Thể thao – Du lịch – Mỹ Khánh – địa chỉ đỏ cách mạng Long Xuyên…
Khu di tích cách mạng Mỹ Khánh, thuộc xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
Đầu năm 1962 là ngụy quyền An Giang chính thức xây dựng ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh với ảo vọng đến cuối năm sẽ hoàn thành. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy An Giang chủ trương đẩy mạnh du kích chiến tranh kết hợp với ba mũi giáp công chống địch gom dân, phá ấp chiến lược, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời đưa chiến tranh cách mạng vào tận hang ổ kẻ thù. Nhanh chóng triển khai chủ trương Tỉnh ủy, ngày 16/6/1962, Đội Biệt động Long Xuyên được thành lập tại khu vườn nhà bà bảy Khánh thuộc ấp Bình Hòa, xã Bình Đức (nay là xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên). Nhiệm vụ chính của Đội là xây dựng, bảo vệ địa bàn đứng chân của Ban cán sự thị xã ở mương Thầy Lộc, rạch Cái Chiêng, ngọn Trà Ôn (phường Bình Đức), vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở ở Tây Huề, Đông Thịnh B (phường Mỹ Phước). Bên cạnh đó, Đội còn có nhiệm vụ huấn luyện kỹ thuật quân sự cho tự vệ mật nội ô. Đây là bước ngoặc lịch sử, đánh dấu sự phát triển lực lượng vũ trang địa phương của thị xã Long Xuyên lúc bấy giờ.
Đội Biệt động Long Xuyên ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn về lương thực, khó khăn về phương tiện, vũ khí, nhiều chiến sĩ Biệt động đã hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những con người này vẫn một lòng đi theo con đường cách mạng, vẫn vừng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách và chiếm được tình cảm của nhân dân. Nhiều má, nhiều chị đã khóc nức nở khi hay tin những người con, người em mà mình từng nuôi giấu dưới hầm sâu bị địch bắt tra tấn đến chết mới thấy được tình cảm của nhân dân đối với quân Biệt động như thế nào.
Có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Hồng Thu, ngụ ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh người trực tiếp tham gia Đội biệt động Long Xuyên lúc bấy giờ, ông ngậm ngùi chia sẽ: “Trang bị cho anh em Biệt động lúc bấy giờ chỉ là cây súng mút mát, nó còn cao hơn đầu tôi, anh em còn gọi quảnh tầm sào. Hồi đó, sau khi đánh nhà đèn là mình tiếp tục đánh hải quân chìm 02 chiếc, lúc đó tổ hành động đồng chí Sơn Thả ngậm ống thở thả trôi theo hải quân bắt trái ắc tê 06 kg rồi chờ cho nó vừa ngấm mới móc lên gian đồn đánh, gây tiếng vang chấn động nhất của tỉnh An Giang, đầu não lúc đó tỉnh trưởng Lê Hồng Tươi hoang mang tột độ”.
Còn đối với bà Dương Thị Xuân, ngụ ấp Bình Hòa 2 xã Mỹ Khánh, tuy thời gian ấy Bà còn rất nhỏ nhưng với sự hướng dẫn giáo dục của các cô chú trong đội biệt động, bà cũng đem sức nhỏ của mình đóng góp vào cách mạng, Bà Xuân chia sẽ thêm: “Hồi đó ở đây là vùng tranh chấp, lúc đó mặc dù tôi còn nhỏ chứ luôn tham gia theo các chú bộ đội. Lúc đầu đi đưa thư sau đó từ từ lấy tin tức rồi lớn hơn là tham gia rãi truyền đơn, lúc hoạt động ở đây các chú phân công đâu mình chấp hành đi đó nhiều kỷ niệm vui lắm, ăn uống dù kham khổ nhưng nhiều kỷ niệm đẹp, có lúc địch càng quét quá mình phải nấu cơm, bưng vở hầm bí mật đem cơm cho các chú bộ đội”.
Nhà tưởng niệm – nơi ghi danh các anh hùng liệt sĩ tham gia Đội Biệt động Long Xuyên
Sau nhiều biến cố, thăng trầm, ác liệt, đơn vị Biệt động sau 1975 đã phát triển thành Đại đội Bộ binh, là lực lượng nòng cốt tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Ban Chấp hành Thị đội Long Xuyên cùng Đại đội Bộ binh đã nối tiếp truyền thống chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm của đàn anh, lập nhiều chiến công vang dội. Đánh dấu sự ra đời và quá trình hoạt động của Đội biệt động Long Xuyên ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đồng thời để đánh dấu tấm lòng kiên trung trước sau như một của quân và dân Mỹ Khánh với cách mạng, tiêu biểu là những gia đình là cơ sở nuôi chứa cách mạng đã anh dũng không sợ tù đày, tra tấn của địch để bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày 29/01/1996 chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Mỹ Khánh”. Đến năm 1997, xã Mỹ Khánh đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và được thị xã ủy Long Xuyên cho khởi công xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ xã Mỹ Khánh và khánh thành vào dịp kỷ niệm 23 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phòng (30/4/1975 – 30/4/1998), nhằm ghi ơn và tôn vinh 789 liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, với 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chiến tranh đã đi xa, xã Mỹ Khánh vẫn lưu dấu những chiến công hào hùng mà cha anh để lại, hy sinh tạo dựng nên một Mỹ Khánh như hôm nay, mỗi người phải biết giữ gìn, lấy đó làm gương soi rọi cho bước chân đi của mình, ra sức học tập, lao động đóng góp công sức cùng chung tay xây dưng quê hương ngày thêm giàu đẹp và văn minh./.
Bài, ảnh: Trọng Phúc – Thu Thảo