Thu nhập người dân Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu cả nước, TP.HCM xếp thứ 5
Người dân tắm tại bãi biển Vũng Tàu – Ảnh: P.L.
Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, công bố ngày 31-3.
Trên cơ sở thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của các địa phương, Tổng cục Thống kê tính toán, quy đổi chỉ số thu nhập bình quân đầu người theo USD – PPP (tính theo sức mua tương đương) của người dân các địa phương giai đoạn 2016 – 2020.
Kết quả tính toán cho thấy GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của tất cả các địa phương đều tăng so với năm 2016.
GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của một số địa phương đã tăng ở mức cao, gấp trên 1,5 lần so với năm 2016. Trong đó, TP Hải Phòng gấp 1,74 lần; Ninh Thuận gấp 1,7 lần; Thanh Hóa gấp 1,66 lần; Quảng Ninh gấp 1,61 lần; Lào Cai gấp 1,57 lần.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, 5 tỉnh, thành đang có thu nhập bình quân thuộc nhóm cao nhất cả nước tính theo sức mua tương đương, gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Bắc Ninh.
Cụ thể, chỉ số thu nhập GNI (tính theo chỉ số thu nhập quốc dân) bình quân của người dân tính theo sức mua tương đương của 5 địa phương này trong năm 2020 được ghi nhận như sau: Bà Rịa – Vũng Tàu 34.580 USD, Bình Dương 20.010 USD, Quảng Ninh 21.500 USD, Bắc Ninh 19.460 USD, TP.HCM 18.920 USD.
Trong khi, chỉ số thu nhập GNI bình quân của người dân 5 địa phương thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng của cả nước rất thấp: Bắc Kạn 5.500 USD, Yên Bái 5.460 USD, Cao Bằng 4.770 USD, Điện Biên 4.400 USD, Hà Giang 3.940 USD.
Thu nhập bình quân của người dân các địa phương đang có sự chênh lệch lớn giữa nhóm địa phương dẫn đầu với nhóm địa phương nhóm cuối bảng xếp hạng.
Cụ thể, mức thu nhập trung bình của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2016 gấp 1,54 lần người dân Lai Châu, tương tự các năm tiếp theo 2017 gấp 1,49 lần, năm 2018 gấp 1,51 lần, năm 2019 gấp 1,52 lần, và năm 2020 gấp 1,45 lần.
Giải thích về chỉ số thu nhập GNI của Vũng Tàu tại sao cao nhất, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thu nhập tính theo GNI bao gồm tất cả giá trị gia tăng của doanh nghiệp khai thác dầu khí, các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Vì chưa loại trừ lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài mang về nước nên chia bình quân đầu người dân thì GNI của Vũng Tàu tăng vọt.
Chỉ số thu nhập của người dân các địa phương được Tổng cục Thống kê tính toán từ chỉ số GNI theo sức mua tương đương bình quân đầu người.
Theo đó, chỉ số thu nhập GNI bình quân đầu người cả nước năm 2016 khoảng 6.211 USD, năm 2017 là 6.634 USD, năm 2018 là 7.279 USD; năm 2019 là 7.842 USD và năm 2020 đạt 8.132 USD.
Mặc dù tăng trưởng cao nhưng chỉ số thu nhập theo GNI bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam mới bằng 30% mức bình quân chung của khu vực Đông Nam Á, tương tự năm 2018 bằng 33,3%, năm 2019 bằng 34,9%.
Trong những năm 2016 – 2020, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Timor Leste, Campuchia.
Chỉ số phát triển con người HDI giai đoạn 2016-2020, được Tổng cục Thống kê tính toán, công bố dựa trên 3 chỉ số cơ bản: chỉ số sức khỏe, chỉ số giáo dục, chỉ số thu nhập trung bình của người dân các địa phương.
Theo đó, 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số phát triển con người cả nước trong những năm qua lần lượt là Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, hơn cả TP.HCM và Hà Nội