Thực trạng công tác Quy hoạch di tích tại Việt Nam – Tạp chí Kiến Trúc
Việt Nam sở hữu hệ thống di sản văn hóa vô cùng lớn và đa dạng. Từ khi ban hành Luật Di sản Văn hóa năm 2001 đến nay, công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (quy hoạch di tích) đã được triển khai thực hiện trong cả nước. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch di tích còn gặp rất nhiều bất cập, khó khăn, đó dẫn đến thời gian lập quy hoạch di tích bị kéo dài, hiệu quả thấp và khó khăn trong việc huy động nguồn lực tham gia công tác bảo tồn di tích. Bài báo hướng tới hệ thống hóa khái niệm quy hoạch di tích, tiến trình thực hiện công tác quy hoạch, sự khác biệt quy hoạch di tích với các loại hình quy hoạch khác, những bất cập trong công tác lập và thẩm định quy hoạch, từ đó đưa ra một số kiến nghị để khắc phục các vấn đề trên. Tác giả mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong việc điều chỉnh và bổ sung hành lang pháp lý, đào tạo nhân lực cho công tác lập quy hoạch di tích tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
Khái niệm quy hoạch di tích tại Việt Nam
- Quy hoạch di tích là việc xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích. [5]
Tương tự quy hoạch đô thị và nông thôn, hồ sơ quy hoạch di tích bao gồm hồ sơ bản vẽ và thuyết minh, dự thảo tờ trình và quyết định phê duyệt. Trong đó nội dung hồ sơ quy hoạch có yêu cầu đánh giá hiện trạng, xác định giá trị, phát triển du lịch,… - Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích Quốc gia, di tích cấp Tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. [5]
Tiến trình thực hiện công tác quy hoạch di tích tại Việt Nam
Khác với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, công tác lập quy hoạch di tích ở Việt Nam bắt đầu thực hiện muộn hơn, và có thể phân chia thành ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn 1 (2001-2012): Năm 2001, Luật Di sản Văn hóa ban hành, khởi đầu công tác quy hoạch di tích tại Việt Nam [1]. Năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được ban hành [2]. Năm 2010, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009 được ban hành [3]. Giai đoạn này, khái niệm về quy hoạch di tích bắt đầu được định hình, các đồ án quy hoạch bắt đầu được triển khai trong cả nước. Những đồ án đầu tiên về quy hoạch di tích như: “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn” bắt đầu thực hiện năm 2001 và phê duyệt quy hoạch năm 2010; “Quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị làng cổ Đường Lâm” bắt đầu thực hiện năm 2007 và phê duyệt quy hoạch năm 2014. Trong giai đoạn này, chưa có văn bản hướng dẫn dưới Luật để hướng dẫn thực hiện, công tác lập quy hoạch và thẩm định đồ án quy hoạch di tích gặp rất nhiều khó khăn. Thẩm định đồ án quy hoạch di tích trong giai đoạn này là Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đơn vị này không phải là đơn vị chuyên môn về lĩnh vực di sản văn hóa, dẫn đến nhưng ý kiến thẩm định, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch di tích có xu hướng thiên về quy hoạch xây dựng đô thị.
- Giai đoạn 2 (2012-2018): Năm 2012 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP để hướng dẫn cho công tác lập quy hoạch di tích [4]. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL tính toán chi phí lập quy hoạch di tích [6]. Từ năm 2013, Quy hoạch di tích đã có những quy định cụ thể. Quy hoạch di tích bao gồm hai loại là quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích. Quy hoạch tổng thể di tích ở dạng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 hoặc 1/500. Đơn vị thẩm định được xác định là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với quy hoạch di tích xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các di tích xếp hạng cấp Tỉnh. [4]
- Giai đoạn 3 (Từ năm 2018 đến nay): Năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ-CP và được vận dụng trong công tác lập quy hoạch di tích đến nay. Theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, không thực hiện quy hoạch hệ thống, chỉ làm quy hoạch tổng thể di tích ở tỉ lệ 1/2000 cho tất cả các loại di tích tại Việt Nam. Tên đồ án Quy hoạch có sự thay đổi thành “Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi” di tích. Việc chuyển đổi tên đồ án đã làm rõ hơn các nội dung công việc thực hiện đối với đồ án quy hoạch di tích. Tuy nhiên, tên đồ án bỏ cụm từ “phát huy giá trị”, dẫn đến đồ án có xu hướng tập trung công tác bảo tồn di sản, các nội dung phát huy giảm bớt, triệt tiêu đi.
