The Pyramid – Bí mật “kinh hoàng” trong Kim Tự Tháp

Phi Long-Thứ bảy, ngày 06/12/2014 10:30 GMT+7

Kim Tự Tháp 3 cạnh với những bí ẩn “kinh hoàng” bên trong

Câu chuyện về những bí ẩn bên trong các Kim Tự Tháp luôn là đề tài hấp dẫn các nhà làm phim kinh dị. Khai thác yếu tố huyền bí bên trong những lăng mộ cổ xưa của người Ai Cập, đạo diễn Gregory Levasseur – người từng được biết đến vai trò biên kịch và trợ lý đạo diễn trong bộ phim The Hills Have Eyes – đã cho ra đời tác phẩm đầu tay của mình với tựa đề The Pyramid (Bí ẩn Kim Tự Tháp).

Bộ phim kể về một nhóm phóng viên và các nhà khảo cổ học của Mỹ, bằng công nghệ quét hình ảnh vệ tinh của NASA, đã khám phá ra Kim Tự Tháp 3 cạnh đầu tiên của Ai Cập, được chôn vùi sâu dưới sa mạc Ai Cập hơn 5000 năm qua. Đối với tiến sĩ Nora Holden (do Ashley Hinshaw thủ vai) và cha của cô – tiến sĩ Miles Holden (Denis O’Hare), đây chính là phát hiện quan trọng nhất trong cuộc đời. Do một vài lý do đặc biệt, hai nhà khảo cổ đã đồng hành cùng phóng viên phim tài liệu Sunni Marshe (Christa Nicola), quay phim Terrence Fitzsimmons (James Buckley) với sự giúp đỡ của chuyên gia robot – Michael Zahir (Amir Kamyab) đã quyết định thực hiện chuyến hành trình tìm hiểu về công trình kiến trúc bí ẩn này.

Các nhà khảo cổ và các phóng viên trong đoàn nghiên cứu

Các nhà khảo cổ và các phóng viên trong đoàn nghiên cứu

Càng đi sâu vào trong, nhóm nghiên cứu càng bị bao quanh bởi bóng tối vô tận và lạc lối trong mê cung của Kim Tự Tháp. Cuối cùng, những nhà thám hiểm phát hiện ra rằng họ không chỉ bị mắc kẹt trong hầm mộ đầy những cạm bẫy chết người mà còn bị săn đuổi bởi một thế lực bí ẩn với những nghi lễ thần bí của Ai Cập cổ.

Kim Tự Tháp 3 cạnh bí ẩn khi được phát hiện

Kim Tự Tháp 3 cạnh bí ẩn được phát hiện

Bộ phim được làm theo phong cách giả tài liệu (Found Footage), tuy nhiên việc đi sau ống kính phóng viên chỉ chiếm khoảng nửa phim. Phần còn lại vẫn được xử lý bởi những máy quay chuyên dụng với hình ảnh mượt và đẹp.

Mặc dù bộ phim không hề có yếu tố ma quái, tuy nhiên camera của phóng viên thường có hiện tượng nhiễu như những phim liên quan đến linh hồn ám ảnh, gây tò mò cho khán giả khi hồi hộp chờ đợi, để rồi lại làm thất vọng khán giả khi không có điều gì xảy ra sau đó.

Từ đoạn đầu của bộ phim, tiến sĩ Miles Holden đã đề cập đến việc không nhắc tới những “lời nguyền” trong Kim Tự Tháp. Do đó, phim không hề xuất hiện những lời nguyền khủng khiếp dành cho những kẻ dám xâm phạm vào lăng mộ của các Pharaoh. Thậm chí, người đầu tiên mở cửa vào Kim Tự Tháp bị dính khí độc, tạo nên những đoạn phim khá “ám ảnh” đối với người xem, tuy nhiên người này được xác định là vẫn sống sau khi được chữa trị. Các nhân vật cũng chỉ bị ảnh hưởng bởi lượng khí độc còn sót lại bên trong Kim Tự Tháp và điều này không làm cản trở các nhà khảo cổ khám phá bí ẩn bên trong lăng mộ.

