Tiềm năng phát triển du lịch, thực trạng và giải pháp đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Sơn La với các tỉnh Bắc Lào
Tiềm năng phát triển du lịch, thực trạng và giải pháp đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Sơn La với các tỉnh Bắc Lào
Lượt xem: 569
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, vốn có truyền thống hữu nghị đặc biệt từ lâu đời, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Tình đoàn kết hữu nghị đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định“Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà – Cửu Long” và “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào Việt Nam mãi mãi vũng bền hơn núi, hơn sông”. Trên tinh thần đó, hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước quyết tâm cùng nhau duy trì và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng – Tài sản vô cùng quý giá của hai dân tộc Việt – Lào.
Chương trình nghệ thuật Khai mạc Ngày hội Văn hóa – Du lịch Sơn La
tại Hủa Phăn năm 2018
Sơn La có diện tích hơn 14.000km2, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố; dân số trên 1,3 triệu người, có 12 dân tộc anh em chung sống hòa đồng đoàn kết, thân thiện mến khách. Sơn La có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú, các suối nước khoáng nóng tự nhiên, Biển hồ Sông Đà, cao nguyên Mộc Châu, các di tích lịch sử văn hoá và nhiều sản vật nổi tiếng; các dân tộc có bản sắc văn hoá độc đáo, tạo nên các truyền thống văn hoá đặc trưng, khác biệt cho Sơn La, Tỉnh Sơn La có trên 274km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Bang, có 04 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (huyện Mộc Châu), cửa khẩu chính Chiềng Khương (huyện Sông Mã) và 02 cửa khẩu phụ: Nà Cài (huyện Yên Châu), Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp); đây là điều kiện thuận lợi cho giao thương và kết nối phát triển du lịch giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào.
Thác Dải Yếm ngày nắng ấm
Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ: “tăng cường công tác đối ngoại, trọng tâm là củng cố vững chắc quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện”, đồng thời “tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào”.
Đoàn Famtrip khảo sát điểm du lịch Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào (2017)
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh Bắc Lào tiêu biểu như:
– Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác sang thăm và làm việc tại các tỉnh Bắc Lào; khảo sát về tiềm năng, các sản phẩm du lịch, văn hóa và con người tại các tỉnh Bắc Lào nhằm liên kết, kết nối tour, tuyến du lịch Sơn La với các tỉnh Bắc Lào.
– Từ ngày 24/3 đến hết ngày 30/3/2018 tỉnh Sơn La phối hợp Công ty Lữ hành Hanoitourist; Công ty Du lịch Xay Mung Khun (Lào) tổ chức đoàn khảo sát tour caravan “Hành trình qua các kinh đô cổ Việt – Lào” với lộ trình 7 ngày 6 đêm, qua các điểm: Hà Nội – Sơn La – Sầm Nưa – Luông Pha Băng -Viêng Chăn – Cánh đồng Chum – Nghệ An – Hà Nội.
– Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khảo sát tuyến du lịch Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên – Luông Pha Băng – Cánh đồng chum (Xiêng Khoảng) – Con Cuông – Khu du lịch Mường Thanh Diễn Lam – Hà Nội.
– Đón các đoàn khảo sát phát triển du lịch của các tỉnh Bắc Lào sang thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La. Năm 2018, Sở VHTT&DL Sơn La đã tổ chức đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác tỉnh Hủa Phăn, Phong Sa Ly, U Đom Xay, Luông Pha Băng sang thăm quan khảo sát, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch.
– Mời các tỉnh nước bạn Lào tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào (2017), Lễ Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào (2017), Tổ chức triển lãm “Nghĩa tình Việt – Lào” nhân kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 – 05/9/2019); Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào tại xã Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (2022).
Chương trình Giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào
tại Sơn La năm 2017
– Tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với tỉnh Hủa Phăn tổ chức thành công ngày hội văn hóa du lịch năm 2018, được lãnh đạo 2 tỉnh và nhân dân các dân tộc 2 tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
– Hàng năm tổ chức sản xuất các ẩn phẩm du lịch như DVD, Tập gấp, tờ rơi, bản đồ, sách ảnh du lịch, các chương trình, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng cường công tác quảng bá du lịch.
– Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa – Du lịch năm 2022, chủ đề “Bản tình ca Sơn La – Luông Pha Bang” tại tỉnh Luông Pha Bang – nước CHDCND Lào nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Lào với những hoạt động nổi trội như: Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật “Bản tình ca Sơn La – Luông Pha Băng”; trưng bày triển lãm 160 ảnh đẹp về miền đất, con người; Trưng bày 20 gian hàng sản phẩm du lịch, văn hóa, sản vật địa phương; tổ chức đoàn FAM khảo sát đánh giá chất lượng sản phẩm, hình thành Tour du lịch mới; Hội thảo liên kết phát triển Tour du lịch Sơn La – Luông Pha Bang; Chương trình nghệ thuật “Hương sắc Sơn La – Luông Pha Bang”.
Trưng bày quảng bá ấn phẩm, giới thiệu tiềm năng du lịch tại Ngày hội
Văn hóa – Du lịch năm 2022, chủ đề “Bản tình ca Sơn La – Luông Pha Bang” tại tỉnh
Luông Pha Bang – nước CHDCND Lào
Tuy nhiên việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác, phát triển du lịch giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, trong thời gian tới cần tập chung vào một số giải pháp sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò phát triển du lịch trong mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh của vùng Tây Bắc – Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào – nước CHDCND Lào.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch; kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác du lịch; ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm đặc trưng, riêng có của vùng Tây Bắc-Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào – nước CHDCND Lào.
3. Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng và liên kết ngành giữa các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào – nước CHDCND Lào.
4. Phát triển thị trường du lịch, tổ chức các cuộc khảo sát đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch, từng bước hình thành tour du lịch giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào;
5. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tổ chức các sự kiện du lịch, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch, hợp tác giao lưu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những nét văn hóa tương đồng của các dân tộc giữa Việt Nam với Lào;
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch thông minh;
7. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hướng dẫn viên du lịch quốc tế và đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.
8. Đề nghị tỉnh Hủa Phăn – nước CHDCND Lào cần đẩy mạnh hơn việc đề nghị Chính phủ Lào sớm nâng cấp cửa khẩu Pa Háng – Lào thành cửa khẩu quốc tế để đảm bảo thuận lợi cho hợp tác, phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng.
9. Nghiên cứu xây dựng tour du lịch kết nối Hà Nội – Sơn La – Các tỉnh Bắc Lào; xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh, phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Với mục tiêu, chỉ tiêu phát triển du lịch theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026. Tỉnh Sơn La đã và đang xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và sản vật địa phương; xác định Nhà nước – doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc Sơn La chia sẻ, chung tay phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào./.