Thực trạng và giải pháp phát triển ngành Du lịch Việt Nam hiện nay

TÓM TẮT:

Du lịch là một ngành kinh tế tổng
hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội
và bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư
và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành
kinh tế có liên quan, đặc biệt là ngành thủ công mỹ nghệ. Du lịch còn góp phần
thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm và có thu nhập
thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Bài viết bàn về
những lợi thế của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay, cùng những giải pháp phát
triển trong thời gian tới.

Từ khóa: Ngành Du lịch, kinh tế mũi nhọn, đầu tư, lợi thế, thực trạng,
giải pháp, di sản văn hóa, Việt Nam.

I. Thực trạng của ngành Du lịch Việt Nam

Nước ta có tiềm năng lớn về nhiều
mặt để phát triển du lịch, có điều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều danh
lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội,
phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến
trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào thông
minh, cần cù và giàu lòng nhân ái. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có
những đổi mới, từng bước phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện bước
đầu thu hút khách nước ngoài và kiều bào về thăm Tổ quốc, giới thiệu đất nước,
con người và tinh hoa của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; đáp ứng một phần
nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân trong nước, bước đầu đã thu
được kết quả nhất định về kinh tế. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang
trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày
càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới,
nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc
tế.

Điều này được minh chứng thông
qua số lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ
trung bình trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 (-8%) và suy
thoái kinh tế thế giới 2009 (-11%). Nếu lấy dấu mốc lần đầu tiên phát động “Năm
Du lịch Việt Nam 1990” (khởi đầu thời kỳ đổi mới) với 250.000 lượt khách quốc tế,
thì đến nay đã có 10 triệu lượt khách đến Việt Nam trong năm 2016. Khách du lịch
nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 1 triệu lượt
năm 1990 đến 2016 đạt con số 35 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách
du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của ngành Du lịch trên mọi lĩnh vực.
Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng
tăng lên. Từ chỗ chiếm 4,6% thị phần khu vực Đông Nam Á; 1,7% thị phần khu vực
Châu Á-Thái Bình Dương và 0,2% thị phần toàn cầu vào năm 1995 đến 2016 Du lịch
Việt Nam đã chiếm 8,2% thị phần khu vực ASEAN; 2,4% khu vực Châu Á-Thái Bình
Dương và 0,68% thị phần toàn cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống di sản thế
giới của Việt Nam được UNESCO công nhận liên tiếp gia tăng về số lượng là các
trọng tâm trong thực tiễn xây dựng sản phẩm, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm
như tham quan cảnh quan vịnh Hạ Long, tham quan di sản văn hoá Huế, phố cổ Hội
An, di tích Mỹ Sơn; du lịch mạo hiểm khám phá hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch
nghỉ dưỡng biển Mũi Né, Phú Quốc, du lịch sự kiện Nha Trang… ngày càng thu
hút được sự quan tâm lớn của khách du lịch trong và ngoài nước. Các lễ hội được
tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành những sản phẩm du lịch quan trọng, như: lễ hội
Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, festival Huế, carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa
Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt… Những sản phẩm và những giá trị nổi bật của điểm
đến Việt Nam dần được hình thành và định vị tại các thị trường khách du lịch mục
tiêu. Các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch là những điểm nhấn
quan trọng hình thành sản phẩm du lịch được định hướng phát triển tại Chiến lược
phát triển ngành Du lịch. Tuy nhiên, hầu như chưa được chú trọng đầu tư đúng mức,
đến nay mới chỉ có Hạ Long – Cát Bà, Hội An, Mỹ Sơn là phát huy được tiềm năng
du lịch. Một số khu du lịch, công trình nhân tạo khác cũng có sức hút tạo sản
phẩm như thủy điện Sơn La, chùa Bái Đính, hầm đèo Hải Vân, khu vui chơi tổng hợp
Đại Nam…

Sự phát triển không ngừng của ngành
Du lịch góp phần vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và
đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực
tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Tổng đóng
góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là
hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành
Du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đồng thời xét về
cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành Du lịch
chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại
tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, đồng thời có doanh thu ngoại tệ
lớn nhất, trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính.
So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch
chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giầy dép
và thủy sản. Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch lại
đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội
mà hiện nay chưa tính toán hết được.

