Thông báo V/v đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức năm học 2021-2022
Thứ năm, 19/05/2022 – 9:40
Kính gửi: – Các đơn vị thuộc Học viện; – Khối Văn phòng Đảng – Đoàn.
– Căn cứ Luật viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Căn cứ Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;
– Căn cứ Công văn số 1871/BTC-TCCB ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Bộ Tài chính về việc triển khai Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;
– Căn cứ Quyết định số 2188/QĐ-BTC ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức của Bộ Tài chính.
Học viện Tài chính hướng dẫn các đơn vị nội dung, quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức năm học 2021-2022 như sau:
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
– Hướng dẫn này áp dụng cho việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức và lao động hợp đồng do Học viện Tài chính quản lý (sau đây được gọi chung là đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức).
– Không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với viên chức đang trong thời gian tập sự.
2. Mục đích đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
– Nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức Học viện Tài chính năm học 2021-2022 theo đúng quy định.
– Xác định rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với viên chức hàng năm.
3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
– Việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức hằng năm được thực hiện theo từng năm công tác; bảo đảm đúng thẩm quyền, khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức.
– Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương và kết quả thực hiện nhiệm vụ, tiến độ và chất lượng công việc, số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu về trình độ chuyên môn của công việc; sản phẩm cụ thể và các yếu tố khách quan khác. Các nhiệm vụ được giao không hoàn thành hoặc chậm tiến độ do yếu tố khách quan, bất khả kháng và được cấp có thẩm quyền xác nhận thì được xem xét khi đánh giá, xếp loại chất lượng.
– Việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, lĩnh vực công tác được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
– Viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
+ Viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật (nghỉ không hưởng lương, nghỉ ốm,…) trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
+ Viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
+ Viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi làm chuyên gia, thực tập dài hạn, đào tạo, bồi dưỡng tập trung thì thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ vào kết quả thời gian làm việc thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong năm và báo cáo kết quả làm việc, học tập của cá nhân.
+ Đối với viên chức chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên thì phải kết hợp lấy ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ, trừ trường hợp không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ.
+ Đối với viên chức đang luân chuyển, biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi viên chức luân chuyển, biệt phái đến có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng và gửi kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng về cơ quan, đơn vị quyết định cử đi luân chuyển, biệt phái và cơ quan có viên chức được cử đi luân chuyển, biệt phái để theo dõi, thực hiện chế độ, chính sách và lưu vào hồ sơ viên chức.
– Khi viên chức đã được đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không bảo đảm tiêu chí của mức đã xếp loại thì hủy bỏ kết quả và thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng lại theo trình tự, thủ tục từ đầu.
– Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
4. Yêu cầu đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
– Đánh giá, xếp loại chất lượng phải đảm bảo khách quan, phản ánh đúng năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức của viên chức.
– Đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm các kết luận về viên chức được đánh giá là khách quan và chính xác.
– Đối với viên chức đang được cử đi học sau đại học ở nước ngoài, cần kèm theo bản báo cáo kết quả học tập của năm học 2021-2022 theo quy định trong hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.
– Bản thân viên chức được trình bày ý kiến của mình về kết luận đánh giá.
5. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
– Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức năm học 2021-2022 tại các đơn vị thuộc Học viện kết thúc trước ngày 12/7/2022.
– Tại thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng, trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc nghỉ ốm, nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật, viên chức có trách nhiệm làm báo cáo tại Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng theo chức trách, nhiệm vụ được giao, gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác để thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định của pháp luật.
6. Nội dung đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
6.1 Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể được xem xét theo các nội dung sau:
– Xây dựng tổ chức, tập thể;
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm;
– Công tác đề xuất, tham mưu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ;
– Kết quả hưởng ứng các phong trào thi đua;
– Kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.
6.2. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức được xem xét theo các nội dung sau:
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;
– Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;
– Việc thực hiện nghĩa vụ khác của viên chức.
