Thực trạng phát triển Du lịch cộng đồng Lạng Sơn

Du lịch cộng đồng là một trong những loại hình du lịch được ưa chuộng trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đối với Việt Nam, du lịch cộng đồng xuất hiện cách đây khoảng 3 thập kỷ và phát triển chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc rồi dần tiến đến các tỉnh thành trong cả nước. Trải qua chặng đường đó, mô hình du lịch này đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương. Với đầy đủ các điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Từ vị trí địa lý thuận lợi, giao thông thuận tiện, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước, kết nối quốc tế cả về đường sắt và đường bộ, đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu quốc tế trọng yếu đến điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Bên cạnh đó, sự đa dạng phong phú về các di sản văn hóa, phong tục tập quán, con người thân thiện, mến khách; nhiều loại hình di tích lịch sử, văn hóa, địa danh gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc… đã giúp cho du lịch Lạng Sơn có những bước tăng trưởng và phát triển cả về sản phẩm du lịch, số lượng khách, doanh thu du lịch. Số lượng khách du lịch năm sau cao hơn năm trước, mức tăng trung bình giai đoạn 2010 – 2019 là 5,54%, doanh thu du lịch tăng trung bình 6,79% /năm. Có được sự tăng trưởng đó, ngoài việc tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển các loại hình du lịch truyền thống thì việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm các giá trị văn hóa, sản phẩm nông nghiệp đã mang lại những thành tựu quan trọng cho du lịch của mảnh đất vùng biên cương Xứ Lạng. Trong xu thế phát triển du lịch cộng đồng của cả nước, từ năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng như: Triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu một số giải pháp nhằm khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn” ; chỉ đạo triển khai xây dựng tuyến du lịch văn hóa lịch sử huyện Bắc Sơn và vùng phụ cận, trong đó thực hiện xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng làm điểm nhấn cho tuyến du lịch.

Thông qua quá trình khảo sát, nghiên cứu và đánh giá cho thấy các điểm được lựa chọn để xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng có các điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này theo các tiêu chí: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc thuận tiện; Có các điểm tham quan tại làng hoặc vùng phụ cận hấp dẫn du khách, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương như cấu trúc làng bản, kiến trúc nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực… vẫn được bảo tồn, gìn giữ trong sinh hoạt hàng ngày.

Người Dao Lù Đạng tại huyện Bình Gia

 Dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của địa phương và các hộ gia đình tham gia triển khai thí điểm hoạt động du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng nội dung hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cho phù hợp. Công tác đầu tư hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm trên chủ yếu tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, tham quan học tập thực tế và hỗ trợ một phần kinh phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khách du lịch. Tổng kinh phí hỗ trợ qua các năm (Từ năm 2010 đến năm 2021) là hơn 1,8 tỷ đồng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND  ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay đã thực hiện hỗ trợ được 150 triệu đồng cho điểm du lịch cộng đồng Hoan Trung, Huyện Bắc Sơn.

Sau hơn 10 năm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, từ mô hình đầu tiên thành công ở xã Quỳnh Sơn, nay là xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, đến nay trên địa bàn tỉnh có 05 làng du lịch cộng đồng được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh với sự tham gia của 30 hộ gia đình tham gia kinh doanh homestay.  Ngoài ra, nhiều điểm du lịch cộng động tại các huyện có tiềm năng cũng đang được triển khai xây dựng. Có thể nói phát triển loại hình du lịch cộng đồng là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của tỉnh. Hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp đời sống của người dân tại các xã có sự thay đổi và cải thiện đáng kể. Nguồn thu nhập được nâng cao từ các hoạt động đón tiếp và phục vụ du khách. Kết quả là các hộ gia đình trong thôn tự nhận thấy lợi ích của hoạt động du lịch đã thực hiện xã hội hóa đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp nhà đủ tiêu chuẩn đón tiếp khách (Hữu Liên, Bắc Quỳnh). Mức xã hội hóa bình quân của các hộ gia đình tại điểm du lịch cộng đồng từ 300 – 500 triệu đồng/01 hộ gia đình, có những hộ đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn được đánh giá cao bởi phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân thân thiện với những vùng, miền văn hóa độc đáo, những nét đặc sắc riêng. Chính những khác biệt về văn hóa luôn kích thích sự tò mò, tìm hiểu và khám phá của du khách. Chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao. Chính vì vậy, trong những năm qua loại hình du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn đã thu hút một lượng du khách lớn, trong đó có cả khách nước ngoài từ các nước châu Âu, châu Úc, ASEAN đến trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con của dân tộc thiểu số nơi đây. Lượng khách bình quân qua các năm tại mỗi điểm du lịch cộng đồng đạt trên 2.000 lượt khách/năm.

Thông qua việc xây dựng các làng văn hóa cộng đồng, người dân đã ý thức được việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên… Phong trào tìm hiểu và khôi phục truyền thống văn hóa dân tộc; công tác bảo vệ an ninh, trật tự thôn bản được củng cố, tạo tâm lý an toàn, thoải mái cho du khách. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng có cảnh quan thôn xóm, nhà cửa được chỉnh tranh, dọn dẹp sạch sẽ; đường làng được kiên cố hóa; môi trường sống trong lành. Một số địa phương đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường hàng lưu niệm được sản xuất từ nghề thủ công truyền thống….

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn