Thi đánh giá năng lực, cơ hội xét tuyển cao hơn
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Trường nào thi đánh giá năng lực?
Đến thời điểm này, 8 đơn vị đã công bố tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Các kỳ thi riêng này thường được gọi chung là kỳ thi đánh giá năng lực nhưng trên thực tế có tên gọi khác nhau. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội gọi là kỳ thi HSA đánh giá năng lực học sinh THPT; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: kỳ thi đánh giá tư duy; Trường ĐH Việt Đức: kỳ thi đánh giá năng lực TestAS; Trường ĐH Sư phạm TP HCM: kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt; ĐHQG TP HCM, khối các trường ĐH Công an, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Hồng Bàng: kỳ thi đánh giá năng lực.
Dựa trên quy mô tổ chức thi, số thí sinh dự thi và số trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển, có 3 kỳ thi đánh giá năng lực quan trọng nhất, gồm kỳ thi của ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng tăng Ảnh: TẤN THẠNH
ĐHQG TP HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực, đều trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Đợt 1 đã diễn ra ngày 27-3 với gần 80.000 thí sinh tham dự tại 17 tỉnh, thành. Đợt 2 sẽ tổ chức ngày 22-5 tại 4 địa phương với khoảng 30.000 thí sinh dự thi. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM được 85 trường ĐH-CĐ sử dụng để xét tuyển.
ĐHQG Hà Nội dự kiến tổ chức 12 đợt thi HSA trên máy tính từ cuối tháng 2 đến tháng 7-2022, dự kiến 75.000 thí sinh sẽ dự thi tại 8 địa phương và 65 trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển. Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức được 4 đợt thi HSA với hơn 12.000 thí sinh tham gia.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 1 tuần tại 5 địa phương. Kết quả của kỳ thi này được hơn 20 trường ĐH sử dụng chung.
Nguồn tuyển chất lượng
Trong kỳ tuyển sinh 2022 của các trường ĐH, ước tính khoảng 250.000 thí sinh sẽ dự các kỳ thi đánh giá năng lực nêu trên và khoảng 130 trường ĐH sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng đã trở thành một phương thức quan trọng.
Tính theo số lượng thí sinh, nguồn tuyển sinh từ các kỳ thi đánh giá năng lực năm nay vẫn còn thấp hơn từ phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển theo học bạ THPT nhưng đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Điều này không chỉ do việc đăng ký dự thi (và cả xét tuyển) của các kỳ thi đánh giá năng lực đều thực hiện trực tuyến, mà quan trọng hơn là kỳ thi được tổ chức theo nhiều đợt và tại nhiều địa phương.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM có “độ phủ” rất lớn, được tổ chức tại 17 tỉnh, thành, trong đó 4 địa phương được tổ chức cả 2 đợt thi. Chỉ trong kỳ thi đợt 1 (ngày 27-3), gần 80.000 thí sinh đến từ hơn 1.500 trường THPT của 57 tỉnh, thành phố đã tham dự.
Các đợt thi vừa qua của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM cho thấy thí sinh trường chuyên và trường THPT lớn tham gia với tỉ lệ rất cao. Tất cả trường THPT chuyên từ Quảng Bình trở vào đều có học sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Trong đó, rất nhiều trường có tỉ lệ học sinh dự thi hơn 50% tổng số học sinh khối 12. Rõ ràng, đây là nguồn tuyển đầu vào có chất lượng cao hơn nhiều so với phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Đề thi ổn định và có độ phân hóa tốt cũng là ưu điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT tuy có độ tin cậy cao hơn kết quả học bạ THPT nhưng phổ điểm các năm liên tục vừa qua chưa cho thấy độ ổn định. Với các đợt thi đã tổ chức cuối tháng 2-2022, phân bố điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội không khác biệt nhiều so với phổ điểm năm 2021.
Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM cũng ổn định ngay từ những năm đầu tiên. Phổ điểm thi của đợt 1-2022 gần như có phân bố chuẩn và đồng dạng với các năm 2018, 2019, 2020, 2021. Đề thi đánh giá năng lực đạt yêu cầu về độ khó, độ phân hóa để các trường ĐH, CĐ sử dụng xét tuyển chính xác.
Chỉ tiêu xét tuyển từ thi đánh giá năng lực tăng mạnh
Không những số lượng trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gấp đôi so với năm 2021 mà tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức xét tuyển kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tăng nhiều.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành 60% – 70% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Các trường thành viên ĐHQG TP HCM cũng dành tỉ lệ chỉ tiêu cao cho phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực. Theo đó, Trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét 40%-70%; Trường ĐH Kinh tế – Luật xét 40%-60% chỉ tiêu.
Những trường sử dụng chung kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thường dành chỉ tiêu ở mức 5%-10% cho kết quả thi đánh giá năng lực. Cũng có trường dành đến 25% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này, như Trường ĐH Nha Trang.