Thúc đẩy văn hóa kinh doanh, tạo “trụ đỡ” cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
Nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ”, “lực đẩy” quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn để phục hồi, các ý kiến cho rằng, DN cần phải coi trọng yếu tố văn hóa và có trách nhiệm hơn với xã hội, với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trao Bằng khen cho các doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa DN Việt Nam”
năm 2022. Ảnh: Trần Huấn
Khẳng định vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa DN trong phát triển kinh tế đất nước; nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cộng đồng DN được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các DN nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của DN, văn hóa là nhân tố nền tảng.
“Rất nhiều DN Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa DN trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ” – Bộ trưởng đánh giá.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, văn hóa kinh doanh được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để DN xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
“Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của DN. DN có thể bị sao chép sản phẩm, song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần và đây là yếu tố sáng tạo, còn mãi của DN” – bà Hà Thu Thanh nói và nhấn mạnh rằng, không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc.
Thực tế hơn 2 năm qua đã chứng minh, văn hóa kinh doanh đóng vai trò quan trọng giúp DN đứng vững trước những biến động, các “cú sốc” của thị trường, nhất là biến cố đại dịch Covid-19. Văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội là yếu tố giúp gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh của DN, bên cạnh nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao chứng nhận “DN đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 DN. Đây là các DN đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam xây dựng.
Doanh nghiệp cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh, với xã hội
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam Lê Viết Hải, trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đại dịch, đang đẩy mạnh phục hồi với nhiều cơ hội mới được mở ra, các doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng văn hóa DN Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, DN Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam đưa ra lưu ý.
Ông Hải cũng đề nghị, khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu luôn cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế; đồng thời có trách nhiệm, ý thức chung tay vì sự phát triển của nhân loại.
“Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của DN Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới do Liên Hợp Quốc khởi xướng” – ông Hải nhấn mạnh.
Là một DN chuyên về mảng giao thông, tham gia nhiều công trình lớn của đất nước, ông Ngọ Trường Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, DN luôn mang theo hành trang của mình khát vọng vươn lên, mong muốn đóng góp điều lớn lao cho xã hội, khẳng định niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Để làm được điều đó, yếu tố văn hóa DN rất quan trọng. “Văn hóa DN cần được thổi vào từng cán bộ, nhân viên và lan tỏa tạo sự phát triển cho Tập đoàn” – ông Nam nói và cho biết thêm rằng, trong xây dựng văn hóa DN, tập đoàn luôn quan tâm đến đội ngũ người lao động, bởi đây chính là nhân tố cốt lõi, quyết định sự thành công của DN.
Trước những biến động, bất định của xu thế chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ khắp toàn cầu, đại diện đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, Petrovietnam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới hầu hết các mặt công tác… Do đó, đòi hỏi mỗi thành viên Petrovietnam càng phải nỗ lực nhiều hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn nữa trong từng hành động nhỏ nhất của mình, tiếp tục phấn đấu không ngừng; tiếp tục tái tạo văn hóa Petrovietnam đậm đà bản sắc Dầu khí với các giá trị cốt lõi đã được xây dựng.
Khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, xây dựng văn hóa DN, các DN cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm những chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích DN làm tốt hơn nữa việc xây dựng văn hóa DN; tiếp tục đặt niềm tin để DN yên tâm cống hiến…
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ với khó khăn của DN và nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng những DN lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trong nước mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. “Mỗi DN cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam” – Bộ trưởng nhắn nhủ.