Thư pháp ngày xuân – giữ nét đẹp ngàn xưa của người Việt ở Úc

Đi chơi ở các hội chợ Tết của người Việt tại Úc, nhiều khi bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một nghệ nhân thư pháp mặc áo dài truyền thống, tay cầm bút lông, ngồi viết những nét chữ phóng khoáng, bay bổng giữa sự tò mò và thích thú của khách du xuân.

Ghé thăm

trang SBS Tết 2023

để xem thêm nhiều câu chuyện hơn bằng

tiếng Việt

hay

tiếng Anh

.

Tục xin chữ ngày Tết ở Việt Nam đã có từ rất lâu.

Theo sách

Gia Định Thành Thông Chí

(1820) của tác giả Trịnh Hoài Đức, vào mỗi cuối năm, các gia đình miền Nam thường “may sắm áo quần mới, quét dọn nhà cửa, dán treo câu liễn năm mới, đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên”.

Dưới bàn tay tài hoa của các ông đồ, những con chữ “rồng bay phượng múa” được viết bằng mực tàu trên giấy đỏ hoặc trắng, thể hiện nguyện ước của người xin chữ cho một năm mới vạn sự hanh thông, con cháu ăn học thành tài, cha mẹ sức khoẻ an khang, gia đạo ấm êm, hạnh phúc.

Trước đây, do ảnh hưởng của Nho giáo, người ta thường viết thư pháp bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đến thập niên 1930, nhà thơ Đông Hồ khởi xướng lối viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ, và cho đến nay thì nghệ thuật thư pháp đã phát triển thành nhiều hình thức đa dạng, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, trái cây, hay thậm chí là… hạt gạo!

Chị Bích Ngân (nghệ danh GM) sống tại Brisbane, Queensland, có 20 năm kinh nghiệm viết thư pháp, nói với SBS Việt ngữ rằng để theo đuổi bộ môn này cần độ tỉ mỉ và kiên trì, bởi vì “nó không hề đơn giản như mình nghĩ”.

Đối với chị, thư pháp không chỉ là một bộ môn nghệ thuật, mà còn là một triết lý cuộc sống, vì khi vừa viết thư pháp vừa nghiền ngẫm, thì tính cách của người viết cũng thay đổi rất nhiều, trở nên điềm đạm hơn.

thuphapviet-gm.jpg

Chị Bích Ngân (GM) viết thư pháp và chụp ảnh lưu niệm cùng người xin chữ.

Credit: Supplied

Chị kể rằng tại các hội chợ Tết nơi chị viết chữ, bên cạnh các chữ Phúc, Lộc, Thọ, nhiều người còn hỏi xin những câu châm ngôn cuộc sống như

“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng / Lùi một bước biển rộng trời cao”

, hoặc Thiền ngữ như

“Happiness is here and now”

(tạm dịch:

“Hạnh phúc bây giờ và ở đây”

) để về chưng, nhìn mỗi ngày và học theo đó. Và bên cạnh các câu đối, câu thơ tiếng Việt, thì người xin chữ đôi khi cũng yêu cầu chị viết thư pháp bằng tiếng Anh.

“Ở Úc thì người ta cũng có viết tiếng Anh, cũng có chứ không phải là không, nhưng mà số lượng không nhiều,” chị nói. “Giống như những người vợ lấy chồng Tây, hoặc những gia đình có con sinh ra ở đây thì con cái của họ không đọc được tiếng Việt hoặc hiểu được tiếng Việt, thì đa phần là họ chuộng tiếng Anh.”

kimnguyen-calligraphy.jpg

Chị Kim Nguyễn (Melbourne) bên cạnh những tác phẩm thư pháp của mình.

Credit: Supplied

Còn chị Kim Nguyễn, sống tại Melbourne, Victoria thì đã thích thư pháp từ rất lâu rồi, nhưng không có thời gian để luyện tập. Đến khi con cái trưởng thành, chị mới bắt đầu lên mạng tự tìm hiểu, tập viết thư pháp mỗi ngày cho đến khi viết được thì thôi. Với sự kiên trì của mình, cho đến nay chị đã có thể viết được các tác phẩm thư pháp rất đẹp, và thường xuyên trưng bày tại các hội chợ Tết của người Việt.

Chị kể rằng quầy thư pháp ở ngoài hội chợ chủ yếu thu hút sự chú ý của người trung niên. Thế nhưng điều đặc biệt là một số em nhỏ gốc Việt lớn lên tại Úc cũng biết đây là một môn nghệ thuật cổ truyền, và mua về để tặng cha mẹ.

