Thổi giá thiết bị y tế quá khủng khiếp: 300%, 400%, gấp 5-6 lần

Anh Đào

  –  

Thứ tư, 01/06/2022 10:35 (GMT+7)

Mỗi cái máy giặt, máy sấy có giá chỉ trên dưới 500 triệu đồng, nhưng khi “vào” bệnh viện, nó được “ thổi ” lên từ 2,6 tỉ đồng, thậm chí 3 tỉ đồng. Gấp 5-6 lần – một kỷ lục quá khủng khiếp.

Thổi giá thiết bị y tế quá khủng khiếp: 300%, 400%, gấp 5-6 lầnBộ máy giặt có giá chỉ khoảng 500 triệu đồng nhưng khi vào bệnh viện, nó được “thổi giá” lên từ 2,6 đến 3 tỉ đồng. Ảnh: TT

5 nguyên giám đốc của 5 bệnh viện đa khoa Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân và Đức Thọ (Hà Tĩnh) hôm qua đã đứng, cúi đầu trước vành móng ngựa để nhận các bản án 3 năm tù giam.

Họ chính là những người đã thực hiện các gói thầu mua sắm máy sấy, máy giặt cho các bệnh viện với giá từ 2,6 tỉ đến 3 tỉ đồng/bộ. Trong khi ngoài thị trường, giá các bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp có xuất xứ Hàn Quốc đó chỉ hơn 500 triệu đồng.

Theo cáo trạng, việc phải chi 14,5 tỉ đồng cho việc mua sắm các thiết bị này đã gây thiệt hại cho nhà nước tới 9,4 tỉ đồng.

Còn nhớ trong vụ nâng khống giá hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm phòng chống COVID-19, dư luận từng choáng váng, bởi việc thổi giá từ 2,3 tỉ đồng lên tới 7 tỉ đồng có nghĩa là tỉ lệ khống lên tới 300%.

Đến vụ nâng khống thiết bị phẫu thuật não, robot Rosa, tỉ lệ khống 300% này đã bị phá ngoạn mục: Một robot Rosa có giá chỉ 7,6 tỉ đồng, cả chi phí chuyển giao cũng chưa tới 10 tỉ đồng, nhưng khi vào Bệnh viện Bạch Mai, nó được kê khống lên đến 39 tỉ đồng. Tức là đội giá 4 lần, bị thổi giá gần 400%.

Và giờ, ngay cả một cái máy giặt cũng bị làm giá, thổi giá gấp 5-6 lần.

Những tỉ lệ kinh khủng này cho thấy không hề có một giới hạn cho lòng tham và sự độc ác.

Nhưng tại sao các bệnh viện có thể dễ dàng “thổi giá” thiết bị y tế?

Trên một tờ báo, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội từng chỉ ra một “vấn đề nghiêm trọng” là pháp luật đã trao quyền quá lớn cho các tổ chức thẩm định giá.

Luật Giá có quy định nguyên tắc hoạt động thẩm định giá gồm: chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá…

Theo Luật sư Hoà, như vậy có nghĩa là các doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động trên tinh thần “tự nguyện” tôn trọng pháp luật, bởi không có bất cứ một cơ quan hay cơ chế nào giám sát quá trình thực hiện để cho ra kết quả thẩm định giá này.

Và chính lỗ hổng này đã dẫn tới những “cú bắt tay gầm bàn”, dẫn tới việc thổi giá khủng khiếp để bóp hầu bóp họng bệnh nhân, mà “gấp 5-6 lần” có khi chưa phải đã là kỷ lục cuối cùng.