Thế nào là văn hóa lễ hội?
(PLO) – Lễ hội là một nét văn hóa truyền thống, là thành tố của văn hóa và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa lễ hội lại là chuyện đáng phải bàn, đặc biệt là hiện tại, khi xuất hiện sự biến tướng lễ hội hoặc bị thương mại hóa và bị pha trộn nhiều “tạp chất”, không còn thuần khiết như xưa.
Trong giai đoạn gần đây, lễ hội ở khắp các vùng miền được mở ra như một phong trào. Rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ từ quá khứ xa xăm được khôi phục lại, mặc định nó là “truyền thống”, “bản sắc” mà không xem xét rằng nó còn phù hợp với cuộc sống đương đại hay không.
Đó là cuộc “khai quật” không thương tiếc, mang lên cả một mớ hổ lốn mà không hề chọn lọc, đất đá hay xương cốt đều coi là đáng thờ phụng. Sự mù mờ lịch sử, huyền sử hay tâm linh mang đến một hệ lụy là ngay cái nhân vật được coi là “thần thánh”, giữ vai trò trung tâm của lễ hội đó là những cái tên rất xa lạ, xuất xứ mơ hồ, không rõ công trạng,… Người ta chỉ cần có tiền rồi dựa vào một câu chuyện nào đó mà xây nên “di tích”, tổ chức thành lễ hội. Những trò chơi dân gian, vốn chỉ là một phần của lễ hội được đẩy lên ở tầm cỡ quy mô một lễ hội riêng biệt. Những lễ hội như thế, vốn thiếu văn hóa từ gốc thì làm sao có thể tạo nên một văn hóa lễ hội lành mạnh được?
Rất đáng lo ngại rằng, quan niệm lễ hội dân gian thuần phác đang bị bóp méo, thậm chí xuyên tạc. Đó là việc hành hạ dã man con vật hoặc dùng bạo lực với nhau thì được coi là “tinh thần thượng võ”, xô đẩy, tranh giành lễ vật, gây thương tích cho nhau thì diễn tả theo kiểu mỹ từ là “cướp có văn hóa”. Lễ nghi phát ấn trang trọng, tôn vinh giá trị của đạo làm quan bị tầm thường hóa đến thô tục như một sự mua quan, bán chức. Xu thế thương mại hóa lễ hội ngày càng phổ biến từ việc bán vé vào cửa đến nạn “chặt chém” tung hoành, người ta tìm đủ cách để kiếm tiền trên lưng du khách, kể cả việc lừa đảo, mua thần, bán thánh.
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của lễ hội trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, di dưỡng tinh thần, mang lại niềm vui, sự sảng khoái, sắc màu cho cuộc sống con người. Đặc biệt là sự tôn vinh những người có công với nước, với dân, là dịp ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, là sự chiêm ngưỡng danh lam, thắng cảnh đất nước, làm dày thêm tình cảm quê hương, trân trọng giang sơn gấm vóc. Người ta tìm thấy ở lễ hội sự kết tinh và thăng hoa, tái hiện đời sống lao động, chiến đấu bảo vệ đất nước cũng như sự phô diễn sức mạnh, lòng quả cảm, là nơi thi thố tài năng, tài nghệ,… của mỗi con người hoặc tập thể.
Lễ cần trang nghiêm, hội cần vui tươi. Tâm thế của người dự hội là phấn chấn, hào hứng, hòa đồng với nhau. Những cái đó làm nên văn hóa lễ hội tự thân. Đã có những ý kiến xác đáng rằng, lễ hội dân gian cần trả lại cho dân gian, sự can thiệp thái quá sẽ làm hỏng đi tinh thần lễ hội. Khai hội bằng những nghi lễ dân gian tế cúng đất trời chứ không “hội nghị hóa” với diễn văn lê thê, đừng lấy danh nghĩa của Ban tổ chức mà cho phép những “trò chơi, trời cho” vô bổ, quán xá chen lấn, âm thanh đinh tai, nhức óc và những thứ phi văn hóa, lai căng khác.
Đông như hội mà cũng vui như hội. Với ý nghĩa đó, hy vọng mùa lễ hội năm nay lành mạnh, vui tươi, mang lại năng lượng thể chất, tinh thần cho con người, cho đời sống cộng đồng thêm phong phú.