Thầy giáo Sóc Trăng hiến 1.700 m2 đất xây trường
Thầy Phan Văn Mãi, giáo viên trường Tiểu học Trinh Phú 3, xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), vừa dạy giỏi, vừa năng nổ công tác xã hội hóa giáo dục.
Thầy Mãi thăm lớp mẫu giáo được xây dựng từ sự vận động. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.
Thầy Phan Văn Mãi (44 tuổi) sinh ra trong một gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở ấp 3, xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường THSP Sóc Trăng, thầy xin về công tác tại quê nhà và được phân công giảng dạy tại điểm lẻ ở ấp 3 thuộc trường Tiểu học Trinh Phú 3, xã Trinh Phú cho đến nay.
“Được về công tác tại quê nhà, được dạy các em học sinh nơi mình sinh ra là hạnh phúc của tôi. Vì thế, tôi tự nhủ với lòng mình là phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, giúp các em học sinh học tập tốt để có tương lai tươi sáng hơn. Tìm cách giúp đỡ để cha mẹ các em yên tâm cho con đến trường, các em có điều kiện được học hành tốt hơn”, thầy Mãi chia sẻ.
Mục lục bài viết
Nhường đất làm nhà để xây trường
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là giảng dạy, thầy luôn tìm tòi, tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đối tượng học sinh. Thầy nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến dạy học hiệu quả được áp dụng vào thực tế giảng dạy không chỉ tại trường Tiểu học Trinh Phú 3, mà còn ở các trường tiểu học khác trên địa bàn huyện Kế Sách.
Không chỉ dạy giỏi, thầy Mãi còn là người đam mê với công tác xã hội hóa giáo dục, an sinh xã hội, được địa phương đánh giá cao. Những năm trước, do điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, đa số học sinh là con nhà nông nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn ở xa, gửi con cho ông bà chăm sóc, việc học của các em rất khó khăn, nhiều em phải bỏ học giữa chừng.
Trước tình trạng đó, quyết không để học sinh bị thiệt thòi, thầy đến từng nhà để vận động, đưa đón các em đến lớp. Đưa các em trở lại trường là một thành công nhưng khó khăn đang chờ đón thầy trò là cơ sở vật chất còn thiếu thốn khi điểm trường ở ấp 3 bị xuống cấp, bàn ghế thiếu, tạm bợ… Vậy là thầy lại tiếp tục tìm cách giải quyết những khó khăn này.
Năm 2009, điểm trường tại ấp 3 mà thầy đang dạy xuống cấp nghiêm trọng. Lãnh đạo ngành giáo dục trao đổi với hiệu trưởng tìm quỹ đất vận động người dân hiến để xây dựng ngôi trường mới cho học sinh an tâm học tập. Tuy nhiên, tại điểm trường cũ, chủ đất không hiến mà chỉ bán với giá cao nên không mua được. Một số người lúc đầu có nhã ý hiến đất nhưng không biết lý do gì mà họ rút ý định hiến đất cho trường.
Trước tình hình đó, thầy Mãi nghĩ nếu không có đất để xây trường mới, ngành giáo dục sẽ bố trí nguồn kinh phí này cho nơi khác, các em học sinh ở địa phương phải chịu thiệt thòi. Từ đó, thầy cùng vợ (cũng là giáo viên dạy điểm trường này) về bàn với gia đình quyết định hiến đất để xây dựng phòng học mới với tổng diện tích gần 1.700 m2.
“Lúc đó, gia đình tôi đang chuẩn bị xây nhà, đã bơm cát san lấp mặt bằng nhưng trước tình thế đó, ngành cần, xã hội cần nên gia đình tôi đã hiến cho ngành để xây dựng. Hiện tại, trên diện tích đất gần 1.700 m2 đó đã xây dựng 5 phòng học kiên cố, đáp ứng cho nhu cầu học tập của các em học sinh ở địa phương”, thầy Mãi chia sẻ.
Các em học sinh tại phòng máy tính do thầy Mãi vận động. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.
