Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999

Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2, 3

Có thể chia việc nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp về Mỹ Sơn thành hai giai đoạn khác nhau:

Năm 1898 – 1899, Louis de Fino và Launet de Lajonquere nghiên cứu các văn bia.

Năm 1901 – 1902, Hen ri Pamlentier nghiên cứu về nghệ thuật và năm 1904 ông cùng Olrpeaus tổ chức khai quật khảo cổ học tại đây.

Đến năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được L.Finot và H.Pamlentier công bố. Từ công trình nghiên cứu của H. Parlnentler, chúng ta biết cách đây hơn 100 năm, Mỹ Sơn đã có 68 công trình kiến trúc và ông đã chia chúng thành các nhóm từ A, A’ đến N.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật F.S. Tern chia di tích Chăm Việt Nam ra làm 7 phong cách nghệ thuật theo quá trình tiến triển của nó. Mỹ Sơn có đủ đại biểu các phong cách, trong đó có đến hai phong cách xuất phát từ Mỹ Sơn. Đặc biệt phong cách Mỹ Sơn A.1 với xuất phát là đền A1 thường được gọi là kiệt tác kiến trúc của di tích Chăm.

Văn bia tại Mỹ sơn cho thấy lịch sử của Mỹ Sơn được bắt đầu bằng những ngôi đền gỗ vào thế kỷ thứ IV. Sau đó nó bị cháy đi nhưng chúng ta không biết được lý do. Đến thế kỷ thứ VII, một ông vua khác dâng cúng và xây một ngôi đền gạch. Từ đó về sau, các vương triều Chăm pa liên tục dâng cúng những ngôi đền, những kiến trúc tại Mỹ Sơn kéo dài từ những đền tháp đầu tiên vào thế kỷ thứ VII đến những đền tháp cuối cùng vào thế kỷ XIII. Trong vòng 7 thế kỷ như vậy, đền tháp tại Mỹ Sơn được xây mới và tu bổ liên tục nên những phong cách nghệ thuật và kiến trúc của nó cũng thể hiện sự chuyển hoá của quá trình phát triển của nghệ thuật và kiến trúc Chăm pa. Chúng ta cũng còn thấy được rằng các vương triều Chăm pa xưa ngoài việc xây dựng các ngôi đền mới, họ còn có nhiệm vụ tu sửa lại các ngôi đền cũ và họ chỉ tu sửa mặt tường ngoài chứ không tu sửa mặt trong. Nếu chỉ căn cứ vào cách trang trí mặt ngoài mà xác định niên đại của đền tháp thì có thể sẽ không đúng vì rất có thể khi trùng tu, người đời sau sẽ áp đặt phong cách mỹ thuật của thời họ vào trên tường tháp.

Là một quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, Shiva là vị thần được tôn thờ tại vương quốc Chăm pa. Đền thờ tại Mỹ Sơn được các vương triều Chăm pa xây dựng để thờ chính vị thần vua của mình. Sự kết hợp giữa vương và thần được thể hiện qua ngẩu tượng Linga. Từ những buổi ban đầu sơ khai, gần như người nghệ sĩ Chăm học cách trang trí mỹ thuật và thực hiện nó theo người Ấn Độ (Mỹ Sơn E1). Nhưng rồi dần về sau, tính bản địa đã được thể hiện. Nhưng theo thời gian, qua giao tiếp với các nền văn minh khác và sự tiếp nhận chọn lọc của người nghệ sĩ Chăm pa; đền tháp tại Mỹ Sơn mang những đường nét kiến trúc theo các thời kỳ khác nhau thể hiện các luồng văn hoá mà họ nhận được. Là khu đền thờ chính của vương quốc trong suốt chín thể kỷ, nên các đền tháp của Mỹ Sơn cũng thể hiện tính thăng trầm của các thời kỳ, những thay đổi trong lịch sử của các vương triều, những chuyển biến trong đời sống văn hoá. Tuy chỉ xây dựng những công trình có kích thước vừa và nhỏ, những kiến trúc của Mỹ Sơn đã chắt lọc được những tinh hoa của người nghệ sĩ, sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chăm pa xưa đã tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí

Khi nói về di tích Chàm, chúng ta hay nói về các đền tháp bằng gạch. Nhưng ở Mỹ Sơn lại có một đền bằng đá và là đền duy nhất bằng đá của di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Ngày nay tiếc rằng ngôi đền này đã bị sập nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30m và đây là ngôi đền cao nhất Mỹ Sơn. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây và vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ thứ IV.

Năm 1937, các nhà khoa học Pháp bắt đầu có những công cuộc trùng tu tại Mỹ Sơn. Năm 1937-1938, ngôi đền A1 và các ngôi đền nhỏ xung quanh nó được trùng tu. Các năm sau, từ 1939 đến 1943, các tháp B5, B4, C2, C3, D1, D2 được trùng tu và gia cố lại. Năm 1939, nhằm để nghiên cứu các di tích của nhóm A, B, C, D khỏi sự phá huỷ của dòng nước (đã phá sập tháp A9), người Pháp đã cho xây một con đập và đào một dòng chảy xuyên núi để đổi hướng dòng chảy. Nhưng năm 1946, sau một trận lũ lớn, con đập này đã bị vỡ, nước chảy trở lai theo dòng cũ như ngày hôm nay chúng ta thấy.

