Thanh Hóa: Dự án làng du lịch Yên Trung “xây trước xin sau” và chân dung Tập đoàn Anh Phát

Làng du lịch Yên Trung đang gây xôn xao dư luận khi đi vào hoạt động được 2 năm nhưng mới đây Sở KH-ĐT Thanh Hóa đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư. Đứng sau dự án này là Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.

yen-trung-toan-canh-13_20221202155348 Ảnh minh họa

Sử dụng 2 năm mới đề xuất chủ trương đầu tư

Ngày 28/11/2022, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các sở, ngành truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu, rà soát, thẩm định kỹ, đảm bảo sự phù hợp với quy định pháp luật trong từng nội dung cụ thể của đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Làng du lịch Yên Trung (xã Yên Trung, huyện Yên Định) của Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát (Công ty Anh Phát).

Trước đó, ngày 8/11, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Thanh Hóa về việc đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này.

Đây là thông tin khiến dư luận xôn xao vì dự án được xây dựng và đi vào hoạt động từ khá lâu.

Cụ thể, theo giới thiệu trên báo Thanh Hóa, Làng du lịch Yên Trung khởi công từ tháng 11/2018, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2020.

Đây là dự án được Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát đầu tư với quy mô 18ha, hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 khu: Khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu sản xuất nông nghiệp sạch.

Không chỉ có vậy, Làng du lịch Yên Trung cũng đã xuất hiện trên nhiều nền tảng đặt phòng như Mytour.

Hé lộ giới chủ phía sau dự án “làm trước xin sau”

Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát là chủ đầu tư Làng du lịch Yên Trung.

Công ty Anh Phát thành lập ngày 22/6/2005 với người đại diện pháp luật và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là ông Trịnh Xuân Nghiệm. Ngành nghề chính của công ty là “Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác”.

Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Nghiệm còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Bến xe Thanh Hóa, Công ty cổ phần Môi trường VN xanh, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 2 – Công ty TNHH Anh Phát, Cửa hàng xăng kinh doanh xăng dầu số 1 – Công ty TNHH Anh Phát, Công ty cổ phần Vận tải biển Goldensea, Công ty cổ phần Tập đoàn AP.

Công ty Anh Phát có quy mô lớn. Tới ngày 4/4/2016, vốn điều lệ công ty tăng từ 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Anh Phát bao gồm: ông Trịnh Xuân Nghiệm (sở hữu 70% vốn công ty, tương đương 350 tỷ đồng), ông Đào Ngọc Dung (sở hữu 20% vốn, tương đương 100 tỷ đồng), ông Trịnh Văn Hiệu (sở hữu 10% vốn, tương đương 50 tỷ đồng).

Sau nhiều lần tăng vốn, tới ngày 21/12/2021, vốn điều lệ Công ty Anh Phát lên tới 2.000 tỷ đồng.

Các lĩnh vực hoạt động của Anh Phát bao gồm: Thương mại dịch vụ; Thương nhân đầu mối – Kinh doanh phân phối xăng dầu; Khách sạn, nhà hàng; Đầu tư cơ sở hạ tầng và Xây dựng.

Trên website của Công ty Anh Phát, Làng du lịch Yên Trung có tên trong danh mục “Khách sạn, nhà hàng”.

Loạt dự án “khủng” ở Thanh Hóa

Công ty Anh Phát là một trong những “ông lớn” nổi danh trên thị trường xăng dầu, khoáng sản, khách sạn. Vì vậy, công ty có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước với loạt dự án khủng.

Tuy nhiên, Thanh Hóa, nơi “đóng đô” của Công ty An Phát ghi nhận nhiều dự án, đất vàng cho doanh nghiệp này.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép Công ty An Phát thực hiện dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng. Dự án có tổng nhu cầu diện tích sử dụng đất là 491,9ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thanh Hóa, Công ty Anh Phát còn có dự án khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu trên khu đất 21,2ha thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn (vốn đầu tư 3.938 tỷ đồng); Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp I tại phường Mai Lâm (Khu kinh tế Nghi Sơn) thực hiện trên diện tích 67ha, với tổng vốn đầu tư 433,2 tỷ đồng; Dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn (địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống) trên diện tích 6ha, với tổng vốn đầu tư 1.119 tỷ đồng,…

Vốn mỏng, nộp thuế TNDN nhỏ giọt

Mặc dù có trong tay quỹ đất rộng hàng trăm ha và các dự án “khủng” hàng ngàn tỷ đồng tại Thanh Hóa nhưng Công ty Anh Phát lại phát sinh lợi nhuận khá khiêm tốn, từ đó thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khá nhỏ giọt.

Cụ thể, năm 2021, Công ty Anh Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 47,4 tỷ đồng, tăng 14,7 tỷ đồng, tương đương 45% so với năm 2020. Với vốn chủ sở hữu lên đến 2.092 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn của công ty chỉ là 2,27%, thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm.

Lợi nhuận Anh Phát khiêm tốn dù doanh thu công ty khá cao, đạt 887 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 733 tỷ đồng của năm 2020. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán và các chi phí đứng ở mức cao.

Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ là 47,5 tỷ đồng. Thế nhưng, trong năm 2021, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Anh Phát chỉ là 83,5 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 272 triệu đồng của năm 2020.

Chính vì vậy, tại ngày 31/12/2021, Công ty Anh Phát ghi nhận 2,9 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.