Thành phố Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp
Mục lục bài viết
Thành phố Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp
TP. Sóc Trăng là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng. Nhiều năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, với tinh thần tự lực cánh sinh, thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, văn minh.
Diện mạo phố xá ngày càng hiện đại.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, TP.Sóc Trăng ưu tiên phát triển mạnh lĩnh vực thương mại – dịch vụ và du lịch, đưa ngành này chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Hệ thống siêu thị, chợ phường, chợ trung tâm được đầu tư và khai thác đúng hướng; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2015 trên địa bàn thành phố đạt trên 22.000 tỷ đồng (tăng bình quân trên 17%/năm trong 5 năm qua).
Phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến hàng tiêu dùng (đặc sản địa phương như lạp xưởng, bánh pía…) được thành phố quan tâm đặc biệt. Công nghiệp chế biến không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn. Đến nay, TP. Sóc Trăng có 795 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Dù đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được thành phố quan tâm, đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế chung. Những năm qua, các địa phương trên địa bàn thành phố tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; tập trung sản xuất lúa giống, lúa thơm đặc sản, rau an toàn; đầu tư nuôi bò sữa và gia súc, gia cầm. Diện tích trồng lúa tuy không tăng so với trước đây nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là đưa cơ giới hóa vào sản xuất (đạt 90% diện tích) nên năm 2015 sản lượng lúa đạt 47.000 tấn. Các loại hình kinh tế khác như kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, hộ gia đình… phát triển mạnh và phát huy hiệu quả.
“Vì một thành phố văn minh” là chủ đề chính trong phát triển đô thị của TP.Sóc Trăng hiện nay. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ thương mại – dịch vụ và du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ theo phương châm: nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều khu dân cư, đô thị, nhà cao tầng mọc lên với kiến trúc hiện đại. Các công trình dân sinh và cảnh quan đô thị được xây dựng, làm tôn lên vẻ đẹp của thành phố như: bờ kè và cầu sông Maspero, Bệnh viện Đa khoa, đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ, Dương Minh Quan, Đoàn Thị Điểm, Dương Kỳ Hiệp, Bạch Đằng… Trong tổng vốn đầu tư chung cho tỉnh Sóc Trăng là 15.000 tỷ đồng thì vốn ngân sách cho 138 công trình là 352 tỷ đồng.
Đường Trần Hưng Đạo, trung tâm thành phố Sóc Trăng.
Song song với phát triển kinh tế, TP.Sóc Trăng luôn coi trọng phát triển văn hóa – xã hội, trong đó, mối quan tâm và ưu tiên là vấn đề ăn, ở, học hành, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong 5 năm qua, thành phố đã xây dựng thêm nhiều trường học kiên cố, sửa chữa trường cũ, mua đồ dùng dạy học mới… Kinh phí chủ yếu dựa vào xã hội hóa, trong đó có vai trò của các tầng lớp nhân dân, các mạnh thường quân, doanh nghiệp… TP.Sóc Trăng hiện có 11 trường học đạt chuẩn quốc gia (duy trì 2 chuẩn xóa mù và phổ cập); đạt trên 220% nghị quyết của Đảng bộ. Trình độ dân trí ngày càng được nâng lên. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển.
TP.Sóc Trăng cũng là địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chính sách bảo hiểm y tế, khám – chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện tốt. Ngành y tế thành phố rất quan tâm đến mạng lưới y tế cơ sở; hiện 100% phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
5 năm qua, TP.Sóc Trăng phục vụ và góp phần tổ chức thành công 3 sự kiện văn hóa, lễ hội lớn mang tầm quốc gia: Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2; Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ nhất; Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2014. Những sự kiện trên góp phần quảng bá, giới thiệu đến du khách về văn hóa, tiềm năng phát triển của địa phương và hình ảnh người dân Sóc Trăng với truyền thống thân thiện, mến khách.
Phát triển kinh tế – xã hội là một nhu cầu bức thiết. Kinh tế phát triển thì đời sống người dân được nâng lên; trong đó có các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, người nghèo, già cả neo đơn, trẻ mồ côi… Lãnh đạo Thành ủy và chính quyền TP.Sóc Trăng luôn quan tâm, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là chính sách về nhà ở, hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động… Ngoài ra, các hoạt động văn hóa- thể thao đều đạt được những kết quả khả quan.
Nhiệm kỳ 2016 – 2020 là thời điểm bứt phá đi lên trong mọi hoạt động chính trị – kinh tế – xã hội – an ninh, quốc phòng… của TP. Sóc Trăng. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại mà vẫn giàu bản sắc văn hóa vùng sông nước Cửu Long.
Thái Đào
KTNT