Sự khác biệt giữa quy hoạch di tích và hệ thống hình quy hoạch đô thị tại Việt Nam
Khác với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, công tác lập quy hoạch di tích ở Việt Nam bắt đầu thực hiện muộn hơn, và có thể phân chia thành ba giai đoạn chính như sau:
1. Vị trí, phân bố: Vị trí di tích phân bố không có sự đồng nhất, gắn chặt vào địa hình tự nhiên và quá trình phát triển đô thị và nông thôn. Tác giả có thể phân chia thành 03 nhóm như sau:
- Di tích nằm đang xen trong khu vực phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn như các đình, chùa, đền miếu. Di tích này bị chia cắt bởi không gian chức năng đô thị. Việc kết nối các di tích này thành một cụm di tích hay quần thể di tích là rất khó khăn;
- Di tích nằm khu vực đồi núi ngoại thành như danh lam thắng cảnh ví dụ như Quần thể Hương Sơn (Hà Nội), Hồ Thác Bà (Yên Bái)…
- Di tích nằm ven biển hay trên các đảo như Gành Đá Đĩa (Phú Yên), Trại giam Phú Quốc (Kiên Giang).
2. Tính chất: Khác với đối tượng lập quy hoạch đô thị và nông thôn (là dân số), đối tượng lập quy hoạch du lịch (là khách du lịch), đối tượng lập quy hoạch di tích là hệ thống giá trị của di tích. Đối tượng lập quy hoạch di tích có sự tích hợp cả nội dung quy hoạch du lịch (ở khía cạnh phát huy giá trị), quy hoạch đô thị và nông thôn (ở khía cạnh phát triển bền vững các khu vực dân cư có nằm trong phạm vi bảo vệ di tích).
Nhận diện một số đặc thù của đối tượng quy hoạch di tích:
- Đối tượng là một di tích như đình, chùa, miếu, một quần thể di tích như đền Trần (Đông Triều – Quảng Ninh) hoặc quần thể danh thắng như Hồ Thác Bà (Yên Bái)… Nhưng có thể nhiều đối tượng không phải là di tích tồn tại trong khu vực bảo vệ di tích điển hình như di tích Trại giam Phú Quốc (Phú Quốc);
- Đối tượng đã mất (không còn dấu tích) như các di tích lịch sử cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn), dạng phế tích như Mỹ Sơn (Quảng Nam), hoặc còn nguyên trạng như công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng đình chùa miếu mạo;
- Đối tượng có sở hữu, quản lý phức tạp và chồng chéo: Sở hữu nhà nước (Gành đá đĩa Phú Yên), sở hữu cộng đồng (như đình chùa) hay sở hữu tư nhân như nhà cổ Đường Lâm – Hà Nội) hay Phước Tích – Thừa Thiên Huế… Đối tượng bị chi phối bởi các ngành khác nhau như danh thắng hồ Thác Bà (Yên Bái) vừa chịu sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái nhưng cũng chịu sự quản lý trực tiếp của công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà;
- Đối tượng mang yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa thờ phụng bản địa.
3. Quy mô: Không có sự thống nhất về quy mô lập quy hoạch. Đối với quy hoạch đô thị, các loại hình quy hoạch được áp dụng theo tính chất quy hoạch: Quy hoạch chung 1/10.000, quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Đối với những dự án do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, đối với quy hoạch di tích không có quy định cụ thể về quy mô mà yêu cầu bắt buộc phải thực hiện quy hoạch di tích cho các di tích đã được xếp hạng;
- Quy mô nhỏ: Có di tích quy mô rất nhỏ, chỉ mấy chục m2 như cổng làng, miếu, điếm hay cây di sản. Các công trình này có cấu trúc không gian công trình và chức năng hạng mục công trình ổn định. Việc can thiệp giải pháp quy hoạch gần như không làm thay đổi cấu trúc không gian di tích. Việc lập quy hoạch cho các di tích ở quy mô này hiệu quả thấp.
