Thu nhập giảm, tài xế xe ôm công nghệ bán sức lao động giá “bèo”
Trong 3 tuần gần đây, mỗi giờ anh Đăng chỉ kiếm được khoảng 25.000 – 30.000 đồng. Có khi ngồi không 1-2 giờ đồng hồ anh vẫn không nhận được chuyến xe nào.
Không chỉ anh, nhiều đồng nghiệp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có người còn kể với anh chỉ kiếm được hơn 20.000 đồng/giờ, thu nhập giảm 50%.
Ngoài việc bị giảm thu nhập trong thời gian gần đây, lái xe, giao hàng công nghệ cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác.
Tỷ lệ tài xế chạy xe ôm công nghệ có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 20%. Đó là sự lãng phí đối với gia đình, xã hội.
Làm việc cường độ cao, có thể bị cướp giật
Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình (trong đó có 182 người là lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) mới đây cho thấy, do đặc thù công việc, nhóm lái xe, giao hàng công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao, tai nạn lao động; nguy cơ bị lạm dụng/quấy rối; cướp giật… Hầu hết, họ đều bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc.
Về phúc lợi, hầu hết người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết… Người lao động chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng – thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Trong khi đó, thời gian làm việc của nhóm đối tượng này rất cao. 6% người lao động được khảo sát đang làm việc trên 12 giờ/ngày, 40% số người lao động làm 7 ngày/tuần. Điều này cho thấy nhóm lao động này đang làm việc cường độ rất lớn, ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động.
Hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, với tỷ lệ 79,26%. Thực tế, chỉ 2% có hợp đồng lao động.
Bà Lê Thu Huyền – thành viên nhóm nghiên cứu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, khi không có hợp đồng lao động, đồng nghĩa với việc họ không được bảo đảm các quyền lợi về lao động, an sinh xã hội khi gặp rủi ro.
Không chỉ vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhóm lao động này hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh, chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, tham gia bảo hiểm y tế 51,11%; chỉ 8,15% tham gia bảo hiểm xã hội.
Mức chi trả cho sức lao động thấp
Kết quả khảo sát cũng thể hiện, thu nhập bình quân tháng của nhóm lao động trên là 9,15 triệu đồng/tháng (tại thời điểm trước giãn cách xã hội ở Hà Nội, từ tháng 7/2022), song phần lớn lái xe công nghệ có thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.
Mặc dù vậy, tỉ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao. Đối với nhóm lái xe công nghệ, tỉ lệ chiết khẩu bình quân/giao dịch là 24,4%, người lao động chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, song trong 75% thu nhập này, có đến 30% chi phí cho phương tiện, khấu hao, số còn lại mới là phần chi trả cho sức lao động. Tỉ lệ chỉ 40-45% chi trả cho sức lao động như vậy được đánh giá là khá thấp.
Qua khảo sát, một nhóm lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ, chiếm 20,65%, giao hàng công nghệ là 36,6%. Nhiều lái xe công nghệ có trình độ đại học và trên đại học.
Trước thực tế trên, bà Lê Thu Huyền cho biết, với trình độ cao như vậy, thị trường lao động kì vọng nguồn nhân lực này tham gia vào việc làm có năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều giá trị hơn so với xã hội. Trong vai trò tham gia vào thị trường lao động là lái xe hay giao hàng công nghệ ở trình độ đó có thể xem là sự lãng phí với xã hội, gia đình.
Với nhóm lao động là tài xế, giao hàng công nghệ, cơ quan quản lý cho rằng thực tế đang thiếu công cụ thống kê nên công tác quản lý nhóm đối tượng này khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ quan nghiên cứu chỉ ra, giữa quan hệ lao động này tồn tại 3 bên là người lao động, hãng công nghệ và khách hàng. Cho nên, khi có phát sinh vấn đề trong lao động sẽ dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Như vậy, vô hình chung họ sẽ thiệt thòi, yếu thế nhất.
“Doanh nghiệp coi người lao động là đối tác. Tuy nhiên trong thực tế các doanh nghiệp công nghệ điều hành, quản lý, quyết định mọi vấn đề về việc làm của người lao động. Nên họ là đối tượng nhiều thiệt thòi” – báo cáo nghiên cứu nêu.