Thương hiệu ngân hàng nâng tầm giá trị
Bảng xếp hạng Top 500 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance Banking 500) năm 2022 vừa được Brand Finance – đơn vị tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – công bố. Theo xếp hạng năm nay các ngân hàng Việt Nam đều có bước thăng tiến lớn về giá trị thương hiệu. Đánh giá của Brand Finance cho thấy, ở cấp độ quốc gia, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có một năm thành công với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu 49%, trở thành một trong những ngành có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa
Ở vị trí 157, xếp hạng của Agribank tăng 16 bậc so với năm 2021, xếp hạng cao nhất trong 11 NHTM hàng đầu Việt Nam được xếp hạng toàn cầu năm 2022. Vietcombank đứng ở vị trí 162; VietinBank 184, Techcombank 196, VPBank 205…
Nhìn lại năm 2020, chỉ có 9 ngân hàng Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, VPBank, BIDV, Techcombank, MBBank, Sacombank và ACB. Sang năm 2021 thứ hạng của các ngân hàng Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Nếu như trong bảng xếp hạng năm 2020 Agribank là ngân hàng có thứ hạng cao nhất, đứng thứ 190, thì sang năm 2021 thương hiệu của ngân hàng này tăng lên vị trí 173. Tương tự, xếp hạng của các ngân hàng được cải thiện rõ rệt trong năm 2020 và 2021: Vietcombank từ vị trí 207 lên 180, VietinBank (227-216), VPBank (280-243), BIDV (276-246), Techcombank (327-270), MBBank (386-374), Sacombank (422-392) và ACB (420- 397).
Xếp hạng thương hiệu của ngân hàng Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc trong 2022. Đơn cử trường hợp của Vietcombank. Ngân hàng này từng đứng vị trí 325 năm 2019, rồi tăng lên 207 năm 2020, lên vị trí 180 năm 2021, và giờ là 162. Hay xếp hạng của Techcombank đã tăng 57 bậc năm 2021, và năm 2022 tăng tiếp 74 bậc so với năm trước.
Các thương hiệu được Brand Finance lựa chọn và đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí về thị phần, tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín thương hiệu. Có thể thấy bên cạnh những tiêu chí định lượng thì uy tín thương hiệu ngân hàng còn tăng đáng kể từ những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 hai năm qua.
Ngân hàng được đánh giá là Ngành đi đầu trong thực hiện sớm, hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó phải kể đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid được triển khai từ tháng 3/2020 và đang tiếp tục được triển khai trong năm 2022.
Thời điểm cuối năm 2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, các TCTD đã giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng năm 2021 khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.
Không những thế, ngay trong lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 ngành Ngân hàng ủng hộ gần 700 tỷ đồng, chưa kể việc nhiều TCTD tổ chức trao tặng hàng trăm tỷ đồng và nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước nhằm góp sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh; và các chương trình an sinh xã hội mà ngân hàng đã, đang triển khai nhiều năm qua.
Không thể phủ nhận là vai trò, vị trí và uy tín, thương hiệu ngành Ngân hàng ngày càng cao. Song, cũng phải thừa nhận thực tế là các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm quốc gia khi xếp hạng ngân hàng. Những năm gần đây xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn có xu hướng tốt lên. Năm 2021, xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tăng từ B2 lên Ba3 theo đánh giá của Moody’s; từ BB- lên BB theo đánh giá của S&P; và Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên triển vọng ‘tích cực’ ở mức ‘BB’.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam có triển vọng tích cực và điều này phản ánh rất đúng về triển vọng tăng trưởng dài hạn cũng như sự phục hồi như kỳ vọng của nền kinh tế. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, và đây cũng là yếu tố căn bản để xếp hạng của ngân hàng Việt Nam tăng trong tương lai.