Thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể
Mục lục bài viết
Thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm và xuyên suốt. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới các chính sách phong tặng danh hiệu, vinh danh các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú; đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích; nghiên cứu bảo tồn, phục hồi các lễ hội văn hóa có giá trị…
Lễ hội Cầu Ngư – bơi chải là nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đã, đang được TP Sầm Sơn khôi phục, bảo tồn và phát huy.
Từ những giải pháp trên đã góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã tổ chức kiểm kê 1.535 di tích lịch sử danh thắng, đồng thời xây dựng hồ sơ xếp loại 842 di tích, trong đó bao gồm 141 di tích cấp quốc gia, 696 di tích cấp tỉnh. Tiến hành lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận 1 di sản văn hóa thế giới; đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, trong hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa…
Ngoài ra, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được triển khai thực hiện, như: Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa); tôn tạo Khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc); bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long (Hà Trung) (giai đoạn 2); tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Đông Sơn); tu bổ, tôn tạo và mở rộng chùa Mồng (Cẩm Thủy); tu bổ, tôn tạo chùa Báo Ân, xã Thiệu Vân; Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Long Khánh, phường Long Anh (TP Thanh Hóa)…
Nhiều quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong (Thạch Thành); Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc); Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long (Hà Trung); Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Thanh Hóa; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn); Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo lịch sử, văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân)… Việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của tỉnh về bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp các di tích đã được thực thi có hiệu quả, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền Bà Triệu, đình Chung, nghè Vẹt, đình Phú Điền, đền Đồng Cổ, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân…
Cùng với việc quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể, tỉnh ta cũng dành sự quan tâm cho di sản phi vật thể. Hằng năm, tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học, phục dựng, truyền nghề, xuất bản sách… để bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Điển hình như bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian trò Xuân Phả, Ngũ trò Viên Khê, hò Sông Mã, Pồn Pôông, Kin Chiêng Boọc Mạy…; nghiên cứu, khôi phục một số lễ hội truyền thống như lễ hội Trò Chiềng, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Cầu Ngư… Nhờ đó, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc được dần tìm lại vị thế và sức sống trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 11 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: trò Xuân Phả, trò diễn Pồn Pôông, lễ hội Trò Chiềng, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê, lễ hội Cầu Ngư, nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông), lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn); lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống); xường giao duyên (Ngọc Lặc).
Có thể nói rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là một trong những nội dung có quy mô rộng lớn, nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí của Trung ương thì cấp địa phương rất khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản văn hóa. Quan trọng nữa là ở mỗi đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát huy từng loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý của Trung ương đối với địa phương. Qua đó góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.
Xuân Minh