Thành phố nhỏ trên Biển Đông: Trường Sa
Tôi đến huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) lần đầu năm 2012, quần đảo phía Đông Tổ quốc. Thời kỳ phong kiến, Trường Sa và Hoàng Sa được gọi chung là Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Vạn Lý Trường Sa. Quần đảo Trường Sa cách thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 248 hải lý (khoảng 460km), cách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 305 hải lý (tính từ đảo Trường Sa Lớn).
Trên đường đi ra Trường Sa, mọi người hò reo phấn khích khi nhìn thấy đàn cá heo hàng trăm con nhảy chồm lên sóng, chạy bám theo đuôi tàu. Mấy anh bộ đội lấy tay đập vô mạn tàu gọi cá heo. Các anh bảo cá heo là loài cá hiền lành, rất mến người và cũng rất “ham vui”. Khi thấy tàu thuyền, cá heo hay bám theo vui đùa. Nhiều người lấy điện thoại ra quay lại khoảnh khắc chẳng thể nào thấy trong đất liền đó, vui vẻ khoe nhau những khung hình đẹp về loài cá dễ thương này.
Tối hôm đó, mấy anh bộ đội còn bắt được con cá hơn 40kg. Mọi người ai cũng trầm trồ, hào hứng chụp hình với con cá to. Đêm hôm đó chúng tôi được thưởng thức món cá hấp thiệt tươi ngon, thơm ngọt và món cháo cá đơn giản nhưng ngon nhất mà tôi từng ăn.
Buổi trưa thứ hai, đang nằm trên boong hóng gió, ngắm biển, mọi người tò mò khi nghe tiếng rào rào rất to rồi ngỡ ngàng khi thấy hai bên hông tàu, hàng trăm con cá chuồn tung mình bay lên. Nhiều con bay tấp cả lên tàu, nhảy tạch tạch trên mặt boong. Mọi người reo lên, chỉ trò, í ới gọi nhau ra chụp ảnh.
Sau hai ngày một đêm, chúng tôi đến Trường Sa, còn gọi là Trường Sa Lớn – đảo đầu tiên trong hành trình.
Huyện đảo Trường Sa có 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn. Đến bất cứ đảo nào, bạn cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là những chiến sĩ mặc áo yếm hải quân còn trẻ măng, làn da ngăm sạm nắng gió, nghiêm trang bồng súng canh gác ngay tại cột mốc chủ quyền Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ đi nghĩa vụ quân sự, đến từ khắp mọi miền đất nước.
Thổ nhưỡng trên các đảo nổi chủ yếu là cát, san hô đã được ngọt hóa theo thời gian. Trong điều kiện sóng gió, thiên nhiên khắc nghiệt, quân và dân ở huyện đảo Trường Sa đã trồng được một số cây ăn trái, rau xanh mang giống từ đất liền, như đu đủ, chuối, xoài, mướp, bầu, bí, dền tía, mồng tơi, cải mầm, rau muống, rau sống…
Thị trấn Trường Sa – trái tim của quần đảo Trường Sa – rợp bóng mát với nhiều loài cây xanh: bàng ta, tre, mù u, phi lao…, nhưng nhiều nhất là cây bàng vuông và cây phong ba. Cây bàng vuông là một trong những “thương hiệu” của Trường Sa. Hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm, màu trắng hồng, như chiếc đèn lồng tí hon. Lá bàng vuông được bộ đội và dân đảo dùng để gói bánh chưng vào dịp Tết. Cây bàng vuông con cũng là món quà đặc biệt mà người đất liền ra đảo muốn có được để lưu lại kỷ niệm đến Trường Sa.
Thị trấn Trường Sa còn có hàng tre xanh rì, tươi tốt – hình ảnh ngỡ chỉ có trong đất liền. Đó là bụi tre một ông bố khi ra thăm con trai là sĩ quan công tác trên đảo mang ra trồng, để con trai và đồng đội được nhìn thấy hình ảnh quen thuộc nơi quê nhà, để thấy đất nơi đảo xa.
Đại tá Phan Xuân Ạp, một trong những người lính của tiểu đoàn 471 năm xưa đi giải phóng Trường Sa: “Cơ sở vật chất khi đó sơ khai, không có nhà, chỉ có đảo Nam Yết có nhà cấp 4…” – Video: MY LĂNG – VY CHIẾN – THƯ TRẦN
Quần đảo Trường Sa không còn là những đảo nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển khơi, nơi chỉ có sóng gió, bão giông. Trường Sa ngày nay như một thành phố nhỏ trên Biển Đông, với những khu dân cư, những làng chài ven đảo. Thị trấn có diện tích 0,15 km2, dài 630m, nơi rộng nhất 300m, không khác gì đất liền: có đường nhựa, có trường học, bệnh xá khang trang hiện đại và có cả chùa, có đường băng cho máy bay cất hạ cánh….
