Thực hiện giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – ACC GROUP
Trong cuộc sống hằng ngày chắc hẳn chúng ta thường thấy những di tích cổ hay những phong tục tập quán riêng, những địa điểm du lịch nổi tiếng được bảo tồn,… tất cả đều là những di sản văn hóa quan trọng. Đây là tài sản quý giá với từng quốc gia, là một phần của di sản văn hóa nhân loại và đóng vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vậy Thực hiện giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như thế nào. Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Mục lục bài viết
1. Di sản văn hóa phi vật thể – tài sản vô giá của dân tộc
Văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng, luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Văn hóa không chỉ làm nên sự khác biệt, tính đặc thù của mỗi dân tộc mà qua đó làm cho đời sống nói chung thêm phong phú, đa dạng, giúp cho con người vun đắp lòng tự hào đối với bản sắc của dân tộc mình.
Những di sản văn hóa tồn tại đến hôm nay luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của một quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất hay con người địa phương, mà còn là tài sản của quốc gia; phản ánh một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất truyền thống văn hóa Việt Nam. Cùng với thời gian, các giá trị kết tinh trong di sản văn hóa như một dòng chảy âm thầm, lặng lẽ nhưng có khả năng to lớn, là cội nguồn, nền tảng tạo nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc hôm nay và mai sau.
Di sản văn hóa rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Bởi vậy, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong sự phát triển toàn diện đất nước, làm cho di sản văn hóa tiếp tục tỏa sáng trong giao lưu, hội nhập là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Quan niệm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Trong nghiên cứu, cũng như trong hoạt động thực tiễn, ta thường bắt gặp ba từ: bảo quản, bảo vệ và bảo tồn.
Bảo quản mang nghĩa sử dụng những biện pháp kỹ thuật để gìn giữ, chăm sóc đối tượng được nguyên vẹn, tồn tại lâu dài. Bảo vệ chứa đựng nội dung thực hành các hoạt động mang tính chất pháp lý hay nói cách khác là giữ không để cho bị xâm phạm. Bảo tồn mang nghĩa rộng hơn, là hoạt động giữ gìn một cách an toàn khỏi sự tổn hại, sự xuống cấp hoặc phá hoại, nói cách khác là bảo quản kết cấu một địa điểm ở hiện trạng và hãm sự xuống cấp của kết cấu đó. Như vậy, bảo tồn là tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết về lịch sử hình thành, ý nghĩa của di sản văn hóa nhằm bảo đảm sự an toàn, phát triển lâu dài cho di sản văn hóa và khi cần đến phải đảm bảo việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục và tôn tạo lại để khai thác khả năng phục vụ cho hoạt động tiến bộ của xã hội.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa có nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm các hoạt động: bảo tồn nguyên trạng, trùng tu, gia cố, tái định vị, phục hồi, tái tạo – làm lại, qui hoạch bảo tồn.
Vấn đề đặt ra là khi bảo tồn một di sản văn hóa cụ thể cần nghiên cứu, chọn lựa phương án thích hợp với từng địa phương, từng đặc thù riêng để đảm bảo rằng cái chúng ta đang trưng bày là xác thực chứ không phải đồ giả, là lịch sử chứ không phải tuyên truyền, là sự uyên bác chứ không phải định kiến, là thông tin chứ không phải sự kích động và là cảm hứng chứ không phải những lời sáo rỗng.
Phát huy được hiểu là những tác động làm cho cái hay, cái đẹp, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ cao đến thấp, từ đơn giản đến phức tạp. Có thể nói, phát huy chính là việc khai thác, sử dụng sản phẩm một cách có hiệu quả. Công việc này xuất phát từ nhu cầu thực tế, con người mong muốn sản phẩm của họ tạo ra phải được nhiều người cùng biết đến hoặc đem về những lợi ích kinh tế. Phát huy giá trị di sản văn hóa là một hoạt động có tính liên ngành, có tiêu chí chung, mục đích là phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là nhịp cầu nối với bạn bè năm châu. Cách thức phát huy của mỗi di sản, mỗi thời điểm có khác nhau, điều đó tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng, vào nhận thức của từng người. Nhưng tất thảy các hoạt động này đều phải dựa vào giá trị sẵn có của di sản, làm tôn vinh vẻ đẹp và phát triển các giá trị văn hóa đó.
Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Việt Nam rất nhiều loại hình di sản đã và đang được người dân gìn giữ và lưu truyền. Đó chính là đời sống tinh thần, tâm linh của mỗi người, từng cộng đồng, qua ngàn đời mà bồi đắp, đúc kết nên giá trị. Đó là những bài hát, chuyện kể dân gian, một nghi thức lễ hội, những trò chơi, hình thức diễn xướng, âm nhạc,… trở thành một thứ ký ức lưu giữ từ đời này sang đời khác. Yếu tố quan trọng nhất đối với sự tồn tại và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể thể hiện ở ảnh hưởng, vai trò và tác động của nó trong đời sống cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có giá trị khi nó được người dân tiếp nhận, nuôi dưỡng và trở thành một bộ phận không thể tách rời của bản lĩnh văn hóa và đời sống tinh thần của mỗi thành viên. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa thực sự có sự kiểm kê, nghiên cứu và đánh giá hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, chưa có những điều luật, chế tài bảo vệ phù hợp. Chính điều này đã đưa đến thực trạng nhiều di sản đang bị mai một, thất truyền, thậm chí ngôn ngữ dân tộc cũng đang có xu hướng bị pha tạp và coi nhẹ, đồng thời các nghệ nhân dân gian giữ bí quyết và truyền bá văn hóa dân tộc cũng chưa được đề cao và tạo điều kiện phát huy một cách đúng mức.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần dựa trên những nguyên tắc: tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép lại các dạng thức văn hóa, những kỹ năng, tri thức do nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật hay chế tác sản phẩm bằng việc ghi chép, ghi âm, ghi hình.
Công tác sưu tầm và ghi chép là cách thức quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Tại Trung Quốc, người ta đã tiến hành sưu tầm tất cả các hiện tượng ca, múa, nhạc, văn học dân gian… theo một quy trình khoa học, tỉ mỉ, chặt chẽ và nghiêm túc rồi xuất bản thành sách. Sau này, nếu cần, người ta có thể dựa vào những tư liệu đã có, căn cứ vào sách vở đã ghi chép để phục hồi lại. Tuy nhiên, bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ dưới hình thức các ấn phẩm, băng hình, băng tiếng, trưng bày ở bảo tàng, sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống, mà quan trọng hơn là lưu giữ trong môi trường sản sinh ra chúng. Nguyên tắc này còn gọi là bảo tồn sống, tức là bảo tồn ngay chính trong đời sống cộng đồng. Một loại hình di sản văn hóa phi vật thể được coi là thành công trong việc lưu giữ khi nó tồn tại sống động trong môi trường nơi nó sinh ra, tức là đưa di sản văn hóa trở lại với chủ thể văn hóa và tạo điều kiện tốt nhất để cho nó tồn tại.
Văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ của một số người mà chúng ta thường gọi là nghệ nhân. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng có nghĩa là bảo vệ người kế thừa di sản văn hóa – những nghệ nhân dân gian. Để bảo vệ những báu vật nhân văn sống, ngoài việc thừa nhận tài năng, nhà nước và cộng đồng cần tôn vinh, động viên, khuyến khích kịp thời và tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để họ có thể phát huy mọi khả năng trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Và quan trọng hơn là để họ có ý thức trao truyền những giá trị kết tinh trong di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ tương lai.
3. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể – những thách thức
Di sản văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Bởi vậy, điều quan trọng là làm cho người dân ý thức được rằng biện pháp huy động sức dân chỉ có hiệu quả trên một nền tảng ý thức về giữ gìn di sản văn hóa. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn một cách bền vững di sản văn hóa của chính họ. Họ có đủ năng lực và thẩm quyền để đánh giá các giá trị của di sản văn hóa, quyết định lựa chọn các hiện tượng văn hóa phi vật thể nào là cần thiết để bảo tồn.
Thời gian gần đây, các ý kiến bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa truyền thống được đề cập khá nhiều. Một số nhà khoa học và quản lý cho rằng cần bảo vệ tính nguyên gốc của di sản văn hóa, số khác lại cho rằng cần phải bảo tồn theo hướng phát triển. Nhiều ý kiến bàn về vai trò của cộng đồng, của chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Có ý kiến chống lại xu hướng sân khấu hóa di sản, yêu cầu bảo tồn di sản trong môi trường nguyên gốc của nó. Có một thực tế là di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng, sự tồn tại và đời sống của từng di sản là rất khác nhau, do vậy những nỗ lực để có một phương án duy nhất đúng trong việc bảo tồn di sản chỉ đem lại thất bại. Các di sản khác nhau sẽ phù hợp với những phương cách bảo tồn và phát triển khác nhau. Mặt khác, với mỗi di sản, cũng có thể có nhiều phương án bảo tồn đồng thời được áp dụng. Di sản thích nghi với càng nhiều hình thức sống, nhiều không gian khác nhau sẽ càng có sức sống mãnh liệt hơn trong bối cảnh ngày một biến đổi của xã hội đương đại. Chúng ta thường nhận thức rằng, dân chúng là những người sáng tạo, trao truyền và kế thừa mọi sáng tạo văn hóa phi vật thể, là chủ nhân chân chính của di sản quý giá này. Do đó, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân và phải gắn với lợi ích của họ. Cộng đồng, chủ thể văn hóa, là người đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể. Nói cách khác, việc của dân gian để dân gian làm là nguyên tắc cần thiết phải được tôn trọng. Cộng đồng được quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn. Thực tế là mọi hoạt động bảo tồn di sản văn hóa chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân, thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực của chủ thể văn hóa.
Tuy nhiên, do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và đặc biệt là bị tác động mạnh bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện. Do vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đặt ra còn muộn, chưa được như mong muốn, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng; công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn phiến diện, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống, nhiều nếp sống sinh hoạt văn hóa không còn phù hợp với đời sống hiện tại, các tệ nạn mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến; các loại hình ngữ văn dân gian, văn học nghệ thuật truyền thống chẳng hạn như: truyện cổ tích, thần tích, thần phả, sắc phong, ca dao, tục ngữ, văn học dân gian… đã được nghiên cứu, sưu tầm song chưa được tổng hợp, biên tập một cách khoa học và có hệ thống; trang phục, tiếng nói chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một… Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa, những đặc trưng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc sẽ bị hòa tan dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cùng sự du nhập của những nền văn hóa ngoại lai.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ở nhiều nơi còn nghèo nàn, khó khăn; sự xâm nhập của nền văn hóa bên ngoài từ nhiều luồng vào nền văn hóa dân tộc vốn đã yếu sức đề kháng; lứa tuổi thanh niên chưa ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc nên dễ tiếp thu văn hóa bên ngoài không chọn lọc, vọng ngoại, quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc; công tác quản lý còn bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu những giải pháp khả thi, chưa có được những mô hình, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả ở cơ sở; các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến nó thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu tổ chức; thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa, văn nghệ dân gian vào đời sống xã hội; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn ít ỏi và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa là người các dân tộc thiểu số ở địa phương…
Bên cạnh đó, trong thời gian dài, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, chưa chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu cho việc bảo tồn, phát huy nền văn hóa truyền thống. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các tầng lớp dân cư. Nguyên nhân quan trọng hơn cả là chiến lược đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống… vẫn còn là một khoảng cách nhất định giữa lý luận và thực tiễn.
