Thấy gì trong danh sách TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022?
Mục lục bài viết
Công bố TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022
Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.
Cụ thể, Bảng xếp hạng Top 10 Công ty thức ăn chăn nuôi uy tín gồm các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH De Heus, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Việt-Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Vina, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà.
Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022. Ảnh: Vietnam Report
So với năm 2021, dẫn đầu bảng xếp hạng vẫn là Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam – thành viên của C.P. Thái Lan, đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993. Với chuỗi sản xuất khép kín “Feed – Farm – Food”, C.P Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất thực phẩm an toàn. CPV đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy sơ chế ngô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc – gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm…
Công ty TNHH De Heus có đột phá lớn khi vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng. Được biết, trong năm 2021, De Heus đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi và premix từ tay Masan, đưa doanh nghiệp đến từ Hà Lan này trở thành công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất cả nước trong mảng thị trường độc lập.
Được biết, De Heus đến từ Hà Lan hiện là một trong Top 15 tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất trên thế giới, với hơn 110 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về dinh dưỡng động vật. De Heus hiện đang sở hữu hơn 90 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu, sản phẩm có mặt tại hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, De Heus đã hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư vào chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại khu vực Tây Nguyên. Sau hơn 10 năm hợp tác, 2 tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc xây dựng phát triển hệ sinh thái nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Mới đây, 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn tiếp tục kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đến năm 2030, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp như: Chăn nuôi giống gia súc, gia cầm; Phát triển nguồn nguyên liệu (ngô, sắn) cung cấp cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình HTX của Hà Lan tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Công ty CP GreenFeed Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4, trong khi năm 2021 xếp thứ 6 trong danh sách 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín.
Năm 2021, doanh nghiệp thuần Việt chuyên về thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc này đã chào bán trái phiếu riêng lẻ với giá trị 1.000 tỷ đồng cho một tổ chức nước ngoài là Công ty Tài chính Quốc tế – International Finance Corporation (IFC).
Theo GreenFeed, số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được dùng để đầu tư, mở rộng quy mô mảng kinh doanh chăn nuôi heo giống và heo thương phẩm, đồng thời mở rộng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Công ty dự kiến sẽ tăng sản lượng lợn thịt lên đến 750.000 con vào năm 2023. Tương ứng, họ sẽ cung cấp hơn 125.000 tấn thịt lợn/năm cho thị trường Việt Nam.
Xếp thứ 5 là Công ty Cổ phần Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc, với logo hình Con cò rất nổi tiếng với bà con chăn nuôi. Proconco được thành lập từ năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi được đánh giá cao cấp và lâu đời nhất tại Việt Nam.
Năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư 51% cổ phần vào Proconco và có những bước hỗ trợ phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 12/2021, toàn bộ 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco đã chính thức được Tập đoàn De Heus (Hà Lan) mua lại từ Tập đoàn Masan.
Sau khi mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, Tập đoàn De Heus đã trở thành doanh nghiệp sở hữu nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ NNPTNT, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13 – 15%/năm. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 20,3 triệu tấn năm 2020 và ước đạt 21,4 triệu tấn trong năm 2021.
Năm 2021, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 41,4 triệu tấn. Trong đó, 89 nhà máy thuộc sở hữu của các doanh nghiệp FDI (nhưng chiếm 50,5% về công suất thiết kế) và 176 nhà máy thuộc các doanh nghiệp trong nước (chiếm 49,5% về công suất thiết kế). 100% cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc sở hữu tư nhân.
Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trên cả Thái Lan và Indonesia. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu tới 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.