Tiềm năng du lịch của Việt Nam | VIETISO.COM
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, tiềm năng ấy thể hiện ở các thế mạnh sau:
Di tích
Tính đến tháng 8 năm 2010, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam.
Những Di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ra quyết định xếp hạng ở 2 đợt đầu gồm: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng.
Tới năm 2014, có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam bao gồm: Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Việt Nam có 117 bảo tàng trong đó các bộ, ngành quản lý 38, các địa phương quản lý 79. Hai bảo tàng lịch sử mang tính quốc gia là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện đang đề xuất thêm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng đều vắng khách tham quan, đất công đôi khi bị lạm dụng và sử dụng trái mục đích.
Danh thắng
Tính đến hết năm 2010 Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ. Cà Mau và biển Kiên Giang
Hiện nay Việt Nam có 30 vườn quốc gia gồm Ba Bể, Bái Tử Long, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Vũ Quang, Bidoup Núi Bà, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Côn Đảo, Lò Gò-Xa Mát, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng.
Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Nhiều suối có hạ tầng xây dựng khá tốt như: Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông, Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình, suối nước nóng Bình Châu Bà Rịa-Vũng Tàu, suối nước nóng Kênh Gà, Ninh Bình, suối nước nóng Quang Hanh Quảng Ninh.
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.
Khu du lịch quốc gia
Việt Nam hiện có 21 khu du lịch quốc gia tính đến năm 2008, là những trọng điểm để đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch. Các khu du lịch đó là:
- Khu du lịch nghỉ dưỡng Sa Pa (Lào Cai)
- Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
- Khu du lịch vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng)
- Khu du lịch suối Hai (Hà Nội)
- Khu du lịch văn hóa Hương Sơn (Hà Nội)
- Khu du lịch văn hóa Cổ Loa (Hà Nội)
- Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình)
- Khu di tích lịch sử Kim Liên (Nghệ An)
- Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình)
- Khu du lịch đường mòn Hồ Chí Minh (Quảng Trị)
- Khu du lịch Lăng Cô – Hải Vân – Non Nước (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng)
- Khu du lịch phố cổ Hội An (Quảng Nam)
- Khu du lịch vịnh Vân Phong – mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa)
- Khu du lịch biển Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận)
- Khu du lịch Đankia – Suối Vàng
- Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng)
- Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)
- Khu du lịch sinh thái – lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)
- Khu du lịch biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)
- Khu du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang)
- Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (Cà Mau)
- Khu du lịch sinh thái Măng Đen (KonTum)
Văn hóa
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lát ở Mai Châu…
Tuy nhiên, từ hơn 20 năm phát triển du lịch, Việt Nam vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ lớn để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ngoại trừ múa rối nước, hiện có 1 sân khấu nhỏ tại Hà Nội và sân khấu múa rối nước Rồng Vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ).
Các vùng du lịch
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của các cơ quan quản lý xác định rõ Việt Nam có 7 vùng du lịch như sau:
Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang gắn với các hành lang kinh tế và các cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc và Thượng Lào. Các địa bàn trọng điểm: TP. Lào Cai – Sa Pa – Phan Xi Păng; TP. Điện Biên Phủ và phụ cận; TP. Lạng Sơn và phụ cận Đền Hùng, vùng ATK.
Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: Gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Các địa bàn trọng điểm: thủ đô Hà Nội và phụ cận, Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long – Bái Tử Long.
Vùng Bắc Trung Bộ: Gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế gắn với hệ thống cửa khẩu quốc tế với Lào, với du lịch hành lang Đông Tây và hệ thống biển, đảo Bắc Trung Bộ. Các địa bàn trọng điểm: Huế và phụ cận; Kim Liên – Vinh – Cửa Lò – Cầu Treo.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: gồm các tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với hệ thống biển đảo Nam Trung Bộ. Các địa bàn trọng điểm: Đà Nẵng – Quảng Nam, Nha Trang – Ninh Chữ, Phan Thiết – Mũi Né.
Vùng Tây Nguyên: gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng gắn với Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Các địa bàn trọng điểm: TP Đà Lạt và phụ cận, TP. Buôn Mê Thuột và phụ cận; Khu vực Bờ Y- TX. Kon Tum – TP. Pleiku.
Vùng Đông Nam Bộ: gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang du lịch xuyên Á. Các địa bàn trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh, Vũng Tàu – Côn Đảo.
Vùng Tây Nam Bộ: Gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ gắn với du lịch tiểu vùng sông Mêkông. Các địa bàn trọng điểm: Khu vực TP.Cần Thơ và phụ cận; Hà Tiên – Phú Quốc; Khu vực Đồng Tháp Mười.
—————————————————————————————————————————————-
Công ty du lịch – lữ hành là gì?
Du lịch Việt Nam
Lịch sử ngành Du lịch Việt Nam
Nguồn: Wiki