- Quy mô rất lớn: Có quần thể di tích đến hàng nghìn ha như di tích đền Trần Đông Triều (Quảng Ninh) là 2206 ha, di tích Đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) là 1158 ha, di tích Hồ Thác Bà (Yên Bái) là 23.000 ha. Ở quy mô lớn, có hai dạng: Quần thể nhiều điểm di tích nằm phân tán trong rừng núi như đền Trần (Đông Triều) và tập trung thành cụm bao quanh là rừng núi như Di tích đền tháp Mỹ Sơn. Diện tích rừng núi, hồ nước chiếm tỉ lệ lớn. Tỉ lệ phần công trình di tích trên tổng diện tích di tích rất nhỏ. Vận dụng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, đối với các di tích này đều phải làm quy hoạch di tích ở tỉ lệ 1/2000, việc này dẫn đến khối lượng công việc lớn, chi phí lập quy hoạch cao gây lãng phí nguồn lực. Các tác động đến các khu vực rừng núi rất hạn chế vì khu vực này được xác định theo quy hoạch chuyên ngành, ví dụ như rừng núi bao quanh đền tháp Mỹ Sơn đã được xác định theo dự án Thành lập Khu bảo tồn cảnh quan Di tích Lịch sử Văn hóa Mỹ Sơn.
4. Cộng đồng: Khác với quy hoạch đô thị và nông thôn, cộng đồng dân cư trong đồ án quy hoạch di tích gắn chặt với sự hình thành, biến đổi và quản lý di tích. Cộng đồng dân cư có thể là người dân có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với di tích, cộng đồng dân cư có thể sống kề cận di tích hoặc thuộc phạm vi khu vực bảo vệ di tích. Cha ông họ là những người phát hiện di tích (như danh thắng), xây dựng di tích (như các định chùa, miếu, cổng làng) và quản lý trực tiếp di tích (ông Từ trong đình, miếu và nhà thờ họ). Trong nhận thức của họ, di tích, danh thắng là một phần ý nghĩa tâm linh, sở hữu chung của họ.
Những điểm bất cập trong công tác lập quy hoạch di tích tại Việt Nam
1. Xin chủ chương lập quy hoạch
“Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích Quốc gia, di tích cấp Tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ”. Như vậy, đối với các di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt bắt buộc phải lập quy hoạch di tích. Các di tích Quốc gia, di tích cấp Tỉnh phải hình thành một quần thể mới thực hiện quy hoạch di tích. Quy định trên đã tạo ra những bất cập trong công tác lập quy hoạch. Di tích cấp Quốc gia đặc biệt có diện tích nhỏ dưới 2 ha vẫn phải lập quy hoạch di tích và trình thủ tướng phê duyệt. Những di tích cấp Quốc gia, cấp Tỉnh phải tạo thành khu vực nhiều di tích mới lập quy hoạch. Di tích cấp Quốc gia, cấp Tỉnh đứng độc lập không lập quy hoạch di tích. Những di tích cấp Quốc gia có quy mô lớn như Hồ Thác Bà, đầm Ô Loan đứng độc lập nhưng không phải lập quy hoạch. Tuy nhiên, với diện tích lớn, bao gồm nhiều khu vực chức năng phát triển đô thị, nếu không có quy hoạch thì không thể làm dự án. Đây là những bất cập trong giai đoạn xin chủ trương cần phải được tháo gỡ.
2. Lập quy hoạch
Việc lập quy hoạch di tích vẫn dựa trên kinh nghiệm, chưa có một hệ thống lý thuyết chung về quy hoạch di tích tại Việt Nam. Việc vận dụng lý thuyết về bảo tồn công trình di tích trong lập quy hoạch di tích không phù hợp với khu vực di tích có quy mô rộng và nhiều chức năng phức tạp.