Mỗi một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đều là sản phẩm của một môi trường nhất định, nếu tách ra khỏi môi trường cụ thể, di sản văn hóa sẽ mất cội nguồn và mất sức sống. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cần lấy bảo vệ chỉnh thể làm nguyên tắc, trong đó cần chú ý đến bảo vệ chỉnh thể đối với môi trường văn hóa sinh thái truyền thống. Nếu chúng ta làm thay đổi môi trường nhân văn theo ý muốn chủ quan hoặc đưa những người kế thừa ra khỏi nơi họ đang sinh sống, chắc chắn sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực đối với các nghệ nhân, những người truyền thừa di sản văn hóa phi vật thể.
4. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống
Xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường các biện pháp, ưu tiên kiểm kê, nghiên cứu và hệ thống hóa tư liệu,cần tổng kiểm kê toàn bộ các loại hình di sản văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó phân loại, xếp hạng các loại hình di sản văn hóa để xem loại hình di sản nào đã biến mất hoặc đang có nguy cơ bị mai một, loại hình nào đang tồn tại và tồn tại như thế nào. Mục đích của kiểm kê là để nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản, từ đó đề xuất khả năng bảo tồn và phát huy.
Tiếp tục sưu tầm di sản văn hóa. Trước đây, việc ghi chép tuy có những hạn chế nhất định nhưng đã giúp chúng ta lưu giữ được một khối lượng di sản văn hóa truyền thống rất đáng kể như: văn học dân gian, di sản thơ phú, văn bia, thần tích, thần phả, địa chí, hương ước, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi, ẩm thực, nghề truyền thống… Với các thiết bị máy móc hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay, công việc sưu tầm di sản văn hóa truyền thống sẽ mang lại hiệu quả to lớn khi chúng ta huy động được nhiều thành phần tham gia như: học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và đặc biệt là nhân dân ở các địa phương. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với những người tham gia sưu tầm là tôn trọng khách quan, ghi chép một cách trung thực, đầy đủ và thận trọng, tránh sự ngụy tạo.
Tập hợp và xây dựng chương trình văn hóa, văn nghệ, truyền thông đa dạng nhằm tập trung tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội đối với bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nâng cao nhận thức và giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân. Đối với di sản văn hóa truyền thống, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, giữ gìn mà coi việc phát huy tác dụng thực tế của các tài sản văn hóa, đặc biệt là trong nhận thức và giáo dục mới là công việc quan trọng. Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chết nếu nó không được làm sống lại trong đời sống cộng đồng của cư dân quốc gia, dân tộc đó. Chính vì thế, chúng ta cần tìm mọi biện pháp để giúp nhiều người hiểu rõ hơn về tính lịch sử cũng như giá trị văn hóa của những di sản văn hóa truyền thống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài việc phổ biến các quy định, cần thiết phải giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung, các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình.
Đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Do gắn bó chặt chẽ với dân, nên chính họ là người có thể kịp thời phát hiện sớm nhất những sai phạm hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn. Họ cũng là người có thể tham gia góp ý, phản biện các dự án bảo tồn văn hóa trên địa bàn một cách cụ thể và sát thực nhất. Do đó cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, phường đáp ứng yêu cầu công việc bảo tồn di sản văn hóa.
Rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú) và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những người có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản và những chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện để di sản có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy di sản. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Để làm tốt những giải pháp trên, vấn đề then chốt là chúng ta phải đổi mới và nâng cao nhận thức, xem cơ sở là địa bàn chiến lược của sự nghiệp cách mạng văn hóa, là môi trường sống, nơi sinh ra và đồng thời là nơi lưu giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Chắc chắn rằng khi hội tụ đủ sức mạnh tổng hợp thì nhất định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc trong cả nước.
Trên đây là Thực hiện giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!
✅ Dịch vụ thành lập công ty
⭕ ACC cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh
⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn
⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán
⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán
⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu
⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin