Thừa Thiên Huế hoàn thành tu bổ, bảo tồn nhiều di tích

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tăng cường hợp tác với UNESCO, các nước Nhật Bản, Pháp, Ðức, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện nhiều dự án trùng tu, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trong công tác bảo tồn di sản. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn di tích, công tác nghiên cứu phát hiện những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn cũng đạt được kết quả quan trọng.

Hiện nay, Huế có bốn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Ðồng thời, Huế cũng cùng sở hữu hai Di sản văn hóa phi vật thể thế giới là Nghệ thuật bài chòi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Nghệ thuật ca Huế đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn di sản đã tác động tích cực đến phát triển du lịch. Năm 2019, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, dự kiến sẽ đón khoảng 4,8 triệu lượt khách vào cuối năm, vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu từ ngành du lịch của địa phương trong năm nay ước đạt 4.800 tỷ đồng.

* Đắk Nông tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

★ Tỉnh Ðắk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trong bối cảnh số học sinh tăng đều đặn từng năm và nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng. Năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có gần 170 nghìn học sinh, trong đó có hơn 25% là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, tổng số học sinh của tỉnh đều tăng mạnh, nhất là các cấp mầm non, tiểu học.

Toàn tỉnh hiện có gần 11.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Gần đây, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã tiến hành sắp xếp, tái cơ cấu ngành giáo dục theo hướng tinh giản đội ngũ cán bộ quản lý, biên chế không trực tiếp giảng dạy, đứng lớp để tăng cường đội ngũ giáo viên. Ðắk Nông đang tiếp tục thực hiện việc điều chuyển, sắp xếp để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Nhìn chung, đội ngũ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục Ðắk Nông trong năm học 2019 – 2020 cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy và học. Ðồng thời, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách ưu đãi để khắc phục phần nào các khó khăn cho giáo viên công tác tại vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới đi lại khó khăn. Những chính sách, chương trình này đã động viên kịp thời, giúp các thầy, cô giáo yên tâm gắn bó với nghề.

Tỉnh Ðắk Nông đang thực hiện một số đề án để nâng cao chất lượng học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non… đáp ứng kịp thời hơn việc gia tăng dân số cũng như nhu cầu của xã hội hiện đại. Mỗi năm, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Ðắk Nông huy động, phân bổ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, mở rộng, sửa chữa hệ thống trường lớp và các công trình liên quan, trong đó năm học 2019 – 2020 là gần 250 tỷ đồng. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ học tập hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, hệ thống các công trình phụ trợ của trường lớp học như nhà vệ sinh, công trình nước sạch… vẫn chưa bảo đảm, Ðắk Nông đang cần một đề án tổng thể để đầu tư xây mới hoặc sửa chữa.

Xổ số miền Bắc