Thừa Thiên Huế: Những dấu ấn, thành tựu sau gần 50 giải phóng
Đồng chí Phan Ngọc Thọ khẳng định Thừa Thiên Huế sẽ luôn kiên trì, đồng bộ, quyết liệt để xây dựng Huế thành một xứ sở hạnh phúc, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn – Ảnh: VGP/Nhật Anh
Nhân dịp lễ kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về những dấu ấn, thành tựu phát triển sau gần 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.
Mục lục bài viết
Thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực
Sau ngày giải phóng, vượt lên những khó khăn, thách thức bởi sự tàn phá của chiến tranh, nền kinh tế yếu kém, thiên tai, dịch bệnh…, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nỗ lực, vươn lên, phát huy nội lực, biến những lợi thế, tiềm năng của mình để phát triển hài hòa trên cơ sở bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô.
Nhiều đổi thay rất đáng tự hào đang bao phủ trên quê hương Thừa Thiên Huế yên bình, hạnh phúc, cùng với những đặc trưng riêng ngày càng được khẳng định, hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa, lịch sử, con người Huế và bộ mặt đô thị, nông thôn Huế đang ngày càng khởi sắc, khang trang.
Bức tranh kinh tế – xã hội đổi thay rõ nét và có tính lịch sử. Nền kinh tế từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch.
Từ một trong những địa phương khó khăn nhất nước, Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị – xã hội, khôi phục nền kinh tế, cải tạo lành mạnh xã hội, chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… GRDP của tỉnh có sự tăng trưởng tích cực qua từng giai đoạn, thời kỳ, luôn ở mức cao so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực miền Trung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 6,5%/năm, đặc biệt, trong năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; 14/14 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch. Giai đoạn 2015 – 2020, tổng vốn đầu tư tăng bình quân 11%/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 8%, năm 2022 đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 12%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 đạt trên 2.400 USD.
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Công nghiệp – xây dựng phát triển mạnh. Huế đang là địa phương hấp dẫn đầu tư, thu hút các tập đoàn hàng đầu có thương hiệu.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển khởi sắc, toàn diện. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, đến nay, toàn tỉnh có 61/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỉ lệ 65%). Thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền là 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,56%; hằng năm tạo việc làm mới cho gần 17.000 lao động. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân của cả nước. Khoảng cách đô thị, nông thôn và đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, đầm phá ngày càng tiến bộ, cải thiện, phát triển.
Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội luôn được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Hình ảnh, vị thế của Thừa Thiên Huế ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỉnh đã có quan hệ hợp tác, hữu nghị, kết nghĩa với 45 quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị qua các nhiệm kỳ luôn được tập trung, chú trọng. Tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị các cấp ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo ngày càng được củng cố, nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Đô thị Huế ngày nay
Diện mạo vùng đất Cố đô đổi thay rõ nét
Có thể khẳng định, ngày nay Thừa Thiên Huế đã vươn lên trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, hạ tầng kinh tế – xã hội không ngừng được cải thiện, nâng cấp, góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương.
Đặc biệt, đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển. Hạ tầng cảng hàng không quốc tế Phú Bài, hệ thống cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá… được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả. Nhiều khu du lịch mới đẳng cấp quốc tế đã đi vào hoạt động. Các loại hình du lịch văn hoá, sinh thái, cộng đồng, du lịch tâm linh được hình thành, phát triển, thu hút mạnh mẽ du khách đến Huế.
Thành phố Huế ngày càng đẹp, sang trọng và hấp dẫn hơn với các công trình, dự án chỉnh trang đô thị, nhất là công viên dọc hai bờ sông Hương, hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh được cải tạo, nâng cấp.
Nhiều công trình, đề án quan trọng được quyết liệt triển khai và mang lại ý nghĩa, kết quả vô cùng quan trọng như Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp thuộc khu đô thị mới An Vân Dương được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị. Đến nay, tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 56%.
Các khu vực đô thị phát triển nhanh, từ năm 2001 – 2020, đã thành lập nhiều thị trấn, lập 2 thị xã Hương Trà, Hương Thủy. Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thành Đề án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, theo định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu
Văn hóa – xã hội ngày càng phát triển toàn diện với sự hình thành và khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa – du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của cả nước.
Những di sản văn hóa đặc trưng vô giá tại tỉnh Thừa Thiên Huế dù đã trải qua năm tháng, phải chịu đựng sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu tác động của việc đô thị hóa sau khi đất nước mở cửa, vẫn cơ bản được bảo tồn, giữ gìn khá nguyên vẹn. Hơn 200 công trình, hạng mục đã được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Di sản Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển và có sự hồi sinh mạnh mẽ.
Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế trong quá trình hội nhập. Nhiều phong trào, cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, mang lại kết quả thiết thực, ý nghĩa, trở thành những hoạt động thường xuyên, được cả hệ thống chính trị hưởng ứng và nhân dân đồng thuận như hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng, ngày Chủ nhật xanh…
Huế đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách
Ngày nay, Huế nổi tiếng và hấp dẫn với 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại; hệ thống nhà rường, nhà vườn, phố cổ đang dần được bảo tồn, phát huy. Thành phố Huế sở hữu nhiều danh hiệu, thương hiệu giá trị: Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố xanh quốc gia; thành phố bền vững về môi trường ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam.
Có thể nói, văn hóa Huế, con người Huế đang trở thành nguồn lực quan trọng để đưa Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Huế đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách… Vị thế văn hóa Huế trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng được nâng cao.
Y tế Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ với sự hình thành, phát triển trung tâm y tế chuyên sâu có trụ cột, hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân khu vực miền Trung và cả nước, đáp ứng với tình hình khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra, vừa đóng góp vào những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học của nước nhà.
Là vùng đất hiếu học, Thừa Thiên Huế đã khẳng định vai trò, vị thế trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của khu vực và cả nước với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành tại địa phương.
Đại học Huế không ngừng phát triển cả về quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo; đến nay, với 8 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu, 5 đơn vị đào tạo và các đơn vị trực thuộc. Đại học Huế, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã trở thành một phần tinh hoa của văn hoá Huế, là niềm tự hào của người dân xứ Huế.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đặc biệt, liên tục trong 2 năm 2020, 2021, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế đều giữ vững ở vị trí thứ 2 toàn quốc…
Có thể thấy, chặng đường gần 50 năm qua là cả một quá trình đổi thay sâu sắc, khẳng định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chính quyền và sức mạnh to lớn của nhân dân Thừa Thiên Huế, góp phần tạo thế và lực mới cho tỉnh trên con đường phát triển và hội nhập, xây dựng thành trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Trong hành trình đó, Thừa Thiên Huế sẽ luôn kiên trì, đồng bộ, quyết liệt để xây dựng Huế thành một xứ sở hạnh phúc, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn.
* Tiêu đề do Báo điện tử Chính phủ đặt