Thành Lâm quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Mục lục bài viết
Thành Lâm quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, thế nhưng đồng bào dân tộc Thái ở xã Thành Lâm (Bá Thước) vẫn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Xã Thành Lâm khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Người phụ nữ Thái với đôi tay khéo léo dệt nên những sản phẩm đặc sắc, như: áo, váy, chăn, gối, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình… Và chính họ cũng là những thành viên của đội văn nghệ tạo nên những tiết mục văn nghệ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân. Để đạt được kết quả này, ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Thành Lâm thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; chú trọng xây dựng đội văn nghệ dân gian…
Tại thôn Cốc, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thôn đã thành lập đội văn nghệ phục vụ cho các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn. Ngoài ra, đội văn nghệ thường xuyên phục vụ tại các khu nghỉ dưỡng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn xã. Việc phục vụ khách du lịch bằng những điệu nhảy, làn điệu dân ca của dân tộc mình, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, mà còn tạo thu nhập cho các thành viên trong đội văn nghệ. Bà Lương Thị Nụ, đội trưởng đội văn nghệ thôn Cốc cho biết: Đội văn nghệ thôn Cốc được thành lập năm 2017, với 14 thành viên. Ngoài việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ cho thôn, xã, huyện nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp, đội văn nghệ còn tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho nhiều người trong thôn. Từ việc truyền dạy, nhiều người trẻ trở thành thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy “báu vật” của dân tộc Thái.
Hiện xã Thành Lâm có 6 đội văn nghệ. Các thành viên là những người có độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung sở thích, say mê các làn điệu dân ca, dân vũ. Thông qua các đội văn nghệ, xã Thành Lâm đã phát động toàn thể các thành viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Thái; tổ chức các cuộc thi, biểu diễn những làn điệu dân ca, điệu múa đặc sắc nhằm bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: Xã Thành Lâm có 865 hộ, với gần 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích Nhân dân tự dệt và mặc trang phục dân tộc truyền thống khi tham gia những sự kiện, như cưới, hỏi, lễ hội văn hóa diễn ra ở xã, bản; gìn giữ ẩm thực truyền thống, như rượu cần, thịt treo gác bếp; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, khua luống, nhảy sạp… Thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích các hộ dân duy trì, phát huy nghề dệt thổ cẩm để giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, xã Thành Lâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, không gian văn hóa gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Anh