Thời hội nhập, văn hóa ứng xử còn là bộ mặt văn hóa của cả một dân tộc

 Mấy hôm nay, trên lầu 7 tòa nhà cơ quan có mở một lớp học, bồi dưỡng bồi diếc gì đó. Học viên toàn là các nam thanh nữ tú, sắc mặt rạng ngời, áo quần bảnh bao, tóc tai chải chuốt. Tất nhiên, chuyện chuẩn bị phòng ốc, vệ sinh lớp học, lo nước nôi trà lá là nhiệm vụ của các chị tạp vụ.

Nhưng vấn đề ở đây là văn hóa ứng xử của các học viên trong lớp học làm chị nhân viên tạp vụ rất bức xúc. Chị kể, mỗi sáng chị phải vào cơ quan từ lúc 5h để chuẩn bị mọi thứ. 8h, lớp học bắt đầu, mọi người kéo vào phòng. Một góc hành lang nơi kê chiếc bàn gỗ lớn; Trên bàn, dưới đất, không khác gì một bãi chiến trường. Không biết cơ man nào là vỏ chai nước, ly nhựa,vỏ hộp thức ăn lăn lóc; Nước mắm, nước tương vương vã,  thậm chí cả những tàn thuốc lá bị gí xuống sàn nhà.

Ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa không phải là nội dung giáo dục gì quá to tát. Ảnh: TL

Ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa không phải là nội dung giáo dục gì quá to tát. Ảnh: TL

Giờ nghỉ trưa, một số nằm ngồi nghiêng ngửa, kẻ ngủ gà ngủ gật, người chơi game trên điện thoại chéo chéo xèng xèng; tốp mấy cô ngồi tám chuyện thỉnh thoảng cười ha hả. Cái góc nghỉ ngơi vừa bằng chiếc ghế bố kê sát bên lớp học trở thành nỗi ám ảnh của chị tạp vụ mấy ngày nay.

Buổi chiều, sau khi học viên ra về như một đàn ong vỡ tổ thì khỏi nói, chắc ai cũng hình dung ra cảnh tượng trong phòng như thế nào với cái phông văn hóa ứng xử của các anh trai chị gái trong cái lớp học này.

Tình trạng này hầu như không phải là cá biệt trong lối sống của các bạn trẻ hiện nay. Trong tình hình con cái chúng ta càng ngày càng trở nên “khan hiếm”, thì sự nuông chiều, “hầu hạ” quá mức của các ông bố bà mẹ, đã khiến các bạn  trẻ coi chuyện được người khác phục vụ là một lẽ đương nhiên bất kể “từ trong nhà hay ra ngoài phố”.

Ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa không phải là nội dung giáo dục gì quá to tát, cũng không cần đến sự truyền đạt của các chuyên gia. Những chuyện như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên”; hay “Thương trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho” hoặc “lên xe nhường chỗ bạn ngồi, nhường nơi bạn tựa, nhường lời bạn phân”… đều do ông bà cha mẹ trong từng gia đình nhắc nhở con cháu hằng ngày rất nghiêm khắc.

Ngày xưa trong môi trường sống khép kín, văn hóa ứng xử được gia đình giáo dục cho con cái để phân biệt cái phông văn hóa đạo đức của từng gia đình trong một giòng họ, của từng giòng họ trong một địa phương… Ngày nay, thế giới hội nhập, văn hóa ứng xử càng khẳng định chỗ đứng của nó là vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn, tôn vinh hình ảnh của nền văn hóa quốc gia. Nó được thể hiện ở những nơi có nhiều khách nước ngoài như các địa điểm du lịch, trên những những phương tiện công cộng như xe buýt, tàu hỏa, máy bay…

Ngày trước, được đi thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, được di chuyển bằng máy bay là một điều gì đó rất xa xỉ, chỉ có giới thượng lưu, trí thức hoặc quan quyền… Ngày nay, hầu như đi du lịch kể cả du lịch nước ngoài đã trở thành “phổ biến”.

Theo đó, bất kể thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, ai cũng có thể thường xuyên đi du lịch và di chuyển bằng máy bay. Việc này đồng nghĩa với luồng văn hóa tiếp xúc với các loại hình này cũng “đa dạng, phong phú”.  Từ đó, nảy sinh ra rất nhiều vấn đề về hóa ứng xử nếu không khéo léo đúng mực sẽ gây mất hình ảnh cho văn hóa quốc gia.

Gần đây, đi đâu cũng nghe than phiền về những vụ việc ứng xử khiếm nhã trên máy bay như: sàm sỡ, văng tục, đánh ghen, gào khóc… “Nhẹ” hơn là cỡi trần, gác chân, tám chuyện… đến nỗi tiếp viên phải can thiệp, khống chế. Những hành động  đôi khi là vô tình nhưng cũng gây ra những hình ảnh tiêu cực cho bộ mặt Quốc gia.

Gần đây, đi đâu cũng nghe than phiền về những vụ việc ứng xử khiếm nhã trên máy bay. Ảnh: TL

Gần đây, đi đâu cũng nghe than phiền về những vụ việc ứng xử khiếm nhã trên máy bay. Ảnh: TL

“Trên trời” đã vậy, “dưới đất” cũng không khác gì. Vô tư nói chuyện điện thoại, nói chuyện với nhau rõ to; ngồi đá vào lưng ghế trước khiến người ngồi phía trước rất bực mình; bật ghế tựa quá đà chèn người phía sau; ăn uống, vứt rác, khạc nhổ, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới vệ sinh chung của hành khách… Đây là những trường hợp thường gặp nhất trên xe buýt.

Ngoài ra, nhạy cảm hơn phải kể đến hình ảnh các bạn tỏ ra thân mật “quá cỡ” làm xốn mắt mọi người, đưa đến nhiều tình huống dở khóc dở cười trên các phương tiện công cộng.

Tóm lại, cách ứng xử có văn hóa không chỉ biểu hiện xã giao bề ngoài mà nó còn chứa đựng những quan niệm đạo đức, văn hóa nhất định của một con người, của một dân tộc.