Thiết bị 5G của Viettel sẽ đạt tốc độ đến 1 Gbps – Viettel Construction
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay, các thiết bị 5G mà Viettel đang thử nghiệm đã đạt tốc độ 500 Mbps và cuối năm nay sẽ đạt đến 1 Gbps.
Đề cập đến vấn đề này, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G. 5G không đơn thuần là trạm thu phát sóng mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi, thiết bị đầu cuối. Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015, đặt mục tiêu thử nghiệm mạng lưới trạm 5G trong năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021.Chia sẻ với ICTnews về kết quả thử nghiệm trên thiết bị của Viettel tự sản xuất, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay, Viettel đang thử nghiệm thiết bị 5G tại Hà Nội, kết quả ban đầu rất khả quan. Các thiết bị 5G mà Viettel đang thử nghiệm đã đạt tốc độ 500 Mbps và cuối năm nay sẽ đạt đến 1 Gbps.
Việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất thiết bị mạng.
Trước đó, ngày 17/1/2020, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị của Viettel sản xuất tại Hòa Lạc. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định rằng, Việt Nam đã biến điều không thể thành có thể, từ một nước luôn đi sau và học hỏi các nước lớn như Hàn Quốc, Singapore… để gia nhập những nước tạo ra công nghệ với “Make in Vietnam”.
Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, để làm được điều đó, chúng ta đã biến những việc bất quy luật thành quy luật. Như với Viettel, đơn vị này không đi theo cách làm thông thường mà theo cách làm mới bởi vì muốn phát triển, muốn đi đầu thì phải trải qua những thử thách và thất bại.
Tạo ra sản phẩm đã khó nhưng đã làm ra thì phải có người sử dụng, phải có thị trường. Đối với đề xuất của Viettel khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm viễn thông sản xuất tại Việt Nam, theo ông Dũng, đây không phải là bắt buộc các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân dùng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu vì những sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam sản xuất không thua kém các hãng trên thế giới. “Tuy nhiên, vì sao sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa có nhiều người sử dụng? Bởi vì, nếu không có thị trường thì không có bất kỳ sản phẩm nào phát triển được, nhất là đối với khoa học công nghệ, sản phẩm công nghệ cao”, ông Dũng nói.
Thông tin từ Bộ TT&TT, đến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất được thực hiện thành công giúp Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất thiết bị 5G. Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G trong năm 2020. Như vậy, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Từ nay, Việt Nam chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ, cũng như xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đồng thời, tiến hành đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.
Theo ICTNews