Thị trường xe điện Đông Nam Á: Điểm sáng Thái Lan
TTCT – Thái Lan, đất nước tự nhận là thủ phủ ô tô của Đông Nam Á, đang nổi lên như chiến trường cạnh tranh giữa các hãng xe điện Nhật Bản và Trung Quốc trong khi thị trường khu vực lại không nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Mục lục bài viết
“Chiến địa” xe điện Nhật – Trung
Theo tạp chí Nikkei ngày 13-1, sự trỗi dậy của những nhà đầu tư xe điện mới đến từ Trung Quốc khiến các hãng sản xuất ô tô kỳ cựu của Nhật Bản bỗng có thêm đối thủ nặng ký tại Thái Lan.
Người Nhật có thể áp đảo mảng xe động cơ đốt trong ở Thái (số liệu của nền tảng thông tin ô tô MarkLines cho thấy Toyota, Isuzu và Honda chiếm tới 69% thị phần), nhưng với xe điện thì không.
Cụ thể, 45% số ô tô điện bán ra tại Thái từ tháng 1 đến tháng 10-2022 là của Hãng Great Wall Motor (GWM) của Trung Quốc, tiếp đó là đồng hương SAIC Motor chiếm 24%. Còn các công ty Nhật chia nhau đâu đó miếng bánh 10% cùng với nhiều hãng xe khác.
Ngày 10-3 vừa qua, Hãng sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên của hãng ở Thái Lan, trên khu đất rộng 100 héc ta ở tỉnh Rayong. Nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2024, với công suất 150.000 xe điện/năm.
Khánh thành nhà máy của BYD ở Thái Lan.
Cũng tại Rayong, GWM lên kế hoạch đầu tư 22,6 tỉ baht Thái và đã xuống tiền 12 tỉ baht để cải tạo một nhà máy mà hãng đã mua lại từ General Motors vào năm 2020, Nikkei đưa tin ngày 11-2. GWM dự định sản xuất mẫu xe điện nhỏ gọn Ora Good Cat tại đó vào quý 1-2024.
Ora Good Cat chiếm hơn 1/3 trong tổng số 11.616 xe (1,4% thị phần) GWM bán ra tại Thái Lan trong năm 2022. Theo các phương tiện truyền thông chuyên về ô tô ở Thái, Ora Good Cat cũng dẫn đầu các mẫu xe điện có mặt tại đất nước này về số lượng đăng ký mới vào năm ngoái khi chiếm 39% thị phần.
Vì vậy, dễ hiểu vì sao trong kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu tăng doanh số bán hàng tại Thái Lan lên 50%, tức đạt khoảng 18.000 xe, trong năm nay so với năm 2022, GMW dự kiến giới thiệu thêm 5 mẫu xe điện và xe lai điện (hybrid). Có thể nói, nhà sản xuất ô tô này xem Thái Lan như cứ điểm sản xuất ở khu vực Đông Nam Á, xuất khẩu xe từ đó sang các nước láng giềng.
Các công ty Nhật cũng chẳng chịu thua kém trước sự cạnh tranh này và vẫn đang đặt cược lớn vào Thái Lan. Tháng 11-2022, Sony tiết lộ kế hoạch mở rộng một nhà máy chip ở phía bắc Bangkok thêm 70% và tăng số lượng nhân viên từ 1.000 lên 3.000 vào năm tài chính 2024 để sản xuất các cảm biến hình ảnh sử dụng trong hệ thống lái xe tự động.
Cùng tháng đó, một “ông lớn” Nhật Bản khác là Honda Motor công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt xe SUV chạy hoàn toàn bằng điện ở Thái Lan năm nay với dự kiến tăng dần sản lượng xe điện. Theo Nikkei, thông báo này của Honda gần như chắc chắn đánh dấu cột mốc một công ty lớn đầu tiên của Nhật Bản lắp ráp xe điện tại xứ sở chùa vàng.
Theo Hãng tin Jiji Press ngày 21-2, Toyota cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện ở Thái Lan vào cuối năm nay hoặc muộn hơn, đồng thời xem xét sản xuất các mẫu xe bán tải chạy điện vốn phổ biến ở các thị trường mới nổi.
Nhà máy của hãng Great Wall Motors (Trung Quốc) ở tỉnh Rayong (Thái Lan). Ảnh: chinadaily.com.cn
Tại sao là Thái Lan?
Giữa sự so kè từ các công ty Nhật Bản và Trung Quốc, xe điện chiếm chưa đến 1% doanh số bán xe mới nhất của Thái Lan, theo Nikkei. Mặc dù vậy, không phải vô cớ mà nhiều nhà đầu tư đánh giá rằng quy mô thị trường xe điện này sẽ tăng 50%, thậm chí gấp đôi, trong năm nay.
Xét ở cấp độ khu vực, Thái Lan hoàn toàn áp đảo khi mà số xe điện bán ra của quốc gia này trong quý 3-2022 chiếm tới 59,2% tổng doanh số của 6 thị trường chính ở Đông Nam Á.