Hết lòng vì học sinh vùng khó
Điểm lẻ ở ấp 3 của trường Tiểu học Trinh Phú 3 có một lớp mẫu giáo cũng do công lao của thầy Mãi mà thành. Ấp 3 là nơi tiếp giáp của 3 xã là Trinh Phú, Xuân Hòa và Ba Trinh. Các cháu đến tuổi vào mẫu giáo, nếu đi học ở điểm chính thì rất xa, khó khăn trong đi lại nên ngành giáo dục quyết định cho mở một lớp mẫu giáo học cùng tiểu học. Ngặt nỗi, không có kinh phí để xây phòng học mới cho các cháu nên thầy cô và phụ huynh tận dụng cây, tôn lợp cũ xin ở các trường khác để làm phòng học.
Đến năm 2019, phòng học này bị xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn cho các cháu học tập. Vậy là thầy Mãi đã đi vận động và được một tổ chức từ thiện ở TP.HCM đến khảo sát để hỗ trợ xây phòng học cho các cháu.
Sau khi khảo sát xong, những người của tổ chức đó về và cho biết mình không đủ tiêu chí nên không thể hỗ trợ. Nhưng thật bất ngờ, một tuần sau, đại diện của tổ chức cho biết đơn vị chấp thuận xây cho các cháu phòng học mẫu giáo.
“Nghe họ báo tin, tôi mừng rơi nước mắt. Chỉ một thời gian ngắn, một phòng học kiên cố cho lớp học mầm non được xây dựng xong với kinh phí 180 triệu đồng. Ngày bàn giao, họ còn hỗ trợ đồ chơi, tivi, vật dụng cho các cháu với tổng số tiền 20 triệu đồng”, thầy Mãi không giấu được niềm vui.
Sau lần vận động xây dựng phòng học cho cháu mẫu giáo, thầy tiếp tục cuộc hành trình kết nối yêu thương và đã thu được kết quả thật đáng nể, đáng mừng. Một nhà hảo tâm đã tặng cho điểm trường 48 bộ bàn ghế mới thay cho bàn ghế cũ xuống cấp, đồng thời tổ chức vui trung thu cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Đợt dịch Covid-19 ập về, thầy Mãi lại đôn đáo khắp nơi để “xin” máy tính cho học sinh học online, thấy học sinh khuyết tật đi lại vất vả, thầy vận động xin xe điện rồi xây nhà, mua xe đạp cho trò nghèo…
Một điều khiến người dân địa phương, phụ huynh thêm khâm phục, ngưỡng mộ thầy Mãi là những điểm trường lẻ được xây dựng trên đất gia đình thầy đã hiến không có bảo vệ hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh. Trước khó khăn ấy, thầy cùng gia đình, sau mỗi buổi chiều, khi học sinh về hết, bắt tay vào quét dọn, đốt rác, bơm nước vào bồn chứa, dội rửa nhà vệ sinh… cho điểm trường luôn sạch đẹp. Những khi cửa hư, ống nước bể, thay chuôi điện… thầy đều tự tay làm hết.
Thầy Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trinh Phú 3, cho biết: “Thầy Phan Văn Mãi là người nhiệt tình, năng nổ, có kiến thức chuyên môn vững. Thầy tham gia đầy đủ, tích cực các phong trào của trường, của địa phương và của ngành, xây dựng tập thể đoàn kết. Bên cạnh đó, thầy còn có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hóa giáo dục, an sinh xã hội ở địa phương và nhiều nơi khác”.
Từ năm 2003 đến nay, thầy Mãi luôn đạt danh hiệu Giáo viên giỏi các cấp; công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; được nhận nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; nhiều Giấy khen của Sở GD&ĐT, của UBND huyện Kế Sách. Năm 2018, gia đình thầy được chọn là “Gia đình hạnh phúc” của tỉnh Sóc Trăng. Tháng 11/2022, thầy được vinh danh là 1 trong 400 Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 – 2022), được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Hiện nay, thầy đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight – 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo”, cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.