Mỹ Sơn có một giai đoạn yên lắng từ năm 1954 đến 1964. Khi đó, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chưa đến giai đoạn khốc liệt. Nhưng từ năm 1965 đến 1972, khi khu vực Duy Xuyên và Quảng Nam trở thành một chiến trường. Đền tháp Mỹ Sơn cũng bị thiệt hại cùng với xóm làng mà nó đã mang tên. Nặng nề nhất là trận bom năm 1969 đã làm biến dạng hình hài của khu di tích. Hầu hết các đền tháp đã bị sụp đổ hoặc hư hại nặng nề. Sau chiến tranh, để phục vụ cho công cuộc nghiên cứu, phục hồi di tích, chúng ta đã tiến hành rà phá bom mìn còn lại ở khu vực này. Mỹ Sơn sau chiến tranh là sự ngổn ngang gạch đổ, cần sự trợ giúp của nhiều người. Năng 1980, trong chương trình hợp tác văn hoá Việt Nam- Ba Lan, tiểu ban phục hồi di tích Chăm pa được thành lập do cố kiến trúc sư KAZIMIERS KWIATKOWSKI (1944-1997) phụ trách. Từ 1981 đến 1985, các đền tháp nhóm B, C, D được dọn dẹp và gia cố, hàng ngàn mét khối gạch vỡ, đất đá được đưa ra khỏi khu vực và sắp xếp lại. Nhờ vậy mà khu vực đền tháp này có được dáng vẻ như ngày hôm nay. Sau đó, một phần nhóm A được dọn dẹp và gia cố. Mỹ Sơn hiện nay vẫn còn rất nhiều việc để làm nhưng được như hôm nay là công sức của những con người của những năm 1980 đầy khó khăn. Cố kiến trúc sư người Ba Lan mà mọi người hay gọi bằng một tên thân mật KAZIK đã để lại một tình cảm sâu đậm trong di tích và con người tại Mỹ Sơn. Ông mất năm 1997 tại Huế.

Để tiếp tục công việc bảo tồn di năm 1995, Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn đã được thành lập. Để có cơ sở thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, Ban đã phối hợp với Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương thiết lập các dự án tu bổ cấp thiết từng cụm di tích trên cơ sở quy hoạch toàn vùng. Nổi bật nhất trong những năm 1998-1999, Ban đã hoàn thành được hồ sơ để trình UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản Thế giới. Tháng 12 năm 1999, Mỹ Sơn đã chính thức là Di sản Văn hoá Thế giới với hai tiêu chuẩn: Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hoá với sự hội nhập vào văn hoá bản địa. Những ảnh hưởng văn hoá bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ. Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá Chăm pa trong lịch sử văn hoá Đông Nam á.

Trong năm 1999, theo thoả thuận của ba bên Việt Nam – UNESCO – Italia, Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn hợp tác với đoàn chuyên gia Italia nghiên cứu toàn diện về Mỹ Sơn. Từ đó, chúng ta có được bản đồ thực trạng khu vực di tích năm 2000. Các chuyên gia cho rằng việc đối xử với di tích phải hết sức dè dặt, phải nghiên cứu kỹ về vật liệu xây dựng vì người xưa không chỉ để lại những giá trị mỹ thuật và lịch sử mà còn có cả kỹ thuật vật liệu. Chơ đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa có được một kết luận khoa học mang tính đúng đắn và có khả năng ứng dụng. Viên gạch cổ nhẹ hơn gạch hiện tại cùng kích thước 1,3 lần. Gạch được nung non hơn nhưng, tính chất về sức bền vật liệu lại cao hơn. Đặc biệt nếu nhìn mặt ngoài của bức tường đền tháp, chúng ta có cảm nhận là tường xây không cần vữa, nhưng gạch bị tách ra cho chúng ta thấy là có một lớp vữa mỏng. Các nhà phân tích Châu Âu kết luận rằng thành phần của lớp vữa này là thành phần vô cơ không tạo kết dính. Chúng ta lại cần phải nghiên cứu tiếp. Đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn không chỉ chứa chất những giá trị văn hoá làm say đắm chúng ta mà còn chứa cả những giá trị kỹ thuật mà công nghệ thời chúng ta chưa giải quyết được. Đến Mỹ Sơn, nhìn một mảng tường để biết rằng chúng ta còn phải học nhiều.

Để bảo tồn di tích khỏi sự tác động của thiên nhiên, những khu rừng mới đã được trồng, vành đai xung quanh di tích cần được bảo vệ. Hiện nay, tuy còn nhiều việc phải tiếp tục làm, nhưng rừng núi Mỹ Sơn đã trở lại màu xanh. Trong quá trình gia cố, phát lộ di tích, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn vẫn phải tiếp tục làm lại quá trình rà soát bom mìn lần hai để bảo đảng chiến tranh không làm tổn thương con người và di tích thêm lần nữa.

Đồng thời, với việc bảo tồn di tích ngày một tốt hơn thì nhu cầu văn hoá của nhân dân và du khách ngày một cao hơn. Mỹ Sơn trở thành một điểm thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, Mỹ Sơn dần đần hồi phục diện mạo trong sự yêu mến của mọi người. Để thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế, đồng thời làm giảm bớt áp lực tác động vào di tích trong thời gian tới. Uỷ ban nhân dân huyện Duy Xuyên đã có dự án xây dựng khu du lịch Thạch Bàn, Mỹ Sơn. Với dự án này, hy vọng sự bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích tháp Chàm, Mỹ Sơn được thực hiện một cách có hiệu quả và bền vững. Di sản Văn hoá thế giới tháp Chàm Mỹ Sơn chứa đựng những giá trị văn hoá lớn lao, cần sự hiểu biết và yêu mến của mọi người./.

 

VFUC