Ngoài ra, công tác lập quy hoạch di tích có sự khác biệt lớn với công tác lập quy hoạch đô thị, phần đánh giá hiện trạng di tích cần phải được nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch di tích Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn sau: Thiếu khung hướng dẫn cho công tác lập quy hoạch; thiếu tiêu chuẩn thiết kế đặc thù cho di tích. Hiện nay, các tiêu chuẩn quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật trong đồ án quy hoạch di tích chủ yếu là vận dụng từ quy chuẩn quy hoạch xây dựng 01/2021/BXD. Các chỉ tiêu này tính toán dựa trên đầu vào là dân số và nhu cầu phát triển đô thị, không phù hợp với mục tiêu của đồ án quy hoạch di tích. [8]
3. Thẩm định quy hoạch
Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia; Giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp Tỉnh [5]. Tuy nhiên, các cơ quan này thiếu cán bộ chuyên môn thẩm định về lĩnh vực quy hoạch hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng. Khó khăn cho việc thẩm định những di tích có quy mô lớn, có trộn lẫn các chức năng đô thị có tính chất phức tạp.
4. Kinh phí thực hiện quy hoạch
- Hiện nay, đơn vị tư vấn quy hoạch vẫn sử dụng Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL để tính chi phí Quy hoạch di tích, tuy nhiên trong thông tư chi có nội dung chi phí lập quy hoạch [6]. Các nội dung chi phí khác như lập nhiệm vụ, xin ý kiến cộng đồng, công bố quy hoạch và thẩm định thì chưa có. Các nội dung này được viện dẫn từ các văn bản của Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch đô thị, điển hình là Thông tư số 20/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng [7].
- Cách tính toán chi phí chưa phù hợp với đặc thù quy hoạch: Hiện chi phí tính vẫn dựa vào quy mô diện tích mà chưa gắn với xếp hạng di tích. Các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt phải tổ chức hội đồng thẩm định và xin ý kiến các Bộ ngành liên quan, sau đó trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện giai đoạn thẩm định và trình phê duyệt mất thời gian so với thực hiện quy hoạch di tích cấp Quốc gia, cấp Tỉnh.
5. Quản lý quy hoạch
Việc phân công quản lý quy hoạch nhìn chung vẫn chưa có sự thống nhất. Hiện nay, đơn vị quản lý thực hiện công tác quy hoạch di tích tùy thuộc vào từng địa phương và từng di tích và danh thắng.
Địa phương phân công cho Ban quản lý di tích là chủ đầu tư đối với trường hợp di tích có Ban quản lý. Tuy nhiên, có trường hợp địa phương giao cho cơ quan chuyên trách như Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư. Hoặc, địa phương giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Trường hợp này, nguyên nhân một phần là năng lực và nhân lực Ban quản lý không đảm bảo quản lý quy hoạch di tích.
6. Đơn vị, nhân lực thực hiện
Đơn vị lập quy hoạch di tích hiện nay rất ít so với nhu cầu đặt ra. Các đơn vị tư vấn quy hoạch di tích chủ yếu là Viện Bảo tồn di tích và một số công ty thiết kế công trình Văn hóa lâu đời. Viện Quy hoạch đô thị Quốc gia và một số công ty tư nhân cũng bắt đầu tham gia sâu hơn công tác lập quy hoạch di tích. Để tham gia thực hiện lập quy hoạch các đơn vị tư vấn và người chủ nhiệm đồ án phải chứng chỉ quy hoạch tu bổ di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Ngoài ra, đơn vị lập quy hoạch di tích cũng phải đáp ứng các yêu cẩu quy hoạch xây dựng.
