Thuần hóa anh đào Nhật nở đúng Tết
Hải PhòngThất bại ngay lần đầu đưa anh đào Nhật Bản về trồng trên đất phèn, ông Thái bán hai căn nhà lấy 10 tỷ đồng, quyết định làm lại.
“Mơ ước của tôi là tạo một công viên hoa anh đào trên chính mảnh đất phèn chua đầy nắng gió của thành phố cảng”, ông Lê Đức Thái, 58 tuổi, kể về “lần liều lĩnh” 7 năm trước của mình.
Ông kể, năm 2015, khi một người bạn đưa lên thăm trang trại ở hồ Pá Khoang, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên, ông đã rất bất ngờ khi thấy hàng trăm gốc anh đào đang khoe sắc, rực hồng một góc trời.
Ấn tượng với loại cây được cho là biểu trưng của Nhật Bản, ông Thái đặt vấn đề với ông Trần Lệ, người đầu tiên trồng và nhân giống thành công hoa anh đào tại Việt Nam, đem cây về huyện An Dương, Hải Phòng trồng thử.
“Thử nghiệm trồng hoa anh đào tại các tỉnh ven biển và Đông Bắc Bộ là ý tưởng tôi ấp ủ từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện vì loại cây này vốn chỉ ưa khí hậu ôn đới, rất khó trồng, nhất là khu vực hay ngập úng, tỉ lệ đất phèn chua cao”, ông Lệ nhớ lại.
Ông Thái kiểm tra chất lượng hoa anh đào nở sớm tại trang trại ở huyện An Dương, sáng 23/12. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Về quê, ông Thái dốc vốn cải tạo trang trại rộng 2 ha bên bờ sông Rế, từng là đầm trũng nuôi tôm, cá. Ông thuê máy về đào đất, thau chua rửa mặn rồi mua hàng nghìn khối đất màu ở các nơi đổ vào thay cho đất khu vực bị phèn nặng; cuối cùng mới tạo các luống cao 50-60 cm, cùng hệ thống thoát nước để cây trồng không bị ngập úng.
Giữa năm 2016, ông lên Điện Biên nhận 900 cây giống, loại cao 1-2 m, khoảng hai năm tuổi, về trồng. Thời gian đầu cây phát triển khỏe mạnh, một số gốc bắt đầu ra lộc non khiến người nông dân tay ngang mừng thầm. “Khi ấy tôi nghĩ đã thành công, đợi vài năm có thể thu hồi vốn. Thậm chí còn cho rằng thuần hóa loại cây xứ lạnh không khó, miễn là cải tạo đất tốt”, ông Thái nói.
Nhưng các trận mưa lớn, nhất là lúc triều cường 6 tháng cuối năm đó nhanh chóng cuốn trôi những mộng tưởng của người nông dân “tay mơ”. Nhiều lần nước rút chậm sau mưa khiến toàn bộ trang trại ngập trong biển nước, nhiều cây héo lá, chết dần.
Đến bây giờ ông vẫn nhớ những đêm mưa lớn ngủ trong lán dựng tạm ở trang trại, chốc chốc lại soi đèn kiểm tra tình trạng vườn. Hễ thấy nước ngấp nghé gốc, hai vợ chồng lại đội mưa tát nước suốt đêm. Nhưng tát cạn chỗ này lại ngập chỗ khác, khiến sau nửa năm, hơn 600 gốc anh đào úng nước mà chết, thiệt hại ước tính vài tỷ đồng.
“Thất bại ngay lần đầu khiến một người nhiều năm lăn lộn trên thương trường như tôi cũng phải gục đầu vào cây mà khóc”, ông kể.
Thấy ông Thái tiêu tốn tiền của, công sức để thuần hóa giống cây lạ nhưng không thành, bạn bè ra sức ngăn cản, khuyên dừng lại để “cắt lỗ”. Nhưng ông lẳng lặng rao bán hai căn nhà lấy hơn 10 tỷ đồng thêm vốn đầu tư, quyết không từ bỏ. May mắn là quyết định của ông được vợ con ủng hộ. “Ngày ấy tôi chỉ ra vườn ngoài giờ hành chính, còn bà xã ở đó cả ngày. Sự hỗ trợ hết lòng của vợ là động lực khiến tôi không từ bỏ”, ông tâm sự.
Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, ông nhận ra đặc tính của cây anh đào trồng ở vùng biển cần cung cấp đủ nước nhưng không để ngập úng. Những gốc anh đào bắt đầu phát triển mạnh. Ông Thái mở rộng trang trại, nhập thêm cây giống, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật nhân giống từ hạt, số lượng lên đến vài nghìn cây.
Những cây anh đào tại trang trại của ông Thái ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm 2018, những lứa cây đầu tiên bắt đầu đâm nụ. Ông kể, những ngày đó vô cùng hồi hộp. Ông muốn tận mắt chiêm ngưỡng những bông hoa đầu tiên nở tại trang trại nên cứ vài tiếng lại ra vườn kiểm tra. Khi thấy bông hoa đầu bung cánh, người đàn ông 58 tuổi hét lớn. “Suốt bốn năm ăn ngủ cùng cây, tôi mới hiểu cảm giác được khóc, cười ngay trên ruộng”, ông kể mà giọng vẫn nghèn nghẹn vì xúc động.
Đồng hành và hỗ trợ ông Thái suốt 7 năm qua, ông Trần Lệ nói rằng thử nghiệm gieo trồng tại Hải Phòng bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện An Dương và các vùng đất khác ở thành phố cảng phù hợp để loại cây này phát triển, trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Tin ông Thái thuần phục được hoa anh đào trên đất Hải Phòng, nhiều cơ quan, công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình… tìm đến mua cây giống tặng đối tác hoặc trồng trong các khu đô thị, khu công nghiệp. Đến nay trang trại của ông Thái đã xuất hơn 4.000 cây, giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào tuổi cây.
Ngoài cung cấp giống cây, từ năm 2019, vợ chồng ông Thái liên tục đón nhiều đoàn khách quốc tế, đồng thời mở cửa miễn phí cho khách tham quan, chụp ảnh mỗi đợt hoa nở chính vụ. Ông nói, thay vì chi cả trăm triệu đồng để sang Nhật Bản ngắm hoa, người dân có thể trải nghiệm ngay tại vườn.
Cây anh đào được khách mua vào Tết Nguyên đán 2022. Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Xuân Đại, phó chủ tịch thị trấn An Dương, cho biết ông Lê Đức Thái là người đầu tiên trồng và nhân giống thành công cây hoa anh đào, sau có vài hộ cũng học tập, trồng theo. “Nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo ông Thái đã tạo những sự khởi sắc bước đầu cho việc đem giống cây ngoại nhập về thành phố. Tuy nhiên đây là giống cây mới, giá thành cao nên vẫn kén người chơi”, ông Đại nói.
Thành công mang loại cây ở xứ ôn đới về trồng ở miền biển, từng bán nhà và nhiều tài sản có giá trị để đầu tư, ông Thái nói lợi nhuận từ cây chưa nhiều nhưng cũng đã thu hồi vốn và có tiền tái sản xuất. Mơ ước của ông là có thể nhân rộng mô hình, tạo ra các công viên hoa anh đào ở nhiều thành phố trên dải đất hình chữ S.
“Tôi tin rằng trong tương lai điều ước này sẽ sớm thành hiện thực”, ông tâm sự.
Quỳnh Nguyễn