dụng vốn của mình, cuối cùng phải cắt lỗ rời bỏ thị trường để dồn tiền cho những mục tiêu cấp thiết hơn. Vì vậy, ngay cả khi bạn thấy thị trường hoảng loạn bán tháo, không có nghĩa là tất cả mọi người đều hoảng loạn, vẫn có những người bắt buộc phải bán đi vì nhu cầu thanh khoản cấp thiết, bạn đừng nên đánh đồng họ (tôi) với đám đông.
Câu chuyện số 2: Nhà đầu tư giá trị ‘bất đắc dĩ’
Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông rộ lên câu chuyện của một nhà đầu tư người Trung Quốc quên đi tài khoản của mình trong vòng 15 năm và bất ngờ sở hữu gia tài khủng gấp 50 lần số vốn ban đầu. Thật ra, đây là câu chuyện không mới và tôi cũng từng là người trải qua.
Bác tôi, một người hầu như không hiểu gì về thị trường, bị lôi kéo vào chứng khoán từ những năm 2013, danh mục trị giá đâu đó khoảng 80 triệu đồng. Do thiếu hiểu biết, ông cũng xác định mất trắng số tiền này, tuy nhiên doanh nghiệp bản thân nó vẫn hoạt động và vô tình có đủ thời gian để sinh sôi nảy nở.
Cuối cùng, sau nhiều lần không để ý tới tin nhắn thông báo chi trả cổ tức của doanh nghiệp, bác tôi nhờ tôi kiểm tra tài khoản và bất ngờ thay, danh mục có một mã cổ phiếu, thị giá đâu đó chỉ khoảng trên dưới 8.000 đồng một cổ phiếu, tổng giá trị danh mục lên tới 220 triệu đồng, gần gấp ba lần giá vốn sau sáu năm. Tương đương tỷ suất lợi nhuận bình quân gần 20% một năm, hơn hẳn tiền gửi tiết kiệm cùng giai đoạn.
Tôi đặt lệnh bán toàn bộ danh mục cho bác vào ngày 18/3/2019. Thật đáng kinh ngạc khi doanh nghiệp này không hẳn là những mã tốt nhất trên sàn nhưng đã trải qua rất nhiều thăng trầm của thị trường giai đoạn 2014–2019, đủ những sự kiện như tôi đã liệt kê ở trên, nhưng cuối cùng vẫn đem lại quả ngọt cho người cầm giữ nó. Tôi thì vẫn tiếc hùi hụi vì nếu như giữ đến tháng 1/2022 thì thậm chí cổ phiếu này còn lên tới gần 28.000 đồng một cổ phiếu. Nhưng thị trường không nói trước được và bác tôi thì hài lòng về kết quả đó.
Từ hai câu chuyện ở trên, có thể thấy rằng, thị trường vẫn vận động theo quy luật của nó. Bạn tham gia thì phải hiểu luật chơi, đừng cố chấp nếu như bạn là người đầu cơ nhưng nghĩ mình là nhà đầu tư giá trị. Nếu bạn nghĩ rằng thị trường rẻ, định giá hấp dẫn, bạn dựa vào những yếu tố cơ bản để bảo vệ cho luận điểm của mình, thì điều cuối cùng bạn cần làm là trả lời câu hỏi: “Tôi có sẵn sàng một số tiền để đầu tư 3-5 năm, thậm chí là 10 năm, kiên định với mục tiêu của mình để thực sự là nhà đầu tư giá trị hay không?”. Thời gian sẽ là bạn đồng hành của những nhà đầu tư chân chính.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.