Thế nào là con người có văn hóa :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com
Con người có văn hóa luôn kết hợp hài hòa hai yếu tố căn bản gồm:
Một – Hành vi ứng xử đúng mực, luôn nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và đấu tranh chống cái xấu, có trách nhiệm công dân;
Hai – Hành động thiết thực nhằm quảng bá lối sống đẹp, có tri thức cao nhưng phải biết khuếch tán giá trị tri thức với cộng đồng.
Như vậy, tri thức và lối sống tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của con người có văn hóa, nhưng cái gốc vẫn là tính nhân bản sâu sắc.
Đó đây vẫn còn những chuyện tiêu cực về sự xuống cấp đạo đức, vấn nạn bạo lực học đường, mối quan hệ thầy trò không chuẩn mực hoặc các hành vi trái đạo lý, không đẹp mắt trong quan hệ cộng đồng, láng giềng. Tuy nhiên, cần nhìn rõ thực trạng ấy bằng phép biện chứng để tìm ra hướng khắc phục nhằm “xây” và “chống” kịp thời, tạo thành lối sống hiện đại nhưng tuân thủ các tiêu chí văn hóa.
Những tấm gương người tốt việc tốt chính là biểu hiện rõ nhất về những người biết sống có văn hóa, họ vẫn đang làm nòng cốt nuôi dưỡng cái đẹp của nếp ứng xử trong cộng đồng. Nét đẹp đời thường trong lối sống thuần Việt vẫn luôn được tôn vinh. Đó là những tấm gương hy sinh cứu người hoạn nạn, gương vượt khó của học sinh nghèo vẫn học giỏi, những người hiến đất xây trường học, những cá nhân “vô danh” cần mẫn nhặt đinh của bọn xấu rải dọc xa lộ, những người hảo tâm đóng góp cho quỹ từ thiện xã hội, thấm đẫm nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”…
Từ cách nhìn khoa học và thực tiễn sẽ thấy rõ, khi kinh tế tăng trưởng nhanh, tình trạng công nghiệp hóa lan rộng, không thể tránh khỏi sự mất cân đối về nhận thức, dẫn tới một bộ phận lệch lạc trong hành vi văn hóa. Chẳng hạn, sẽ có một lớp người đề cao cuộc sống xa hoa phung phí, xem nhẹ việc trau dồi nhân cách, là đồng nghĩa với sự tha hóa về nếp sống. Do đó, cần phải phản đối và lên án những việc làm gây tổn hại tới môi trường thiên nhiên, gây phản cảm trên đường phố, không tự giác chấp hành quy chế nếp sống văn minh, không nhường nhịn trên xe buýt, gây rối làm mất trật tự công cộng. Đặc biệt, đối với giới trẻ cần chấn chỉnh các biểu hiện thường thấy như: tôn thờ thần tượng thái quá, học theo các trào lưu trang phục dị hợm, nói tục chửi thề, lối sống tách rời nội quy nhà trường, tập tành hưởng thụ sớm, đi bụi, bỏ học, hành hung bạn đồng trang lứa, thậm chí lập băng nhóm “tuổi teen”…
Hiện nay, trong “thế giới phẳng” những tiêu chuẩn cơ bản về con người có văn hóa đã chuyển biến tiệm cận văn hóa thế giới, song đặc trưng thuần Việt không thể bị phai mòn. Trong bối cảnh hiện tại, muốn phát huy vẻ đẹp của tâm hồn Việt, cần gắn kết hai khái niệm con người có trình độ tri thức và con người có nếp sống văn hóa. Bởi vẫn còn nhiều người trình độ chuyên môn cao nhưng ứng xử chưa phù hợp nếp sống văn hóa chung, ví dụ vụ nhảy múa khỏa thân của sinh viên FPT vừa qua bị dư luận phê phán gay gắt. Vụ tai tiếng này là điển hình sự mâu thuẫn hiện nay giữa “trình độ cao” và “lối sống kỳ dị” thiếu văn hóa.
Ngược lại, nhiều vùng quê dân trí và mức sống còn thấp nhưng hương ước làng xã rất bài bản, tích cực duy trì bảo tồn nề nếp tốt đẹp xưa, đã góp phần tạo ra “bức tường văn hóa” ngăn cản cái xấu xâm thực. Và nền văn hóa gốc chuẩn mực đã cho thấy giá trị nổi bật, những làng quê ấy luôn có nhiều thí sinh là thủ khoa trong các kỳ thi đại học.
Tựu trung, con người có văn hóa không thể tách rời những tố chất cần thiết của tinh hoa truyền thống dân tộc, đồng thời cần khẳng định rằng trình độ tri thức cao luôn phải gắn liền lối sống nhân văn lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội.