Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản hướng dẫn của trung ương. Trong những năm qua, công tác thực hiện các chính sách pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã triển khai tích cực và kịp thời bằng việc ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều hoạt động vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh như: nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa của đồng bào, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy di sản cũng như giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa. Theo đó, đã thực hiện các nội dung:
Về phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, theo thống kê năm 2017 trên địa bàn tỉnh hiện có 1.916 bộ cồng chiêng. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, từ năm 2017-2019, Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum“, đã hỗ trợ cho các địa phương 15 bộ cồng chiêng các loại, ngoài ra, thực hiện Đề án hỗ trợ dân tộc thiểu số rất ít người BRâu và Rơ Măm, đã hỗ trợ 6 bộ cồng chiêng theo truyền thống của 2 dân tộc này. Một số huyện, thành phố cũng đã chủ động hỗ trợ bộ cồng chiêng cho các thôn, làng. Qua đó, y thức tự giác trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các DTTS được củng cố và phát huy. Hằng năm, tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương, một số tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn, kỷ niệm tại địa phương và chủ động tổ chức truyền dạy cho các thế hệ về diễn tấu cồng chiêng, xoang…Các bộ cồng chiêng, các vật dụng có giá trị văn hóa của các hộ gia đình, cộng đồng hiện có tại địa phương được bảo quản, giữ gìn và sử dụng hiệu quả. Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân tại cộng đồng có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đội cồng chiêng xoang nhí do nghệ nhân A Thu (Thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm- Đăk Tô thành lập và truyền dạy. Ảnh: MT – Báo Kon Tum online
Tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch” với quy mô cấp tỉnh định kỳ 2 năm một lần, thời gian từ 5 – 6 ngày, với các hoạt động chính: trình diễn âm nhạc cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống; liên hoan văn hóa ẩm thực; Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian; trải nghiệm các trò chơi dân gian….
Việc xây dựng nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, từ năm 2014 đến nay, đã hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo, xây dựng 446 nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Về thực hiện “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, từ 2018 đến nay đã xây dựng phòng trưng bày và tổ chức sưu tầm sản phẩm nghề truyền thống với việc đặt hàng của các nghệ nhân đang sản xuất nghề để trưng bày quảng bá sản phẩm 06 dân tộc tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Hrê. Gié – Triêng, Brâu, Rơ Măm với sản phẩm của 9 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, nghề gốm, chế tác nhạc cụ âm nhạc, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm rượu cần, nghề rèn, chế tác nhạc cụ âm nhạc; Hỗ trợ khẩn cấp nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Mâm có nguy cơ bị thất tuyền. Hỗ trợ 360 bộ khung dệt cho các nghệ nhân đang biết làm nghề dệt để bổ sung, thay thế các bộ khung đã mất, hư hỏng hoặc để truyền dạy nghề cho con cháu trong gia đình, cộng đồng.
Các học viên dân tộc Rơ Mâm học nghề dệt thổ cẩm do Ban Dân tộc mở tại làng Le, xã Mô Rai – Sa Thầy
Tổ chức triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS, bước đầu rà soát được 139 lễ hội của đồng bào các DTTS. Ngoài ra, còn nhiều lễ hội của nhiều nhóm tộc người chưa đươc triển khai kiểm kê một cách đầy đủ như người Ha Lăng (Xơ Đăng) và dân tộc Hrê. Có 32 lễ hội được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng trong những năm qua, trong đó có các ấn phẩm sách về lễ hội được xuất bản như: Lễ cưới của người Brâu, lễ mừng lúa mới của người Rơ Măm ở Kon Tum, Lễ bỏ mả của người Rơ Măm ở Kon Tum, Nghề dệt truyền thống của người Tơ Đrá, Ngữ văn dân gian của dân tộc Bana, nghề đan lát của dân tộc Xơ Đăng
Để tôn vinh các nghệ nhân dân gian, trong thời gian qua, Chủ tịch nước đã phong tặng 74 Nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, còn rất nhiều nghệ nhân tiêu biểu, am hiểu và nắm giữa những loại hình khác nhau của di sản văn hóa phi vật thể và không ngừng công hiến trong công tác bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ, dân tộc Triêng (Gié – Triêng) Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục – huyện Ngọc Hồi đang truyền dạy cho thế hệ trẻ cách chế tác các nhạc cụ truyền thống.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum kết hợp với việc xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển du lịch…đã đưa vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn liền với phát triển du lịch của tỉnh và đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng DTTS, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư tuy nhiên vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhiều loại hình di sản tiêu biểu đang có nguy cơ mai một nhanh chóng như: luật tục, kiên trúc dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống, văn học dân gian…. Các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian một số nơi có biểu hiện biến đổi nhanh chóng, nhiều giá trị nhân văn, mỹ thuật dân gian, trò diễn giàu giá trị tiêu biểu không được bảo tồn và phát huy. Nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa tiêu biểu do chính cộng đồng mình sáng tạo nên còn có những hạn chế nhất định. Nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng, và quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu.
Để tiếp tục thực hiện các chính sách thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hiệu quả, đề xuất các giải pháp sau
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố, nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS.
Cần có những quy định cụ thể về công tác phối hợp và tổ chức thực hiện giữa các Bộ, ngành liên quan cũng như các Sở ngành cấp tỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS.
Tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS; qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Trần Thị Diệu Hằng