“Mấy em nhỏ biết mấy cái này là của người Việt mình, của mấy người lớn thích. Cho nên mấy em lại đặt câu này câu kia,” chị nói. “Khi hỏi tại sao mà tụi con mua nhiều như vậy thì mấy em nói là, tại vì cho cha mẹ cái gì cha mẹ cũng ăn hết, hay là mua bánh chưng bánh tét thì ăn hết, mà cái này thì giữ lâu hơn.”

thuphapviet-gm2.jpg

Một số tác phẩm thư pháp của chị Bích Ngân (GM).

Credit: Supplied

Muốn viết thư pháp nhất thiết phải có mực Tàu, cọ, và giấy. Nếu viết theo kiểu truyền thống thì dùng nghiên mực rồi mài mực, còn hiện đại hơn thì có loại mực chế biến sẵn. Giấy viết thư pháp là loại giấy chuyên dụng, có độ dày và độ thấm hút nhanh, đa phần phải đặt mua từ Việt Nam.

Bên cạnh kỹ thuật thì tinh thần của người viết chữ cũng rất quan trọng. Chị Kim so sánh việc viết thư pháp giống như là ngồi thiền, “có thể ngồi một hai tiếng đồng hồ tịnh tâm để mà viết”.

“Khi đã đặt viết xuống rồi, tâm hồn thoải mái thì viết rất là đẹp. Nếu cũng một cái chữ đó mà lộn xộn, suy nghĩ, tâm xáo trộn, không bình yên thì viết không ra cái chữ,” chị nói. “Cho nên có nhiều khi một chữ như vậy chị viết hai ba lần, ba bốn lần mới xong, mà có khi chỉ viết một lần thôi thì đẹp.”

thuphapviet-kimnguyen.jpg

Một số tác phẩm thư pháp trên giấy và trên trái dưa hấu của chị Kim Nguyễn.

Credit: Supplied

Chị Bích Ngân cũng có quan điểm tương tự. Theo chị, khi ngắm nhìn một bức thư pháp, người ta không chỉ thưởng thức cái đẹp của từng con chữ, mà còn biết được tâm tư, tình cảm của người viết.

“Thông qua một bức thư pháp thì có thể biết được suy nghĩ của người viết, biết được nội tâm của người viết… và đặc biệt hơn là chiêm nghiệm được những ý nghĩa, những triết lý của cuộc sống qua từng câu chữ.”

Mặc dù tại Úc, rất hiếm để tìm được những nghệ nhân thư pháp Việt, lại thêm cuộc sống bận rộn nên ngày thường cũng ít ai quan tâm đến bộ môn này. Thế nhưng chị Ngân cho rằng thư pháp sẽ còn tiếp tục được duy trì và phát triển.

Mình nghĩ cái gì cũng vậy, về cái truyền thống, cái cổ xưa thì họ sẽ luôn luôn muốn tìm lại, tại vì mỗi ngày họ bận rộn với những cái hiện đại rồi thì sẽ có một lúc nào đó, người ta sẽ phải có thời gian và người ta sẽ phải muốn tìm lại những cái xa xưa.

Chị Bích Ngân, nghệ nhân thư pháp tại Brisbane, Queensland

Mong muốn duy trì nét văn hoá Việt Nam trên đất Úc cũng là động lực thôi thúc chị Kim Nguyễn tham gia viết chữ tại các hội chợ Tết hàng năm.

“Bây giờ mấy đứa không có viết chữ nữa đâu, thành ra chị nghĩ sau này cứ tiếp tục như vậy là người ta không có viết nữa, là bộ môn này sẽ phai nhạt hết,” chị nói. “Thành ra chị muốn giữ lại, cho nên những cái hội chợ là chị hay ra để triển lãm, coi ai có thích thì mình viết cho người ta.”

thuphapviet-latuandzung.jpg

Nhạc sĩ La Tuấn Dzũng cùng một tác phẩm thư pháp mừng xuân.

Credit: Supplied

Trong

một bài phỏng vấn

trước đây với SBS Việt ngữ, nhạc sĩ La Tuấn Dzũng, một người thường hay viết thư pháp tại các hội chợ Tết ở Sydney và Melbourne, cũng nói rằng ông muốn giữ gìn nét đẹp của văn hoá Việt Nam trên đất Úc.

“Mình muốn nhắc nhở cho người mình nhớ lại thời ngày xưa trước 75, là có những ông đồ ngồi ở dưới đất viết chữ, và mình có một cái rất vui là rất nhiều em bé, mấy em khoảng 5-10 tuổi bu quanh hết, mấy em xin viết cho mấy chữ trên giấy trắng thay vì mình viết giấy đỏ, thì viết tên mấy em đặng về mấy em dán trước phòng […] Đó là mình muốn phát triển, phát huy và gìn giữ văn hoá đẹp của dân tộc mình.”

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 

SBS Vietnamese Facebook

Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 

sbs.com.au/vietnamese

Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ 

iOS 

hay 

Android