Trên đảo có giếng nước lợ có thể dùng để tắm giặt và tưới cây. Cảng cá của đảo dự kiến đến năm 2020 có thể đón được tàu công suất tối đa 1.000 CV . Đêm xuống, thị trấn Trường Sa như một thành phố nổi với đèn điện rực sáng, lung linh. Điện năng trên đảo lấy từ hệ thống pin mặt trời và tua bin gió .
Không có nhà hàng sang trọng, không có khách sạn chọc trời, không quán bar sôi động, không có rác lềnh bềnh, ở Trường Sa chỉ có sự bình dị, mộc mạc, và biển xanh. Nước biển trong veo in bóng mây trời. Cát mịn, trắng phau.
Ấn tượng không thể quên là khi được theo chân mấy anh nhà đèn (hải đăng) đi lặn và bắn cá. Mỗi người được phát 3 mũi tên để lặn bắn cá. Đó như một trò chơi rượt đuổi vô cùng thú vị ở nơi đảo xa này. Cá rất nhiều, nhưng để bắn trúng quả thật không dễ chút nào. Sau mấy lần bắn hụt, tôi mới bắn trúng được một con cá to bằng bàn tay và rượt theo con cá muốn hụt hơi để lấy lại mũi tên cùng chiến lợi phẩm.
Trải nghiệm tuyệt vời nhất là khi ngụp xuống làn nước trong veo, một thiên đường hiện ra trước mắt: hàng trăm con cá đủ màu sắc sặc sỡ, đủ hình dạng kích cỡ dạn dĩ bơi lượn xung quanh và những loài san hô sắc màu kỳ ảo, lung linh.
Đến Trường Sa, ngoài việc lặn bắt cá, ngắm san hô, tôi thích nhất buổi trưa trên đảo. Giữa nghìn trùng sóng gió nơi đại dương xa xôi, tiếng chuông chùa ngân lên, tiếng gà gáy trưa vang lên trong thinh không khiến lòng người bình yên và thấy thiêng liêng, gần gũi.
Quần đảo Trường Sa có 4 ngôi chùa kiến trúc thuần Việt, làm từ nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Chùa trên đảo Trường Sa Lớn uy nghi tọa lạc ngay giữa trung tâm thị trấn. Trong chùa có 6 tượng Phật được làm từ ngọc màu trắng. Đây là nơi mà bất cứ ai đến cũng vào thăm, thắp nén hương và được sư thầy trụ trì tặng chiếc vòng đeo tay mang ý nghĩa bình an.
Không chỉ là nơi để khách từ đất liền đến viếng thăm, chùa là nơi ngư dân mỗi chuyến đi biển đến thắp nhang nguyện cầu một chuyến đi đầy cá, bình an; là nơi để người dân trên đảo ngày rằm, mùng 1, ngày Tết đến viếng.
Nhiều người dân từ đất liền đã vượt hàng trăm hải lý ra đảo sinh sống, an cư, lập nghiệp từ rất lâu. Nhiều đứa trẻ đã chào đời tại quần đảo xa xôi này. Những đứa bé Trường Sa tạo nên hình ảnh thú vị, khi chúng mặc bộ đồ như quân phục hải quân, lon ton hớn hở theo cha mẹ đi đón khách ra thăm đảo. Có những giáo viên rất trẻ xung phong ra đảo dạy học. Ở Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, xã đảo Nam Yết, xã đảo Song Tử Tây… đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học. Sau khi học hết cấp 1, các bé sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp.
Ngư dân 3 đời đi Trường Sa – Video: MY LĂNG – VY CHIẾN – THƯ TRẦN
Ở quần đảo Trường Sa, mỗi hòn đảo đều có những chuyện thú vị để kể. Nếu như xã đảo Nam Yết được mệnh danh là “đảo dừa” vì có gần 500 cây dừa mang từ đất liền ra trồng, thì ở xã đảo Song Tử Tây, ai cũng thích thú khi nhìn thấy đàn bò mấy chục con béo múp ăn lá bàng. Đảo Song Tử Tây bắt đầu nuôi bò từ năm 2004, với những con bò giống đầu tiên là quà tặng của các địa phương khi ra thăm đảo. Bò đất liền ra đảo xa nhưng thích nghi và sinh trưởng khá tốt. Chỉ trừ lá cây phong ba, còn lại hầu hết các loại lá cây trên đảo đều là “món khoái khẩu” của chúng, đặc biệt là lá cây bàng ta và bàng vuông.
