Thiết lập mạng viễn thông là gì ?
Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Luật quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.
Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.
Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Vậy, thiết lập mạng viễn thông là gì ?
Mục lục bài viết
Thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ
Thiết bị viễn thông là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm, được dùng để thực hiện viễn thông.
Thiết bị đầu cuối là thiết bị viễn thông cố định hoặc di động được đấu nối vào điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin của người sử dụng.
Thiết bị đầu cuối thuê bao là thiết bị đầu cuối của thuê bao viễn thông.
Thiết bị mạng là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.
Mạng nội bộ là mạng viễn thông do tổ chức, cá nhân thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được quyền sử dụng hợp pháp để phục vụ liên lạc nội bộ không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.
Căn cứ theo Điều 23 của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 (gọi tắt là Luật Viễn thông năm 2009), Luật quy định về thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ như sau:
+ Việc lắp đặt, đấu nối thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng phải theo quy định về quản lý tài nguyên viễn thông, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông.
+ Việc hòa mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thực hiện thông qua hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông.
Phân loại mạng viễn thông
Căn cứ theo Điều 8 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Viễn thông, Chính phủ quy định mạng viễn thông bao gồm:
1. Mạng viễn thông cố định mặt đất.
2. Mạng viễn thông cố định vệ tinh.
3. Mạng viễn thông di động mặt đất.
4. Mạng viễn thông di động vệ tinh.
5. Các mạng viễn thông khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Thiết lập mạng viễn thông
Căn cứ theo Điều 24 của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 (gọi tắt là Luật Viễn thông năm 2009), Luật quy định về việc thiết lập mạng viễn thông như sau:
– Mạng viễn thông được xây dựng và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
– Tổ chức thiết lập mạng viễn thông phải có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông.
– Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh.
– Trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; và trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc thiết lập mạng viễn thông công cộng và các mạng viễn thông dùng riêng sau đây:
a) Mạng viễn thông dùng riêng có đường truyền dẫn hữu tuyến do tổ chức xây dựng;
b) Mạng viễn thông dùng riêng mà thành viên của mạng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có cùng mục đích, tính chất hoạt động và được liên kết với nhau bằng điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc hình thức khác;
c) Mạng viễn thông vô tuyến dùng riêng cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc ưu đãi, miễn trừ lãnh sự;
d) Các mạng viễn thông dùng riêng khác.
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về việc thiết lập mạng viễn thông.
Luật Hoàng Anh