Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Cùng với cả nước, Bình Thuận đã trải qua 25 năm (1998- 2023) nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng khích lệ.
Kết quả khá toàn diện
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) Bình Thuận đạt được những kết quả tương đối toàn diện, đã tạo chuyển biến và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa – xã hội của địa phương. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa được nâng lên, trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc đầu tư cho hoạt động văn hóa, nhất là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn trước. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền trong tỉnh đã rút ngắn đáng kể. Hoạt động đưa văn hóa về cơ sở được duy trì hàng năm, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo thường xuyên được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật.
Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Sự nghiệp văn hóa, thể thao được quan tâm chăm lo tốt hơn. Đời sống của đại đa số nhân dân trong tỉnh nhìn chung ổn định và có bước phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới.
Nhiều chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được ban hành, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa được thuận lợi. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa có nhiều tâm huyết, chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Vai trò chủ thể sáng tạo về văn hóa của nhân dân được tôn trọng, nên đã động viên được nhân dân giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh hơn. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được giữ vững và phát huy. Niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước được tiếp tục nâng lên.
Các nhiệm vụ, nhóm giải pháp
Trong thời gian tới, các cấp các ngành, địa phương trong tỉnh phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm qua, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp như sau:
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và ngành văn hóa thường xuyên coi trọng việc nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn hóa. Trước hết, phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch, xác định trình tự, bước đi thích hợp để phát triển văn hóa ở địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội và từng cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, chú ý bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, nhất là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục chuyển mạnh hoạt động văn hóa về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.
Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, phát triển đi đôi với quản lý hệ thống thông tin đại chúng và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn học nghệ thuật. Tiếp tục mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Chú ý tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời có giải pháp đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm đồi trụy, tiêu cực.
Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, có tính khả thi nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động văn hóa, qua đó huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Chú ý khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ lao động sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị tương xứng với sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Tăng tỷ lệ đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa, phấn đấu chi thường xuyên cho văn hóa đạt từ 4 – 5% tổng chi ngân sách, đảm bảo cho hoạt động văn hóa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.