6.3. Đối với viên chức quản lý (viên chức giữ chức vụ Phó Trưởng bộ môn, Phó Trưởng phòng trở lên), ngoài việc đánh giá các nội dung tại phần (6.2) phải đánh giá thêm các nội dung sau:
– Kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
– Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
– Năng lực tập hợp, đoàn kết.
7. Trình tự đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
7.1 Đối với tập thể:
– Lãnh đạo đơn vị đọc dự thảo Báo cáo đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể của đơn vị tại cuộc họp gồm toàn thể viên chức của đơn vị.
– Viên chức của đơn vị tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo đánh giá xếp loại chất lượng của đơn vị.
– Lãnh đạo đơn vị tiếp thu ý kiến và kết luận.
7.2. Đối với viên chức giữ chức vụ quản lý:
a) Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Viên chức làm báo cáo tự đánh giá, mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu (Mẫu kèm theo).
b) Nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức
Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.
– Đối với các Ban, Trung tâm, Bộ môn, Phòng: tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị.
– Đối với các Khoa, Viện: thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: tập thể lãnh đạo Bộ môn hoặc Phòng, tập thể lãnh đạo Khoa hoặc Viện, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp.
( Đối với trường hợp viên chức giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quản lý thì đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức ở tất cả các vị trí.
VD: Ông Nguyễn Văn A, Phó trưởng Khoa kiêm Trưởng Bộ môn thì trình tự đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:
Bước 1: đánh giá, xếp loại chất lượng theo vị trí Trưởng bộ môn tại Cuộc họp gồm toàn thể viên chức bộ môn;
Bước 2: đánh giá, xếp loại chất lượng theo vị trí Phó trưởng Khoa tại cuộc họp gồm tập thể lãnh đạo bộ môn đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và lãnh đạo Khoa;
Bước 3: tổng hợp hồ sơ đánh giá, xếp loại viên chức theo Khoa gửi Ban Tổ chức cán bộ.)
c) Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng đơn vị nơi viên chức công tác.
d) Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức
Ban Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá và tài liệu liên quan (nếu có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với tập thể, viên chức.
Căn cứ Hồ sơ các đơn vị, Ban Tổ chức cán bộ trình Giám đốc Học viện quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với viên chức giữ chức vụ quản lý.
7.3. Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
a) Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu (Mẫu kèm theo).
b) Nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức
Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức.
– Đối với viên chức công tác tại các Ban và Trung tâm: Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của Ban và Trung tâm.
– Đối với viên chức công tác tại Bộ môn thuộc Khoa (bao gồm cả viên chức làm công tác quản lý tại các Khoa) hoặc Phòng thuộc Viện: Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của Bộ môn hoặc Phòng.
Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.
c) Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức
Căn cứ cuộc họp đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức tại đơn vị Trưởng đơn vị (Trưởng ban, Trưởng Khoa, Giám đốc Trung tâm, Viện trưởng) quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với viên chức của đơn vị mình.
8. Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức:
Thực hiện theo bộ tiêu chí gửi kèm. (Tải Bộ Tiêu chí)
9. Xếp loại chất lượng tập thể, viên chức:
Căn cứ các tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức theo 4 mức sau:
– Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
– Hoàn thành nhiệm vụ;
– Không hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu không nhất trí với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng thì viên chức được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.
10. Tổ chức thực hiện
Căn cứ vào các nội dung trên đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ.
11. Hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức
Hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức gửi về Ban TCCB trước ngày 12/7/2022 (phòng 414 nhà Hiệu bộ, 58 Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gồm:
+ Báo cáo đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức năm học 2021-2022;
+ Biên bản họp của đơn vị;
+ Bản tổng hợp kết quả xếp loại tập thể, viên chức của đơn vị.
Ghi chú:
– Các đơn vị lấy mẫu phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức trên Website của Học viện;
– Bản mềm gửi theo địa chỉ Email: [email protected];
– Sau ngày 12/7/2022, Ban Tổ chức cán bộ không nhận bổ sung Hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, viên chức của các đơn vị.