Cảnh người mở cửa mộ hít phải khí độc gây ám ảnh cho người xem

Cảnh người mở cửa mộ hít phải khí độc gây ám ảnh cho người xem

Bộ phim xoay quanh bí ẩn bên trong Kim Tự Tháp, tuy nhiên các cơ quan và cạm bẫy được bố trí bên trong lăng mộ lại khá ít và không có nhiều yếu tố gây nguy hiểm khi so sánh với các bộ phim làm về Kim Tự Tháp khác. Mặc dù vậy, sau khi các nhà nghiên cứu khám phá ra sự thật, “bí ẩn” của Kim Tự Tháp 3 cạnh sẽ giải thích điều này.

Những thế lực huyền bí ẩn sâu trong Kim Tự Tháp

Những thế lực huyền bí ẩn sâu trong Kim Tự Tháp

Đoạn kết của phim như một “con dao hai lưỡi”. Đạo diễn đã tạo cơ hội cho nhân vật và người xem phải chịu nỗi sợ hãi tột cùng khi đối diện với “bí ẩn” thực sự bên trong Kim Tự Tháp cùng nghi lễ cổ xưa của người Ai Cập. Tuy nhiên, việc kéo dài và lặp lại các chi tiết khiến kết thúc của bộ phim không tạo nên sự bất ngờ và thỏa mãn cho người xem.

Mặc dù vậy, The Pyramid vẫn cuốn hút người xem bởi những hiệu ứng đặc biệt, tạo cảm giác huyền bí, đáng sợ trong một kiến trúc cổ xưa với đầy cạm bẫy chết người. Điểm hay nhất của bộ phim chính là tận dụng được không gian nhỏ hẹp của những đường hầm và lối đi trong Kim Tự Tháp, đặc biệt khi phối hợp với phong cách quay phim giả tài liệu. Điều này khiến cho khán giả có cảm giác như đang đi cùng các nhân vật trong phim, cùng hồi hộp với các nhân vật và cùng hoảng sợ trước những gì đang diễn ra với nhân vật.

Những ký tự Ai Cập cổ xưa bên trong Kim Tự Tháp

Những ký tự Ai Cập cổ xưa bên trong Kim Tự Tháp

Hiệu ứng ánh sáng và cách xây dựng bối cảnh cũng làm nên thành công của bộ phim. Với ánh sáng từ chiếc đèn pin trong không gian chật hẹp được bao phủ bởi bóng tối dày đặc, các nhà khảo cổ phải lần theo từng bức tường và những chỉ dẫn, cảnh báo bằng chữ tượng hình của người Ai Cập cổ để tìm đường thoát ra khỏi Kim Tự Tháp. Người xem sẽ có cơ hội tìm hiểu những ký tự cổ của người Ai Cập và chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong Kim Tự Tháp thông qua ánh đèn của nhóm nghiên cứu. Điều này gợi cho khán giả nhớ đến dòng phim nổi tiếng về chủ đề Kim Tự Tháp và xác ướp – The Mummy.

Âm thanh của bộ phim cũng là điểm gây được nhiều ấn tượng khi khiến người xem “thót tim” không ngừng. Những đoạn im lặng kéo dài, tiếng thở dốc của nhân vật, những tiếng gầm rú vọng lại từ xa, những tiếng gào thét của người bị bỏ lại… tạo nên sự kỳ bí và đầy ám ảnh đối với khán giả.

Đánh giá chung, The Pyramid là bộ phim kinh dị hiếm hoi xứng đáng với nhãn R bởi những cảnh giết tượng hãi hùng rất “thực” và sự hồi hộp, ám ảnh và kinh hoàng mà bộ phim mang lại cho người xem.

Phim được trình chiếu tại các rạp từ ngày 5/12.

Trailer phim The Pyramid

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.