Thừa Thiên Huế: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản

23/06/2021 | 10:51

10 năm triển khai thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế (Sở VHTT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành lập hồ sơ, kế hoạch từng di sản để nhận diện, giữ gìn, phát huy các giá trị và đề xuất biện pháp bảo vệ bền vững trong bối cảnh đương đại.

1. Lựa chọn 20 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu

Từ năm 2011, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm kê và lựa chọn 20 DSVHPVT tiêu biểu trình Bộ VHTTDL xem xét thỏa thuận để có cơ sở lập hồ sơ khoa học, đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 3 di sản đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT gồm: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (2019). Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở VHTT đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế thực hiện Dự án “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực Huế” nhằm tập hợp, lưu trữ một cách có hệ thống phục vụ chức  năng tra cứu và trong tương lai có thể mở rộng, nâng cấp thành diễn đàn để trao đổi, thảo thuận, nghiên cứu, cập nhật về văn hóa ẩm thực Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật chương trình biểu diễn của Nhã nhạc; mở rộng nghiên cứu về các lễ hội Cung đình của triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc; nghiên cứu tư liệu và công nghệ chế tác nhạc cụ truyền thống và các bộ nhạc cụ trong dàn Nhã nhạc.

Thừa Thiên Huế: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản - Ảnh 1.

Từ năm 2009 đến năm 2020, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án: “Sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế”. Sau hơn 10 năm thực hiện, dự án đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm, số hóa hơn 220 nghìn trang tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa hoc Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã phục chế nhiều sắc phong bị hư hỏng và sưu tầm những sắc phong gốc của các làng ở Thừa thiên Huế bị thất lạc để trao tặng lại cho các làng gìn giữ, thờ phụng.

Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tiến hành khảo sát, kiểm kê và báo cáo kết quả di sản kéo co truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gửi Bộ VHTTDL nhằm góp phần hoàn thành Hồ sơ đa quốc gia về “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”. Vào ngày 02/12/2015, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngoài ra, phối hợp với Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện công tác khảo sát, kiểm kê Bài Chòi truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi dân gian miền Trung Việt Nam”. Vào ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó, tiến hành thực hiện tổng kiểm kê lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay có khoảng 500 lễ hội được nhân dân tổ chức hàng năm, trong đó có 63 lễ 3 hội tiêu biểu, có sự ảnh hưởng rộng, bảo tồn các giá trị truyền thống đảm bảo hai yếu tố phần lễ và phần hội được địa phương thống nhất đưa vào Danh mục kiểm kê lễ hội. Các làng nghề truyền thống như dệt Dèng, đan lát, sửa chữa nhạc cụ… của các đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục và phát triển. Các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc và các lễ hội mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo vệ và phát huy. Các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm và văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số hiện nay đã và đang được người dân bảo vệ và phát huy thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực. Âm nhạc dân tộc thiểu ở của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu đã được đưa vào giảng dạy ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Học viện Âm nhạc Huế. Các lễ hội truyền thống thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như: Lễ hội A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, A Tan pa nuôn, mừng nhà mới …tổ chức đúng theo chu kì của từng lễ hội…

2. Tích cực xây dựng, triển khai Đề án bảo vệ DSVHPVT sau khi được đưa vào Danh mục DSVHPVTQG

Sau khi Ca Huế được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 – 2022 (theo Quyết định số 1867/QĐ-UBND ngày 19/8/2017 của UBND tỉnh). Đề án này đã được triển khai hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học được triển khai vào năm học 2019 – 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao; là phương thức có hiệu quả nhằm đưa Ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất đã sản sinh ra nghệ thuật Ca Huế, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản âm nhạc truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Qua triển khai Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học đã giới thiệu, truyền dạy Ca Huế cho hơn 70 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền và đưa Ca Huế đến với học sinh theo hình thức sinh hoạt CLB Ca Huế tại các trường THCS Nguyễn Tri Phương, trường THCS Thống Nhất và trường THCS Trần Cao Vân.

Về di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam: Sau khi chính thức được UNESCO công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2023 (theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 16/11/2018). Đề án nhằm nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Duy trì hoạt động các câu lạc bộ Bài Chòi hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố Huế; Xem xét thành lập mới các Câu lạc bộ Bài Chòi tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước, gắn với sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi với du lịch; Tổ chức trình diễn nghệ thuật Bài Chòi vào các chương trình Festival Huế, Festival làng truyền thống Huế và ngày lễ tết để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước; Hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Trong năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền tổ chức tập huấn thực hành trình diễn Bài Chòi cho hơn 50 học viên. Các học viên được cán bộ quản lý văn hóa giới thiệu các văn bản quy định về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản Bài Chòi; giải pháp tiếp tục duy trì, phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ Bài Chòi trong thời gian tới. Đồng thời, những nghệ nhân đã truyền đạt các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm quân bài… để tạo cơ sở tiếp tục lan tỏa nghệ thuật Bài Chòi đến các thế hệ kế cận.

Thừa Thiên Huế: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản - Ảnh 2.

Sau đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 – năm 2019, Thừa Thiên Huế đã có 5 nghệ nhân Nhân dân và 15 nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực DSVHPVT. Việc ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân đã và đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị tinh hoa DSVHPVT chính là nguồn động viên, khích lệ tinh thần, có ý nghĩa rất lớn.

3. Nâng cao nhận thức kiểm kê DSVHPVT cho cộng đồng

Phát huy những kết quả đã đạt được trong suốt 10 năm qua, thời gian tới, Sở VHTT sẽ tiếp tục lồng ghép các nội dung về DSVHPVT vào các bài giảng trong nhà trường để góp phần giữ gìn, bảo vệ DSVHPVT vì một tương lai bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức kiểm kê DSVHPVT cho cộng đồng, nhằm nhận diện rõ ràng không chỉ về khối lượng, loại hình các DSVHPVT mà còn xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của DSVHPVT trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; Khơi dậy lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng, hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo vệ các loại hình DSVHPVT.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVTQG. Trong năm 2021, Sở VH&TT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê và xây dựng hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống”, “Ẩm thực Bún bò Huế” đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.