Thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển văn hoá tâm linh trong giai đoạn mới – VIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN – VIDS

Sáng nay 24/5/2022, tại Hà Nội, Viện những vấn đề phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học và thực tiễn “Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển trong giai đoạn mới”. Đây là Hội thảo khởi đầu cho chuỗi nghiên cứu chủ đề “Văn hóa tâm linh trong phát triển của Việt Nam”. TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và phát biểu tại Hội thảo.

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định đây là Hội thảo hết sức cần thiết trong lý luận và thực tiễn. Sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước cũng là vấn đề không đơn giản, đã và đang đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta trong việc ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách đối với tín ngưỡng, với các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và giải quyết những vấn đề liên quan đến các hiện tượng tôn giáo mới trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết: Bộ Nội vụ, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Luôn đồng hành, hướng dẫn để các tổ chức tôn giáo thực hiện đúng đường hướng hành đạo, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và tích cực lan tỏa những giá trị của đạo đức tôn giáo trên tinh thần từ bi, bác ái, vị nhân sinh.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Hai văn bản pháp luật này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật, góp phần tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ trưởng cho rằng, dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hóa tâm linh tốt đẹp, giàu bản sắc, với sức sống lâu bền và tất cả những nét văn hóa của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo xứng đáng được ghi nhận là di sản phi vật thể cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Tuy vậy, cần phải đánh giá đúng đắn những giá trị văn hóa đích thực, những hạn chế và xu hướng phát triển của đời sống tâm linh, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Từ đó, xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách, pháp luật phù hợp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, phù hợp với lợi ích dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm này không chỉ của riêng cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa hay về tín ngưỡng, tôn giáo mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp và của toàn xã hội.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng hoạt động văn hóa tâm linh; phân tích làm rõ các vấn đề đặt ra và đề xuất các định hướng, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh văn hóa tâm linh, phát huy các giá trị tích cực của văn hóa tâm linh, đồng thời hạn chế những lệch lạc, tiêu cực cần được chấn chỉnh trong hoạt động văn hóa tâm linh hiện nay./.