Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh trong giai đoạn mới
Đây là hội thảo lần thứ 2, tiếp nối cho thành công của hội thảo lần thứ nhất được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/5/2022.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (VIDS) cho biết, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về văn hóa, văn hóa tâm linh trong phát triển của Việt Nam được xác định tại Quyết định số A-228 ngày 10/11/2020 của Bộ Khoa học công nghệ cho VIDS. Điều này mở ra một cơ hội cho nghiên cứu một vấn đề vừa có giá trị lịch sử truyền thống ngàn đời nay, vừa định hướng nghiên cứu các chuẩn mực cho sự phát huy các giá trị văn hóa tâm linh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo ông Thang Văn Phúc, về nhiệm vụ, giải pháp trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh, từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đều công nhận và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng là thừa nhận và tạo điều kiện cho văn hóa tâm linh hoạt động và phát triển.
Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các viện khoa học và các nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Tâm linh và văn hóa tâm linh là những nội dung gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, nhận thức và thực hành văn hóa tâm linh lại là điều không ít người thấu đáo. Lịch sử hình thành phát triển của vấn đề cho thấy thực trạng hoạt động văn hóa tâm linh xuất hiện những lệch lạc, tiêu cực cần được chấn chỉnh và hoàn thiện hơn các văn bản pháp lý cho phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu văn hóa tâm linh cần được chú trọng như là một chiến lược phát triển văn hóa toàn diện trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nghe các tham luận chất lượng, có chiều sâu của các cơ quan, tổ chức, các viện khoa học và các nhà nghiên cứu. Các bài tham luận phần nào đã giúp làm rõ hơn thực trạng phát triển và sự tác động đa chiều của văn hóa tâm linh trong những năm qua. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, yếu kém, phân tích làm rõ các vấn đề đặt ra và đề xuất các định hướng, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh văn hóa tâm linh, phát huy các giá trị tích cực, hạn chế những lệch lạc, tiêu cực cần được chấn chỉnh trong hoạt động văn hóa tâm linh hiện nay.