Tại Việt Nam, hiện có duy nhất trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có Bộ môn Lịch sử và Bảo tồn di sản kiến trúc. Tương tự, các trường đại học khác trong cả nước, nội dung quy hoạch bảo tồn di tích được giảng dạy tích hợp trong các chương trình đào đạo chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị. Hiện nay, chưa có trường đại học đào tạo chuyên ngành riêng về quy hoạch di tích. Lượng sinh viên ra trường tham gia vào công tác quy hoạch di tích rất ít. Các đơn vị tư vấn thiết kế thường phải tuyển chọn nhân sự từ kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch và thiết kế công trình đô thị. Các kiến trúc sư này phải học qua lớp bồi dững nghiệp vụ tu bổ di tích mới được cấp chứng chỉ quy hoạch tu bổ di tích.
Chính vì yêu cầu khắt khe, chuyên sâu về công tác quy hoạch di tích, thiếu đơn vị đào tạo chuyên ngành dẫn đến nguồn nhân lực thực hiện thiếu, không đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch di tích tại Việt Nam hiện nay.
Một số kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho công tác quy hoạch di tích tại Việt Nam
1. Xin chủ trương lập quy hoạch
Hoàn thiện hệ thống pháp lý hướng dẫn cho công tác lập quy hoạch. Cần phân loại các loại hình quy hoạch di tích theo quy mô, phân bố ở 03 cấp độ như sau:
- Quy hoạch tổng mặt bằng di tích (tương đương quy hoạch tổng mặt bằng khu vực chức năng đô thị) áp dụng cho di tích có quy mô nhỏ hơn 5ha. Áp dụng cho các di tích, danh thắng có quy mô nhỏ như đình, chùa, miếu và có cấu trúc không gian ổn định. Có thể tích hợp công tác làm quy hoạch tổng mặt bằng trong quá trình lập dự án.
- Quy hoạch di tích (tương đương quy hoạch phân khu và chi tiết đô thị), áp dụng cho một di tích hay một cụm di tích có quy mô từ 5ha đến 500ha. Quy hoạch này là cơ sở pháp lý để lập dự án bảo tồn di tích. Quy hoạch di tích ở tỉ lệ 1/2000 áp dụng cho quy mô từ 100ha đến 500ha. Quy hoạch di tích ở tỉ lệ 1/500 áp dụng cho quy mô từ 5ha đến 100ha. Đối với di tích có khu vực 1 tập trung trong phạm vi nhỏ hơn 500ha, khu vực 2 là rừng núi bao quanh như di tích Đền Tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) vẫn thực hiện quy hoạch di tích khu vực 1 và các khu vực phát huy giá trị ở tỉ lệ 1/2000.
- Quy hoạch hệ thống di tích (tương tương với quy hoạch chung đô thị), áp dụng cho một di tích hay một cụm di tích có quy mô lớn hơn 500ha. Quy hoạch này sẽ thực hiện song song các quy hoạch di tích hoăc tổng mặt bằng các khu vực chính (tương tự như quy hoạch làng cổ Đường Lâm đã phê duyệt năm 2014). Các nội dung quy hoạch di tích và tổng mặt bằng di tích là cơ sở pháp lý để lập dự án. Áp dụng cho quy hoạch di tích của một địa phương như tỉnh, huyện,… hay cho quần thể di tích có diện tích lớn, phân bố rời rạc nhau (ví dụ quần thể di tích đền Trần Đông Triều tại tỉnh Quảng Ninh).
2. Lập quy hoạch
Cần xây dựng ngay một hệ thống lý thuyết quy hoạch di tích song song với bảo tồn công trình di tích. Quy hoạch di tích cần được hiểu là loại quy hoạch tổng thể trong đó tích hợp quy hoạch bảo tồn di tích, quy hoạch du lịch và quy hoạch xây dựng. Quy hoạch bảo tồn có vai trò cốt lõi định hướng cho các quy hoạch còn lại. Kết quả quy hoạch di tích là hệ thống giải pháp từ giải pháp bảo tồn, phát triển du lịch cho đến tổ chức định hướng sử dụng đất – không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sản phẩm quy hoạch di tích là hệ thống các kế hoạch phát triển, dự án.
Điều chỉnh khái niệm về quy hoạch di tích: Quy hoạch di tích là việc xác định “định hướng” nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi “và phát huy” các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.
