“Thông luồng” trang thiết bị, vật tư y tế vào bệnh viện

Ngay sau khi có Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, các bệnh viện đã tập trung triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện dần trở lại hoạt động bình thường

Nghị định 07/2023/NÐ-CP được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NÐ-CP ngày 8/11/2021 để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế thời gian qua, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Ðiểm mới nổi bật của nghị định này là điều chỉnh các quy định giúp cho các doanh nghiệp làm các thủ tục nhập khẩu hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men thuận lợi hơn, nhất là kịp thời thông quan những thiết bị đang “nằm cảng” thời gian qua do những vướng mắc về cơ chế.

Trong khi đó, với Nghị quyết 30/NQ-CP, bên cạnh sửa quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, Chính phủ cho phép các cơ sở y tế áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Việc xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, không nhất thiết phải đủ ba báo giá như quy định trước đây. Với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, thì chủ đầu tư được xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

Như vậy mua các trang thiết bị trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới đến giá thành để loại bỏ được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh; các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) Trần Bình Giang đánh giá, với hai văn bản này, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất… Và sau hai tuần dừng mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu, những ca bệnh nặng, lịch mổ của bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt của cả nước đã trở lại bình thường như trước khi gặp tình trạng khan hiến trang thiết bị, vật tư y tế. Người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, 95% số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cho nên những vướng mắc mà Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ không chỉ cho bệnh viện, mà chính là tháo gỡ cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

95% số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cho nên những vướng mắc mà Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ không chỉ cho bệnh viện, mà chính là tháo gỡ cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều gói thầu phải dừng từ sau ngày 5/11/2022 nay lại tiếp tục được triển khai, sẽ được mở thầu trong một, hai tuần tới và hy vọng chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ đủ vật tư, hóa chất đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ðáng chú ý, bước vào năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị các gói thầu cho khoảng 2.000 loại vật tư, hóa chất, nhưng chỉ 1/3 trong đó đạt đủ tiêu chí có ba báo giá. Với những quy định mới của Nghị quyết 30/NQ-CP, bệnh viện sẽ mua được đủ những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Song song với đẩy nhanh tiến độ mua sắm, bệnh viện cũng tập trung rà soát tất cả các máy, thiết bị y tế được cho, tặng trong thời kỳ chống dịch Covid-19 và các đề án liên doanh, liên kết mà chưa hoàn thiện sở hữu toàn dân để kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sau khi có Nghị định 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, ngành Y tế thành phố quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong công tác điều trị tại các bệnh viện. Sở Y tế sẽ lập tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất, vật tư; kiến nghị tháo gỡ ngay các vướng mắc (nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện), không để việc chăm sóc sức khỏe người bệnh bị gián đoạn. Hằng tuần, Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm vật tư, hóa chất và sau một tháng, sẽ tiến hành đánh giá lại.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các quy định mới sẽ giúp công tác đấu thầu mua sắm thuận lợi hơn, giúp bệnh viện không còn cảnh thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, vì đặc thù của bệnh viện là bảo vệ an toàn sức khỏe “2 trong 1” (cả sản phụ và em bé), nên phải “lựa cơm gắp mắm” sao cho các bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất, không phải chuyển qua các cơ sở tư nhân. Sau khi Nghị quyết 30/NQ-CP được áp dụng thì bệnh viện đã giải quyết được hầu hết các khó khăn, các hoạt động dần trở lại bình thường.

"Thông luồng" trang thiết bị, vật tư y tế vào bệnh viện ảnh 1

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Qua trao đổi thông tin với chúng tôi, lãnh đạo nhiều bệnh viện đều cho rằng Nghị quyết 30/NQ-CP là giải pháp tình thế, cấp bách bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh, chứ không phải là văn bản pháp quy. Nghị quyết này cũng chỉ áp dụng trong năm 2023.

Chính vì vậy, về lâu dài cần hoàn thiện hành lang pháp lý, từ việc sửa đổi các luật có liên quan đến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn, chặt chẽ đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ người bệnh tốt nhất. Các bộ, ngành liên quan (Y tế, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính) cần thực hiện đúng tiến độ trong xây dựng các hướng dẫn mà Nghị quyết 30/NQ-CP đã đưa ra. Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, cho nên các nghị định, thông tư liên quan thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cũng cần sớm được ban hành để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án mua sắm kịp thời, đúng pháp luật.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Ðặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, hiện nay bệnh viện có nhiều máy móc cần sửa chữa nhưng việc này phải thực hiện theo Luật Ðấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế. Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. “Khi thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu trang thiết bị y tế. Tuy mua sắm đều phải thông qua hội đồng khoa học bệnh viện, song bệnh viện rất dễ rơi vào chỉ định thầu, không thể biết được”. Do vậy, các bệnh viện mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về vấn đề này để các đơn vị hoạt động trơn tru; thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người, đơn vị thực hiện thí điểm.

Chia sẻ về một số băn khoăn của các đơn vị, PGS, TS Ðào Xuân Cơ cho rằng, những vấn đề liên quan thiếu trang thiết bị, thuốc men là vấn đề cấp bách vì liên quan trực tiếp đến người bệnh. Các cơ quan tư pháp sẽ không bao giờ khởi tố, bắt bớ cán bộ không trục lợi, không có dấu hiệu tư lợi, làm vì phục vụ người bệnh, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Một nguyên tắc quan trọng mà các bệnh viện cần tuân thủ là Luật Phòng, chống tham nhũng. “Tôi không lo vướng vào pháp lý liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư bằng việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ người bệnh”- người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.

Theo Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, đối với những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết ngay và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Y tế. Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ; với những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Y tế cùng phối hợp tìm cách tháo gỡ hoặc báo cáo lên Chính phủ để có hướng giải quyết sớm.

Đối với những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết ngay và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Y tế. Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ; với những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Y tế cùng phối hợp tìm cách tháo gỡ hoặc báo cáo lên Chính phủ để có hướng giải quyết sớm.

Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên

Về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng đồng bộ từ luật, đến nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế về trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng, cấu hình, tác dụng, tính pháp lý của trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra và hậu kiểm đối với mặt hàng này ■