Bên cạnh tiềm năng thị trường đáng kể, làn sóng đầu tư xe điện đến với Thái Lan còn bởi sức hút từ các khoản ưu đãi của chính phủ. Năm 2020, quốc gia này công bố kế hoạch tăng lượng ô tô điện lên 30%, tức khoảng 750.000, trong tổng số 2,5 triệu ô tô được sản xuất vào năm 2030. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng mong muốn nền kinh tế Thái Lan được hiện đại hóa trước kỳ tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Do đó, tháng 2-2022 Thái Lan thông qua một gói ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích người lái xe và các nhà sản xuất ô tô chuyển sang sử dụng xe điện. Trong đó, giảm thuế nhập khẩu là một trong những chính sách đáng chú ý. Với chính sách này, giá xe điện có thể giảm khoảng 70.000 baht (2.165 USD) cho đến 150.000 baht (4.638 USD), Reuters dẫn thông tin từ truyền thông địa phương.
Với những điều kiện hấp dẫn trên, không chỉ Nhật Bản hay Trung Quốc mà các nhà đầu tư đến từ Âu – Mỹ ắt hẳn cũng sẽ bị “Detroit của Đông Nam Á” thu hút.
Một dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô mới của Honda ở tỉnh Prachin Buri (Thái Lan). Ảnh: Pattanapong Hirunard/Bangkok Post
Thị trường khu vực ảm đạm
Đầu tư ở Thái Lan sôi động là thế, nhưng xét toàn khu vực, Đông Nam Á được đánh giá là tụt hậu về xe điện, theo Reuters ngày 23-2. Bài viết dẫn số liệu từ Rahul Gupta, cộng sự cấp cao của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company ở Singapore cho biết xe điện chiếm chưa đến 2% doanh số bán hàng toàn Đông Nam Á hồi năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện bên ngoài các trung tâm đô thị, thiếu các ưu đãi và trợ cấp về thuế cho cả nhà sản xuất ô tô và người mua, cùng với tiến độ chậm chạp trong phát triển xe điện giá cả phải chăng tại khu vực đã kìm hãm khu vực này tăng tốc.
Cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, Đông Nam Á vô cùng thiếu các trạm sạc bên ngoài các thành phố. Điển hình như trường hợp anh chàng đam mê công nghệ và nghiện cảm giác mới lạ Farhan Abdul Rahim ở Malaysia. Anh đã phải dành cả tuần để lên kế hoạch về các phương án sạc xe điện trước khi bắt đầu chuyến hành trình 3 ngày trải qua quãng đường khoảng 1.700km vòng quanh bán đảo Mã Lai trên chiếc Tesla của mình hồi tháng 6-2022.
Dù Farhan đã kết thúc thành công chuyến đi, không có nhiều người dám nối gót hành trình của anh, bởi họ cho rằng xe điện không thể vận hành bên ngoài các thành phố và tại vùng nông thôn của quốc gia này.
Ngoài ra, việc xe hai và ba bánh, từ xe máy đến xe tuk-tuk, chiếm khoảng 80% phương tiện chạy ở Đông Nam Á, cũng khiến quá trình chuyển đổi xe điện trong khu vực rất khác so với ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, nơi tăng trưởng xe điện được đẩy mạnh cùng với quá trình điện khí hóa ô tô, theo Giám đốc vận tải khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới (WB) Benedict Eijbergen.
Ông Eijbergen cho biết thêm mức độ chuyển đổi của xe điện hai bánh trong khu vực cao hơn ô tô điện. Vào năm 2020, Việt Nam dẫn đầu thị trường với khoảng 8% tổng doanh số xe bán được.
Carsome, nhà cung cấp dịch vụ nền tảng thương mại điện tử dành cho ô tô đã qua sử dụng được thành lập tại Malaysia vào năm 2015, mới đây vừa đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong việc bán xe điện cũ vào năm 2025, trong đó Thái Lan sẽ trở thành quốc gia thí điểm, theo Bangkok Post ngày 9-3.
Giám đốc điều hành của Carsome Thái Lan Siwaphume Lertsansaran cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy một cơ hội mới trong phân khúc xe điện khi chúng đang trở nên phổ biến hơn ở Thái Lan và mọi người muốn đổi xe điện của mình để lấy các mẫu xe mới, tương tự như xu hướng xe chạy bằng dầu mới”.
Theo đó, công ty dự kiến có khoảng 100 ô tô điện đã qua sử dụng có mặt trên thị trường Thái Lan trong năm nay.
Để đạt con số trên, Carsome Thái Lan đang trong quá trình xem xét các thông số kỹ thuật của xe điện đã qua sử dụng mà họ sẽ mua, cũng như các tiêu chuẩn và điều kiện về pin của chúng.
Carsome cũng đang đàm phán với một nhà sản xuất thiết bị gốc về các vấn đề quản lý pin xe điện và đã gặp gỡ các tổ chức tài chính ở Thái Lan để thảo luận về kế hoạch cung cấp các gói tài chính cho những khách hàng muốn mua xe điện đã qua sử dụng thông qua nền tảng của công ty.