Đối với di tích và danh thắng, việc đưa ra một bộ tiêu chuẩn chung là phức tạp, có thể phản tác dụng khi áp dụng thực tế di tích, danh thắng rất đa dạng và khác nhau. Tuy nhiên, để thống nhất quản lý và tạo cơ sở cho việc lập quy hoạch, thẩm định phê duyệt quy hoạch, cần xây dựng các nội dung có tính chất khung để hướng dẫn. Cần tập trung phân loại hệ thống di tích, danh thắng theo nhóm đối tượng, tính chất, quy mô diện tích. Từ đó đưa ra quan điểm, nguyên tắc, khung hướng dẫn chung cho từng nhóm. Đây là nội dung quan trọng, cần phải làm ngay để tạo nền tàng cho toàn bộ công tác lập quy hoạch di tích.
3. Thẩm định quy hoạch
Thành lập các đơn vị có đủ chức năng để thẩm định đồ án quy hoạch: Cần có các trung tâm thẩm định quy hoạch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có các thành viên có đủ chứng chỉ hành nghề để thẩm định các nội dung liên quan đến sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật. Trong trường hợp cụ thể, cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể giao cho Viện chuyên môn để xây dựng báo cáo thẩm định.
4. Kinh phí lập quy hoạch
Hướng dẫn tính toán chi phí lập quy hoạch: Bổ sung các chi phí lập nhiệm vụ, xin ý kiến cộng đồng, thẩm định. Cần xây dựng định mức chi phí cho công tác lập quy hoạch để phù hợp với khối lượng công việc thực hiện quy hoạch di tích. Trong đó cần có kinh phí bổ sung cho nội dung thực hiện nghiên cứu, khảo sát đánh giá hiện trạng di tích, xây dựng bản đồ quét 3D di tích. Đối với các quy hoạch có quy mô dưới 2 ha cần tính toán nội suy để tăng kinh phí thực hiện.
5. Quản lý quy hoạch
Cần thống nhất cơ quan quản lý quy hoạch cấp Tỉnh và thành phố. Kiến nghị giao cho các ban quản lý di tích đảm bảo thống nhất từ quy hoạch cho đến triển khai dự án sau quy hoạch. Song hành là việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ cán bộ quản lý di tích.
6. Đơn vị, nhân lực thực hiện
Ngoài những trung tâm, viên chuyên ngành đang thực hiện đào tạo, cần có sự tham gia của các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực chuyên sâu cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch di tích. Thành lập các chuyên ngành quy hoạch di sản trong trường đại học kiến trúc và xây dựng.
Kết luận
Di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý giá của Quốc gia, là giá trị của tiền nhân để lại cho thế hệ chúng ta và cho tương lai. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản là trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi cá nhân, tập thể tham gia. Qua những dự án thực tế thực hiện tại Viện bảo tồn di tích, tác giả đúc rút một số những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện quy hoạch di tích. Những khó khăn này là những nút thắt khiến quá trình thực hiện quy hoạch di tích kéo dài, khó khăn trong việc huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đối tượng lập quy hoạch di tích không có sự đồng nhất vì cả tính chất và quy mô. Chính vì vậy mà xây dựng một bộ tiêu chuẩn quy hoạch di tích có tính chất khung hướng dẫn, cũng như cần bổ sung chi phí về quy hoạch di tích phù hợp hơn với tính chất đồ án. Chúng tôi mong muốn, các cơ quan quản lý di sản, nhà khoa học và cộng đồng cùng chung tay xây dựng một số hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và thống nhất để tháo gỡ cho công tác quy hoạch di tích hiện nay.
TS.KTS.Nguyễn Văn Tuyên
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001;
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009-QH12 ngày 18/6/2009;
3. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, ngày 18/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009;
4. Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – Văn hóa, danh lam thắng cảnh;
5. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – Văn hóa, danh lam thắng cảnh;
6. Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản tu bổ, phục hồi di tích;
7. Thông tư số 20/2019/TT-BXD ban hành ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
8. Thông tư số 01/2021/TT-BXD ban hành ngày 15/9/2021 của Bộ Xây dựng ban hành về QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.