Đảo Song Tử Tây còn có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là nơi che chắn bảo vệ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ khi bão gió. Đảo có dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu diezel, nước ngọt cho tàu cá với giá như trong đất liền.
Khi đến đảo Sinh Tồn Đông, ai cũng ngạc nhiên trước hình ảnh đàn bồ câu hàng chục con bay lên sà xuống, khiến cho khung cảnh nơi hòn đảo tiền tiêu đầy sóng gió này thanh bình hẳn. Đàn chim bồ ấy được chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Bình mang ra nuôi từ tháng 10-2014. Thời tiết, khí hậu ngoài đảo khắc nghiệt, nhưng bồ câu vẫn thích nghi được. Lúc đầu chỉ có 2 con, dần dần chúng sinh sôi thành một đàn hơn chục con, như biểu tượng hòa bình giữa khơi xa, như khát vọng hòa bình của người lính đảo.
Nếu các đảo nổi mang đến hình ảnh gần gũi, thân thương như ở đất liền thì khách đến các đảo chìm không thôi niềm khâm phục những người lính Hải quân của mình. Đảo chìm là bãi đá ngầm nằm chìm dưới nước biển khi thủy triều lên. Đảo chìm thực chất là những ngôi nhà hai hoặc ba tầng được xây cao lên trên nền móng là dải san hô.
Trên đảo chìm chỉ có bộ đội ở. Các anh ở trên tòa bê-tông cốt thép nhỏ hẹp, vừa là nơi ở, nơi làm việc, vừa là công sự khi xảy ra tình huống tác chiến. Mùa bão gió, sóng đánh lên tận cửa sổ, có khi trùm cả tòa nhà! Sáng dậy thấy một lớp muối biển trắng xóa trên cửa, trên nền nhà!
Đó là chuyện mùa bão gió. Còn trong mùa nắng đẹp, ở đảo chìm rất thú vị với những đàn cá sặc sỡ đủ sắc màu, to nhỏ đủ kiểu bơi lượn tung tăng ngay bên mép đảo trong làn nước trong vắt, trong đến nhìn rõ cả mây trắng và trời xanh in bóng dưới đáy nước. Những chú chó ở đảo được nuôi như những người bạn và đồng đội giúp các chiến sĩ bảo vệ đảo ban đêm. Chúng thích thú nhảy xuống nước tắm, chơi đùa rồi bắt cá.
Bên kia không xa, có thể nhìn bằng mắt thường là những tòa nhà to cao kiên cố, hoành tráng lừng lững của Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Ra đảo, sẽ được nghe kể về những lần căng thẳng khi bên kia chĩa súng ống vào bên này bộ đội mình để thị uy, đe dọa, “nắn gân”. Những lúc ấy, toàn đảo đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Căng thẳng cũng là một hình thức “tra tấn”, nhưng cũng là thước đo độ bản lĩnh, kiên cường, vững vàng của mỗi người lính nơi đảo xa này.
Trên gương mặt mỗi người lính giữ đảo không chỉ có ánh mắt cương nghị như một vị tướng Hải quân đã nói là “những ánh mắt như thắp lửa khơi xa”, mà gây ấn tượng với sự hiền lành, chất phác, hồn hậu.
Quần đảo Trường Sa có hàng trăm đảo san hô, cồn cát, rạn đá và bãi ngầm rải rác trên vùng biển rộng lớn. Với hệ sinh thái đa dạng, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch. Tháng 6- 2011 , Tổng cục Du lịch Việt Nam đã mở hội thảo và công bố đề án phát triển du lịch hướng về biển đảo, trong đó đề cập đến dự định mở tuyến du lịch.
Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Trường Sa, được biết thế nào là “đảo chìm”, “đảo nổi”, nhiều người bảo nhau: Không phải ai cũng được ra Trường Sa đâu nha. Đại gia có tiền có thể đi khắp năm châu bốn bể du lịch chứ chưa chắc đã được ra Trường Sa du lịch. Câu nói đùa ấy lại là thật.
Được sự tài trợ của Bộ Tư lệnh Hải quân, một công ty du lịch lặn biển Việt Nam triển khai thí điểm tour lặn biển các đảo phía nam: Trường Sa, Côn Đảo. Chương trình đi khoảng bảy ngày (khởi hành vào giữa tháng 4-2004, thời điểm biển lặng nhất trong năm), ăn nghỉ trên tàu khách Hải quân, giá khoảng 2,8 triệu đồng xuất phát từ TP.HCM.
Chuyến đầu tiên diễn ra từ 19 đến 25-4-2004. Trong số 139 hành khách gồm các thủ trưởng, đoàn viên, nhà báo, nghệ sĩ…, đặc biệt còn có giám đốc, đại diện các công ty du lịch chủ yếu ở TP.HCM ra thăm và khảo sát tour du lịch kết hơp lặn biển khu vực đảo Trường Sa.
Ngoài chương trình giao lưu văn nghệ với lính đảo, tham quan cảnh đẹp Trường Sa Lớn, khách còn rất thích thú với khóa học lăn và tour lặn biển khám phá rừng san hô và câu cá tại đảo Đá Tây… Vụ phó Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam lúc đó là ông Dương Xuân Hội (cũng là một hành khách trong chuyến du lịch này) cho biết ông sẽ kiến nghị Tổng cục Du lịch đưa chương trình này thành tour lặn biển khám phá đảo xa vào tháng 3-4-5 hàng năm.
Trước đó, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên nước ngoài ngày 25-3-2004 xung quanh việc Việt Nam sắp tổ chức du lịch đến Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, ông Lê Dũng cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định lập trường của phía Việt Nam về vấn đề hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là nhất quán, và đã nói rõ nhiều lần. Việc tổ chức tour du lịch tới Trường Sa là hoạt động dân sự bình thường của Việt Nam nằm trong lãnh thổ Việt Nam”.
Đến nay, có lẽ đây là chuyến du lịch kết hợp lặn biển đầu tiên và duy nhất ở Trường Sa. Phóng viên báo Tuổi Trẻ may mắn có mặt trong tour lặn biển này và đã chụp được những bức ảnh hiếm hoi dưới đáy biển Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa hiện nay vẫn là đảo quân sự dù đã có dân ở. Phương tiện để đi ra Trường Sa ngoài tàu hải quân, chỉ có thuyền ghe của bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Trường Sa có sân bay nhưng chỉ có máy bay quân sự, trực thăng cứu hộ cứu nạn hạ cánh, chưa có máy bay dân sự hoạt động.
Là một trong những bạn trẻ may mắn được đi Trường Sa, chị Ngô Phan Hà Châu (TP.HCM) mỉm cười khi nhớ lại chuyến đi năm 2012: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng có lẽ đó là chuyến du lịch đặc biệt nhất với tôi. Không chỉ được đến một nơi mà không phải ai cũng được đến, được nhìn thấy vẻ đẹp trời ban cho quần đảo Trường Sa, tôi còn cảm động bởi hình ảnh của những người lính trên đảo. Tôi cứ ước một ngày không xa sẽ mở tour du lịch đưa người dân ra Trường Sa, để người dân cả nước được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Trường Sa”.
Từng được đi thăm Trường Sa năm 2007, phóng viên, nhạc sĩ Xuân Nghĩa nhớ mãi tình cảm của người lính nơi đảo xa: “Chúng tôi được nghỉ một đêm trên đảo Trường Sa Lớn – anh Xuân Nghĩa kể – Lúc bấy giờ mỗi năm chỉ có 1-2 đoàn ra thăm, nên các chiến sĩ rất mong chờ. Họ nhường giường của mình cho khách.
Trước khi tôi rời đảo, một chiến sĩ gặp riêng và trao cho tôi một chiếc nón hải quân đã ố màu, một chiếc áo hải quân cũ. Hóa ra, cậu lính này đã muốn làm quen tôi từ buổi sáng vì tôi là vị khách nằm giường của cậu ấy. Nhưng vì đang làm nhiệm vụ rót nước phục vụ nên cậu ấy chỉ đứng sau lưng nghe toàn bộ câu chuyện đùa. Cậu ấy nói: chúng em ở đảo sương gió quen rồi, còn anh chị phải vượt biển ra thật quý. Em chẳng có gì làm quà, nên tặng anh chiếc nón và áo của em… Chưa kịp nói gì, cậu ấy đã ký tên Hải Triều lên áo và nón khiến tôi không thể từ chối”.
Khi tàu rời đảo, trong hàng quân nghiêm trang tiễn tàu, có một người lính không đội mũ. Bởi chiếc mũ ấy đang nằm trong tay người nhạc sĩ – phóng viên trở về đất liền. Sau chuyến đi ấy, nhạc sĩ Xuân Nghĩa đã sáng tác bài Nơi ấy là Trường Sa đầy xúc cảm và rất thật về người lính ở Trường Sa. Bài hát được ca sĩ Đức Tuấn thể hiện thành công với những ca từ chạm đến trái tim người nghe:
Nội dung:
MY LĂNG – TRẦN TIẾN DŨNG
Hình ảnh:
NGUYỄN CÔNG THÀNH – TRẦN TIẾN DŨNG – QUANG ĐỊNH
Video:
MY LĂNG – VY CHIẾN – THƯ TRẦN
Thiết kế:
HẢI PHI
Concept:
BẢO SUZU