Thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước: Nhiều chuyển biến tích cực

Những năm qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, góp phần hạn chế và ngăn ngừa các nguy cơ làm lộ, lọt BMNN ở các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ Công an TP Uông Bí kiểm tra hệ thống máy tính của cán bộ, đảng viên.

Cán bộ Công an TP Uông Bí kiểm tra hệ thống máy tính của cán bộ, đảng viên.

Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, bởi đường biên giới dài, cả trên biển và đất liền, được coi là “phên giậu” vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Quảng Ninh cũng là trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp lớn, cửa ngõ giao thương chiến lược mang tầm quốc tế khu vực phía Bắc; là nơi có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng… Do đó, trên thực tế vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ để lộ, mất thông tin, tài liệu thuộc BMNN trong các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 

Thực hiện Nghị định số 26/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước” (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND, đi kèm với đó là Quy chế bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh.

Quy chế hướng dẫn và quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; quy định chi tiết việc xác định BMNN và độ mật của BMNN; việc sao chép, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứa BMNN; cung cấp, chuyển giao BMNN; điều chỉnh độ mật, giải mật; phân công nhiệm vụ bảo vệ BMNN; chế độ thông tin, báo cáo. Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong tổ chức công tác bảo vệ BMNN.

Tỉnh đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN từ tỉnh đến các địa phương; trong đó lực lượng công an đóng vai trò thường trực. Hằng năm, các ban chỉ đạo tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn, nhằm đánh giá đúng tình hình, thực trạng, chất lượng, hiệu quả việc thực hiện bảo vệ BMNN, rà soát các nguy cơ gây lộ, mất BMNN.

Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN làm việc tại huyện Tiên Yên.
Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN làm việc tại huyện Tiên Yên.

Từ ngày 29/8-27/9/2022, Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 14 cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở cấp huyện: Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN huyện Vân Đồn do Công an huyện làm trưởng đoàn, đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng từ năm 2021 đến nay tại 17 phòng, ban, cơ quan, đơn vị, địa phương; TP Uông Bí kiểm tra 21 đơn vị…

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản quy định về công tác bảo vệ BMNN, nội quy bảo vệ BMNN của các cơ quan, đơn vị; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục bảo vệ BMNN theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể; việc ban hành các văn bản để thực hiện công tác bảo vệ BMNN; việc tổ chức thực hiện các nội dung công tác bảo vệ BMNN.

Kết quả kiểm tra trên toàn tỉnh cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ BMNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các đơn vị, địa phương đã ban hành nội quy bảo vệ BMNN; phân công cán bộ, công chức phụ trách công tác bảo vệ BMNN theo quy định. Tài liệu có chứa nội dung BMNN đã được lãnh đạo các đơn vị quan tâm xử lý theo quy trình, chuyển giao và lưu trữ theo đúng quy định.

Thượng tá Mai Thế Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh, khẳng định: Qua công tác kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ BMNN đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt là những cán bộ, đảng viên làm việc tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật, có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với BMNN, với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đồng thời kiến nghị, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác này.