Bên cạnh những thành tựu đạt được,
du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số nội dung tiêu chí là
ngành kinh tế mũi nhọn chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững, như: Chiến lược
phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén
với sự biến động của kinh tế và chính trị nên khi có diễn biến xảy ra đã không
chủ động và không lường hết tác động đến thị trường khách; chiến lược kinh
doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du
lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn; kích
cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp… Nguyên nhân
của tình trạng trên là bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống chính
chính sách, vai trò quản lý, năng lực đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu,… còn
do sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các
ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; nhận thức về phát
triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư du lịch còn hạn chế và
chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch
còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng
cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh an toàn cho
khách du lịch còn chưa được đảm bảo…

Có thể thấy năm 2016 được ghi nhận
là thành công đối với ngành Du lịch, nhưng điều này cũng tạo áp lực cho năm
2017 với kế hoạch 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách du lịch nội
địa, với tổng thu dự kiến là 460.000 tỷ đồng.

II. Giải pháp phát triển ngành Du lịch Việt Nam

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ
đón 10 – 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 – 48 triệu lượt khách du lịch
nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 – 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 – 7% GDP cả
nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 – 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo
ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2030, tổng
thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020. Để đạt được những mục tiêu đề ra,
ngành Du lịch cần phải có những giải pháp kịp thời như sau:

Thứ nhất, gia tăng đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch.
Trong đầu tư du lịch thì đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch
có yếu tố quan trọng đảm bảo thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là tạo điều
kiện thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện dân sinh cho cộng đồng dân
cư. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch,
đồng thời chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng với du lịch với các chương trình,
đề án phát triển kinh tế-xã hội; trong giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào
các khu điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng nguồn
nhân lực du lịch Việt Nam còn kém so với các nước các nước trong khu vực cả về
năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, nâng cao
chất lượng cho đội ngũ cán bộ trong ngành là nhiệm vụ trong tâm trong định hướng
phát triển du lịch trong thời gian tới. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước,
cần phải trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch vì phần nhiều cán bộ,
công chức ở cấp Tổng cục Du lịch và các địa phương từ các ngành khác, hoặc học
các ngành khác nhau, chưa nắm vững được kiến thức chuyên ngành du lịch; nâng
cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý kinh tế. Đối với
nguồn nhân lực các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chú trọng bồi dưỡng kiến thức
thị trường, ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên sâu, nâng cao ý thức bảo vệ tài
nguyên và môi trường.

Thứ ba, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành
Du lịch trong điều kiện hiện nay. Mặc dù đã có chuyển biến rõ nét bước đầu
trong thời gian qua, song cần tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức
sâu rộng trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển du
lịch, nhất là nhận thức tư tưởng của cán bộ quản lý của các cấp các ngành từ
Trung ương đến địa phương. Tạo ra sự chuyển biến thực chất trong việc ban hành
ban hành chính sách phát triển du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về
du lịch ở các địa phương trọng điểm phát triển du lịch.

Thứ tư, đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật
pháp có liên quan đến du lịch, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến tháo
gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch,
như: Điều chỉnh và bổ sung Luật Du lịch, các nghị định thông tư hướng dẫn Luật;
chính sách về thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển, trang thiết bị cơ sở lưu
trú…; thuế sử dụng, thuế đất tại các khuôn viên cảnh quan, các khu du lịch, khu
du lịch sinh thái; chính sách ưu tiên đầu tư; chính sách xã hội hóa trong du lịch.
Tất cả những nội dung trên phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch,
cụ thể ổn định và dễ thực hiện.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với nâng
cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu của du lịch Việt Nam, bởi
đây là biện pháp quan trọng để tạo lập hình ảnh và vị thế du lịch trong và
ngoài nước nhằm thu hút khách. Đồng thời, cần thiết lập văn phòng đại diện du lịch
Việt Nam tại các thị trường trọng điểm du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trang web Vietnambiz.vn

2. Trang web
Vietnamtourism.gov.vn

3. Giáo trình Kinh tế vi mô
– Học viện Tài chính

4. Tạp chí Tài chính

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO PROMOTE THE GROWTH OF
VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY

MA. NGUYEN THI THU HUONG

Faculty of Business
Management, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Tourism industry is an integrated
economic sector and playing an increasingly important role in the economic,
political and social development as well as the environmental protection of
Vietnam. The development of the tourism industry could effectively contribute
to the economic restructuring process of the country, help the country to
increase its national budget revenue, attract investment, boost exports of
local goods and have positive impacts on relevant industries, particularly
handicrafts. Moreover, the tourism industry could significantly contribute to
the poverty reduction of the country by creating numerous stable jobs for local
people in different regions. This study is to analyze the advantages of the
tourism industry and proposes some realistic solutions to promote the growth of
this industry in the coming time.  

Keywords: Tourism, spearhead economy, investment, advantages,
current situation, cultural heritage, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây