Thị trường chứng khoán Việt Nam 2022: Bức tranh tương phản
2022 là năm có mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Một năm nhiều biến cố, từ đỉnh cao thời đại về đáy sâu, mà một thế hệ nhà đầu tư “vừa tốt nghiệp F0” lần đầu nếm trải…
Những phiên giao dịch ảm đạm những ngày cuối cùng của năm 2022 khép lại nhiều biến cố trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua. VN-Index đã mất 32,78%, mức giảm lớn thứ 2 trong lịch sử thị trường và cắt đứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp.
Một bức tranh tương phản của ánh sáng và bóng tối đã được vẽ ra trong vòng chỉ 11 tháng, với đỉnh thời đại được xác lập vào tháng 1 và đáy của đợt bán giải chấp chéo vào tháng 11.
QUÝ 1: LẬP ĐỈNH THỜI ĐẠI TRONG TÍN HIỆU BẤT ỔN
Ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần gần 1 tháng, thị trường chứng khoán đã thiết lập đỉnh thời đại và đây thực tế là quý đi ngang trên vùng đỉnh. VN-Index ghi nhận điểm số cao nhất từ trước tới nay là 1.536,45 điểm vào phiên 10/1/2022.
Gói hỗ trợ 15,3 tỷ USD cho nền kinh tế được phê duyệt và bắt đầu triển khai ngay đầu năm đã tiếp thêm kỳ vọng cho nhà đầu tư chứng khoán. Mức độ quan tâm của nhà đầu tư F0 trong quý này vẫn rất cao, thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới vẫn xấp xỉ giai đoạn hai năm COVID-19.
Đặc biệt, sự kiện đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm với tổng số tiền là 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm đã tạo ra sự hưng phấn cho các cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng, như L14, CII, CEO, DIG, VCG… trở thành những cái tên nóng nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, khi kỳ vọng đi quá xa thực tế thì thị trường lại rất dễ bị “điểm huyệt”. Thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm đã khởi đầu chuỗi các sự kiện, và những biến cố sau này, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với thị trường chứng khoán, cùng với việc các cơ quan chức năng vào cuộc siết chặt kỷ cương thị trường tài chính.
Dù vậy, VN-Index vẫn duy trì được trạng thái đi ngang khi khép lại quý 1 bất chấp những mầm mống bất ổn đã xuất hiện, cả những biến cố trên thị trường thế giới như Nga mở cuộc chiến tại Ukraine từ ngày 24/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tăng lãi suất giữa tháng 3…
QUÝ 2: CỘNG HƯỞNG NHIỀU BẤT LỢI
Không phải chờ quá lâu, loạt biến cố trong quý 1 dần dồn đẩy và khiến thị trường không thể trụ lại vùng đỉnh. Với cả 3 tháng giảm liên tiếp, VN-Index đã mất gần 20% trong quý 2, ngưỡng cảnh báo giữa trạng thái điều chỉnh và thị trường “con gấu”.
Chuỗi các sự kiện làm mạnh hóa thị trường tài chính như khởi tố Chủ tịch Tân Hoàng Minh, Tổng giám đốc CTCK Trí Việt, Chủ tịch Louis Holding… đã được Bộ Công an triển khai dồn dập trong quý này. Cùng với đó là việc kỷ luật các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán, HOSE cho thấy ý chí quyết liệt của Đảng và Chính phủ trong thắt chặt quản lý và lành mạnh hóa thị trường.
Sự kiện đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm với tổng số tiền là 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm đã tạo ra sự hưng phấn và bùng nổ ở nhóm cổ phiếu Bất động sản, nhưng cũng là một phần gốc rễ liên quan loạt giảm sản và giải chấp chéo về sau…
Cũng trong quý này, cuộc chiến tại Ukraine vẫn kéo dài, lạm phát nóng trên toàn cầu và Fed phải có 2 đợt tăng lãi suất tổng cộng tới 125 điểm cơ bản. Trong nước, ngột ngạt room tín dụng thể hiện, lãi suất liên tiếp tăng lên, đặc biệt rủi ro tỷ giá bắt đầu bộc lộ sau thời gian dài bình ổn. Nội tại, hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết, ở nhiều nhóm ngành bắt đầu thể hiện khó khăn, suy giảm và thậm chí tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.
Dù đã có những tín hiệu kém tích cực nhưng vẫn có những kỳ vọng về lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất có thể giúp nhà đầu tư “trú bão” trong bối cảnh Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Nhóm cổ phiếu Hóa chất hay Cảng biển, Dầu khí như DGC, GMD, HAH, GAS… vẫn đem lại lợi nhuận ấn tượng khi có đỉnh thời đại được thiết lập trễ hơn VN-Index trong quý này.
QUÝ 3: GƯỢNG DẬY BẤT THÀNH
VN-Index đã có tháng 7 và 8 hồi phục khá tốt nhờ tiền ngoại nhưng rồi lại có đợt giảm sâu nhất năm vào tháng 9 (-11,59%). Diễn biến của tháng 9 đã gây thất vọng lớn bởi số liệu GDP quý 3 bật tăng tới 13,67% so cùng kỳ năm trước, đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng đến 8,83% – mức cao nhất cùng kỳ tính trong hơn một thập niên.
Kỳ vọng của nhà đầu tư chứng khoán đã bị đánh mất với việc lạm phát của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang kỷ lục. Sau 3 đợt tăng lãi suất kể từ tháng 3, Fed phải có quý mạnh tay nhất trong năm 2022 khi liên tiếp có các đợt tăng lãi suất cùng mức độ 75 điểm cơ bản.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức phải tăng 100 điểm cơ bản các lãi suất điều hành trong tháng 9. Lãi suất tiếp tục tăng lên trên các thị trường và đặc biệt tỷ giá USD/VND bắt đầu leo thang căng thẳng.
QUÝ 4: ÁP LỰC TRÁI PHIẾU, GIẢI CHẤP CHÉO VÀ “VIỆN BINH” KHỐI NGOẠI
Trong quý 4, VN-Index đã xóa hết thành quả của gần hai năm bùng nổ trước đó khi rơi xuống mức thấp nhất 873,78 điểm vào phiên 16/11. Sự kiện khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng với trường hợp Tân Hoàng Minh trước đó, dồn đẩy thêm quan ngại và vấn đề niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, liên đới cả vấn đề thanh khoản cục bộ trong hệ thống ngân hàng và lãi suất huy động nổi sóng.
Khó khăn thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gắn với đặc thù huy động vốn của nhiều doanh nghiệp Bất động sản, cộng thêm áp lực phải mua lại trái phiếu trước hạn… tạo hiệu ứng suy giảm niềm tin và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường cổ phiếu. Không chỉ những cổ phiếu Bất động sản như DIG, PDR, NVL, L14, CEO phải giảm sàn hàng chục phiên, tất cả các nhóm ngành đều chịu tổn thất nghiêm trọng trong đợt bán giải chấp chéo tháng 10 và 11.
Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại đã vượt mức 29.000 tỷ đồng, tập trung hết trong 2 tháng cuối năm và trở thành một trợ lực quan trọng cho thị trường.
Nếu như không có “viện binh” và sự giải cứu của khối ngoại, VN-Index có thể còn có đáy sâu hơn. Lượng tiền lớn từ các quỹ ETF Đài Loan đã đổ vào thị trường Việt Nam, cùng nhiều quỹ chỉ số khác như Ishare, VanEck, FTSE. Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại đã vượt mức 29.000 tỷ đồng, tập trung hết trong 2 tháng cuối năm và trở thành một trợ lực quan trọng cho thị trường.
Sau một năm đầy thăng trầm, nhiều dự báo của các CTCK hàng đầu như VNDirect, HSC cho rằng các thử thách sẽ còn chờ đón ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, như CPI Mỹ vẫn ở mức cao, Fed vẫn sẽ tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực, quá trình tái cấu trúc thị trường trái phiếu và bất động sản kéo dài, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, hoạt động xuất khẩu suy giảm và khó khăn trên thị trường việc làm…
Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn sẽ đi trước dựa trên kỳ vọng. Các cơ hội cũng có thể đến từ những nét tươi sáng như Trung Quốc dần mở cửa trở lại, thúc đẩy du lịch và là lực đẩy lớn cho dòng vốn vào các quốc gia mới nổi bao gồm Việt Nam, hoặc các động thái nới room tín dụng, nới room sở hữu nước ngoài của ngân hàng, tăng cường giải ngân đầu tư công…
* Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023.
MAI HƯƠNG
AP Vững vàng phía trước
Mục lục bài viết
Link bài gốc
Lấy link
https://nhipsongkinhdoanh.vn/
Theo